Sau vụ bạo hành ở trường Mầm Xanh, trẻ sẽ được bảo vệ thế nào?

ANTD.VN - Các cơ quan ban ngành đang họp bàn cách bảo vệ trẻ khỏi nạn bạo hành trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc xảy ra tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP.HCM).  

Viện KSND quận 12, TP.HCM vừa phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh - về tội hành hạ người khác. Các bảo mẫu liên quan đến vụ bạo hành trẻ tại cơ sở này cũng bị triệu tập đến cơ quan Công an để lấy lời khai.

Trước việc chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh và các bảo mẫu đã có những hành động bạo hành trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định đây là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay.

Trẻ mầm non Mầm Xanh được đề xuất đi khám sức khỏe tổng quát sau khi vụ việc bạo hành bị phát hiện

Vấn đề bảo vệ an toàn của trẻ trong các cơ sở mầm non tư thục hiện đang được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm bởi ngoài cơ sở mầm non Mầm Xanh, cả nước còn hàng trăm nghìn cơ sở tương tự, đặc biệt là xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhằm giải quyết vụ việc trước mắt, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã họp khẩn với các cơ quan chức năng trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, một trong những biện pháp tức thời để đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở mầm non dạng này là yêu cầu các trường nhanh chóng lắp camera, nghiên cứu vị trí gắn camera để giám sát các cô dạy trẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu cho biết, những điểm giữ trẻ thành lập mới từ bây giờ phải có camera. Sở GD-ĐT sẽ chủ trì cùng Sở Tư pháp và các sở liên quan bàn giải pháp, tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo để nhanh chóng bảo vệ trẻ em.

Bạo hành trẻ dã man, các bảo mẫu đối mặt với chế tài nghiêm khắc

Được biết, UBND Quận 12 đã có chỉ đạo tổng rà soát tất cả nhóm trẻ, kiểm tra các điều kiện chuyên môn, cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề cập tới giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Chính phủ có quyết định 404/QĐ-Ttg hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục. Trong đó có 10 tỉnh, thành phố đã thực hiện và TP HCM là một trong số đó.

Cụ thể, địa phương này đã hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên để đủ điều kiện cấp phép... Ngoài ra, Hội Phụ nữ cũng có nhiều hoạt động để hỗ trợ các nhóm lớp tư thục.

Tuy nhiên, tại các khu chế xuất công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… hay tại các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nhu cầu gửi trẻ vẫn không được đáp ứng khi các cơ sở mầm non công lập, cơ sở ngoài công lập đủ điều kiện hoạt động không đủ khả năng tiếp nhận trẻ.

Việc phát sinh những nhóm lớp tư thục tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ bởi có những người được đào tạo chu đáo nhưng có những người không được đào tạo bài bản, thiếu trình độ, kĩ năng thường tìm đến làm việc tại các cơ sở này.

Đây vẫn là bài toán chờ lời giải của ngành giáo dục và các ban ngành liên quan để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của trẻ lứa tuổi mầm non.