Thanh tra an toàn thực phẩm ngại xử lý vi phạm vì nể nang họ hàng, làng xóm

ANTD.VN - Sau 1 năm thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) cấp quận, phường, Hà Nội và TP HCM đề xuất tiếp tục được mở rộng thí điểm mô hình này trên toàn địa bàn, có thêm 6 tỉnh/ thành phố khác cũng xin được thí điểm 1 năm.

Sau 1 năm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, phường,

số cơ sở bị xử phạt và số tiền phạt đều tăng (ảnh minh họa)

Sáng nay, 10-3, tại hội nghị tổng kết thí điểm thanh tra chuyên ngành  ATTP cấp quận/huyện, xã/phường của Hà Nội và TP HCM, ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, sau 1 năm thí điểm tại 10 quận huyện và 20 xã phường của Hà Nội, TP HCM (từ 15/11/2015-15/11/2016), có tổng cộng 232 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. Tổng số tại Hà Nội đã kiểm tra được 3.536 cơ sở, TP HCM kiểm tra được 3.968 cơ sở.

Qua kiểm tra, tại Hà Nội đã xử lý vi phạm 786 cơ sở, phạt tiền 371 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 1, 2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số cơ sở bị xử phạt tiền và tổng số tiền phạt đều tăng xấp xỉ 240%. Tại TP HCM, qua kiểm tra đã xử lý vi phạm 2.163 cơ sở, phạt tiền 923 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 4,1 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2015, số cơ sở bị phạt tiền tăng mạnh tới 270%, số tiền phạt tăng hơn 212%.

Cũng trong thời gian thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện, xã/phường, tại Hà Nội không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, trong khi tại TP HCM chỉ xảy ra 1 vụ với 26 người mắc, không có tử vong, giảm 2 vụ so với năm 2015… Theo Cục ATTP, đây là “những con số biết nói” cho thấy hiệu quả từ việc thí điểm mô hình này thời gian qua mang kết quả rất tích cực.

Dù vậy, ông Trần Văn Châu cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách này như: nhiều địa phương thiếu nhân lực, không có cán bộ chuyên trách hay cán bộ chuyên môn về ATTP, nghiệp vụ thanh tra còn hạn chế. Đặc biệt, nhiều người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành nhưng còn tâm lý sợ sai, ngại va chạm, không dám làm, nhất là cán bộ ở cấp xã phường còn tâm lý nể nang họ hàng làng xóm vì đa phần các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại địa phương là người quen biết…

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP – Sở Y tế TP HCM cho biết thêm, qua thí điểm 1 năm, các đoàn thanh tra chuyên ngành ở tuyến xã phường thường được giao phó cho trạm y tế chủ trì nên hiệu quả còn hạn chế. “Trên thực tế, đoàn thanh tra nào do Phó Chủ tịch xã, phường dẫn đầu thì hiệu quả cao hơn hẳn, còn những đoàn thanh tra chỉ có cán bộ y tế dẫn đầu hiệu quả thấp hơn nhiều” – bà Mai nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị tổng kết

Tại buổi tổng kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, xã phường, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục mở rộng và kéo dài thời gian thí điểm mô hình này. Theo đó, tại Hà Nội và TP HCM, sẽ mở rộng thí điểm ra tất cả các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn trong thời gian 1 năm tới.

Ngoài ra, hiện có thêm 3 thành phố trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng cùng 3 tỉnh là Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai có văn bản đề nghị được thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ở một số quận huyện, xã phường trong thời gian 1 năm.

Thứ trưởng Trương Quốc Cường nhấn mạnh, vì thí điểm thì dù có thất bại thường cũng không ai phải chịu trách nhiệm, trong khi chi phí lại rất lớn nên muốn đề xuất kéo dài thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP thì phải có cơ sở thuyết phục, thể hiện cụ thể bằng hiệu quả, nếu không sẽ lãng phí cả nhân lực lẫn nguồn lực nhà nước.