Thách nhau đấu võ dẫn đến thương tích có phạm tội không?

ANTD.VN -  Ông Nguyễn Văn S. (SN 1968) cùng bạn bè tổ chức uống rượu. Lúc mọi người đều đã bắt đầu ngà ngà say thì Phan Văn K. (SN 1983) vỗ ngực nói: Tôi vừa đi học võ về, trong bàn có ai giỏi thì ra đấu võ với tôi. 

Nội dung vụ việc

Thấy vậy, trong men rượu, ông S. cũng bước ra nhận lời thách đấu với K. K. liền lao ra đấm, đá ông S. tới tấp. Thấy tình hình không ổn, bạn nhậu chung vội vào can ngăn nhưng bị K. thúc cùi chỏ ngã xuống mương. Không dừng lại, K. tiếp tục đuổi theo, túm lấy chân trái của ông S., đưa lên cao rồi bẻ ngang. Thấy ông S. ngất xỉu, K. mới dừng tay. Kết quả giám định pháp y về thương tật của ông S. là 16%. Vụ việc ngay sau đó được thông báo đến cơ quan công an.

Vấn đề đặt ra là với hành vi thách nhau đấu võ tay đôi dẫn tới gây thương tích, Phan Văn K. có phạm tội không?

Ý kiến bạn đọc

Chưa cấu thành tội phạm

Trong vụ việc này giữa ông Nguyễn Văn S. và Phan Văn K. trước đây chưa từng có mâu thuẫn. Việc K. thách đấu với ông S. chỉ là lời nói vui trong lúc đang cùng ngồi uống rượu. Ông S. cũng đồng tình nhận lời thi đấu với K. nên chứng tỏ rằng ông S. cũng đã chấp nhận thương tích xảy ra với mình nếu có. Ngoài ra đây là cuộc thi đấu võ bằng tay chân kiểu tự phát không có yếu tố dùng hung khí nguy hiểm, không có yếu tố côn đồ, K. chỉ lỡ tay làm ông S. bị thương tật với tỷ lệ 16% nên theo tôi đây là hành vi vô ý gây thương tích. Theo quy định của pháp luật thì hành vi vô ý gây thương tích thì mức độ thương tật phải từ 31% trở lên mới cấu thành tội vô ý gây thương tích theo Điều 108, Bộ luật Hình sự. Do đó hành vi của K. trong vụ việc này chưa cấu thành tội phạm.

Vũ Mạnh Hà (TP Yên Bái - Yên Bái)

Phạm tội cố ý gây thương tích

Hành vi của Phan Văn K. trong vụ việc này đã phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ, ngay sau khi ông S. nhận lời thách đấu với K. thì K. đã lao vào ngay đấm, đá ông S. tới tấp. Khi có người can ngăn, bản thân ông S. đã cố gắng thoát thân nhưng K. vẫn đuổi theo tấn công. Như vậy, hành vi của K. là cố ý thực hiện cho bằng được việc tấn công ông S., bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng K. cũng cần được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bởi khi thách nhau đấu võ, cả K. và ông S. đều đã ngà say do uống rượu. Việc K. gây thương tích cho ông S. là trong lúc say rượu, tinh thần bị kích động, không làm chủ được hành vi của mình. Ngoài ra, ông S. cũng có một phần lỗi khi đã nhận lời thách đấu của K.

Nguyễn Khắc Tình (Bình Liêu - Quảng Ninh)

Chỉ bị xử lý hành chính

Hiện chưa có quy định cụ thể về các cuộc đấu võ nằm ngoài phạm vi của một giải đấu do cơ quan có chức năng tổ chức. Pháp luật cấm đánh nhau, cấm gây thương tích cho người khác, cho nên có thể thấy các cuộc tỉ thí võ đều là bất hợp pháp. Theo tôi, do cả Phan Văn K. và ông Nguyễn Văn S. đều tự nguyên tham gia cuộc thi đấu võ nên K. sẽ không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, do đây là cuộc đấu bất hợp pháp nên trong trường hợp này K. sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 5 của Nghị định 167 năm 2003 về hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau với mức phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Ngoài ra, nếu ông S. có yêu cầu về dân sự thì K. sẽ bồi thường cho ông S. theo quy định của pháp luật về bồi thường dân sự.

Phạm Thị Liễu (Ba Đình - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy, đây không phải là cuộc đấu võ có tổ chức mà do uống rượu ngà ngà say nên một bên thách (anh K.) và một bên chấp nhận lời thách (ông S.). Cuộc đấu này giữa hai người lại không có trọng tài. Ngay sau khi ông S. chấp nhận lời thách đố thì lập tức K. liền lao tới đấm đá ông S. tới tấp làm cho ông S. không kịp trở tay.

Mặc dù đã được bạn nhậu vào ôm can ngăn nhưng K. không dừng lại mà thúc cùi chỏ làm bạn nhậu ngã xuống mương nước. Sau đó K. tiếp tục đuổi theo ông S., túm lấy chân trái của ông đưa lên cao rồi bẻ ngang. Chỉ đến khi thấy ông S. ngất xỉu, K. mới dừng tay. Trong trường hợp này, không thể nói K. lỡ tay làm ông S. bị thương mà hành vi của K. là hành vi cố ý (có thể là cố ý không xác định).

Pháp luật có quy định rất rõ về hành vi nguy hiểm cho xã hội, chỉ bị coi là tội phạm khi có lỗi cố ý hoặc vô ý. Tức là hành vi đó phải là kết quả của sự lựa chọn của họ trong khi họ có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện cách ứng xử khác phù hợp với đòi hỏi của quy định pháp luật và xã hội. Lỗi cố ý có 2 hình thức là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. 

Lỗi cố ý trực tiếp thì khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội luôn nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn xảy ra. 

Lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với lỗi vô ý gồm 2 hình thức vì quá tự tin và do cẩu thả. Vô ý do quá tự tin là người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả cho bị hại, xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa.

Vô ý do cẩu thả là người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình và có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước được hậu quả đó. Sự khác nhau giữa lỗi cố ý và vô ý là ở khả năng nhận thức, thái độ của người phạm tội đối với hành vi và hậu quả của hành vi phạm tội của mình. Thông thường, trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội với lỗi cố ý sẽ nghiêm khắc hơn so với lỗi vô ý.

Trở lại vụ việc, theo chúng tôi, đã gọi là thách đấu thì không thể coi là vô ý được, cho dù là vô ý vì quá tự tin. Thách đấu đồng nghĩa với việc thách đánh nhau, chấp nhận đánh nhau. Tuy nhiên, cần phân biệt thách đấu nhau trong đời thường với trường hợp thi đấu có tổ chức theo quy định của pháp luật như đấu vật, đấu võ.

Ở các cuộc chơi hợp pháp này, người có hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác hoàn toàn không mong muốn hậu quả xảy ra, tức là ngay từ trước khi hành động đã không mong muốn cho đối thủ bị thương tích mà chẳng qua chỉ do vi phạm luật chơi. Thực tiễn trong đời sống pháp luật cho thấy, các trường hợp gây thương tích khi thách đấu võ tự phát vẫn được coi là hành vi cố ý gây thương tích.

Trong vụ việc này, mặc dù đã được các bạn nhậu can ngăn, ông S. cũng đã bỏ chạy nhưng K. không dừng lại mà tiếp tục đuổi theo để đánh ông S., vì vậy hành vi của K. không thể là lỡ tay hay vô ý được. Bản thân K. cũng mong muốn cố ý đến cùng trong việc đánh và gây thương tích cho ông S. với tỷ lệ thương tật 16%, do vậy đã thỏa mãn dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự. Theo quan điểm của chúng tôi, hành vi nêu trên của K. thậm chí còn có tính chất côn đồ. Đây cũng chính là tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 104. 

Trong vụ việc này, nếu K. do sơ suất mà gây thương tích cho ông S. trong lúc đấu võ thì ông S. cũng có thể bị coi là có lỗi vì ông này đã tự nguyện chấp nhận đấu võ với K. Tuy nhiên, K. đã gây thương tích cho ông S. sau khi ông này đã bỏ chạy; K. được người khác can ngăn, tức là sau khi cuộc đấu võ theo sự thỏa thuận của các bên đã chấm dứt. Vì vậy, khó có thể coi ông S. có một phần lỗi trong việc bị K. gây thương tích.

Ngoài ra, khi thách nhau đấu võ, cả K. và ông S. đều đã ngà say do uống rượu. Khi sử dụng rượu, bia, chất kích thích trong rượu, bia dẫn tới hạn chế khả năng nhận thức. Nhưng vấn đề cần xem xét là khi phạm tội, hoặc có hành vi sai trái thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Điều 14, Bộ luật Hình sự quy định: Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, việc sử dụng rượu, bia vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và không được miễn trừ trách nhiệm hình sự, thậm chí còn là một số tình tiết tăng nặng.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)