Sát cánh cùng Cảnh sát 113 (1): Những giờ phút tuần tra hồi hộp

ANTD.VN - Khi gặp tình huống nguy cấp về an ninh, mọi người sẽ lập tức nghĩ ngay tới số điện thoại khẩn cấp của công an: 113. Trong suy nghĩ của nhiều người, cảnh sát 113 là một trong những lực lượng vất vả nhất, khi thường xuyên phải đối mặt với những đối tượng manh động, và luôn sẵn sàng phương án trấn áp bất kỳ khi nào. Điều đó đúng, nhưng… chưa đủ! Để hiểu hết công việc cùng tâm tư của những chiến sĩ cảnh sát 113, PV Báo ANTĐ đã có 2 tuần “cùng ăn, cùng ngủ, cùng tuần tra” với Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động (113) của Công an quận Hai Bà Trưng, CATP Hà Nội, qua đó thực hiện chuyên đề đặc biệt: Sát cánh cùng Cảnh sát 113.

“Cảnh sát 113” mà mọi người thường hay nhắc tới, hiện có tên gọi đầy đủ là “Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động” (tên trước đây là “Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Phản ứng nhanh”), thuộc cơ cấu của công an các quận, huyện.

Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động 113 bao gồm: Tổ Cảnh sát Giao thông thực hiện nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường của các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, cũng như các thủ tục về đăng ký xe; Tổ Cảnh sát Trật tự - Cơ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, trật tự.

Khi nhận thông báo của Tổng đài 113 Công an Thành phố, Tổ Cảnh sát Trật tự - Cơ động của công an quận/huyện sẽ triển khai nhanh xuống hiện trường để xử lý kịp thời.

Những giờ phút tuần tra hồi hộp

Tôi bắt đầu chuyến tuần tra đầu tiên với lực lượng cảnh sát 113 của CAQ Hai Bà Trưng là vào ca tối (từ 19 giờ hôm trước tới 7 giờ sáng hôm sau, ca sáng là thời gian còn lại). Đúng 19 giờ, chiếc xe bán tải mang dòng chữ “Cảnh sát 113” nổ máy, đón tổ công tác gồm 4 cán bộ, chiến sĩ lên đường tuần tra. Tất cả trang thiết bị, công cụ hỗ trợ đều được kiểm tra, sắp xếp gọn gàng trên xe.

Trước khi đi, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt – Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động – không quên nhắn nhủ: “Từ sau Mệnh lệnh 01 của Giám đốc Công an Thành phố, và các tổ 141 hoạt động đều đặn, những vụ việc gây rối, phức tạp giảm hẳn. Vậy nên tình hình lúc này rất yên ắng, nhưng không được chủ quan khi tác nghiệp. Anh em sẽ hỗ trợ PV hết mình!”

Tôi xem lời nhắn nhủ đó giống như một lời động viên, và càng thêm yên tâm khi bắt đầu chuyến tuần tra kéo dài…

Sự có mặt của Cảnh sát 113 tại những điểm nóng về an ninh, trật tự hoặc nơi người dân cần hỗ trợ đã lập tức mang lại sự yên tâm cho mọi người

Xuất phát từ trụ sở Công an quận, chiếc xe chạy rà rà qua từng tuyến phố trên địa bàn. Trên xe, tiếng bộ đàm an ninh vang lên từng lúc… “ABC gọi XYZ, tại… có tai nạn giao thông, đề nghị kiểm tra!”, “ABC gọi ZYX, tại… có gây rối, đề nghị triển khai ngay!”… (Những tên viết tắt là mã riêng của lực lượng Cảnh sát 113)

Tình hình tại địa bàn lúc này chưa có thông báo nào phức tạp, chiếc xe Cảnh sát 113 vẫn tiếp tục di chuyển quanh các tuyến phố. Một biểu hiện đáng chú ý là khi mọi người nhìn thấy xe Cảnh sát 113, những thanh niên có dấu hiệu ngông nghênh đều trở nên “hiền lành” kỳ lạ - như khi qua ngã tư Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa, hai thanh niên đầu trần có ý định vượt đèn đỏ đã khựng lại và… “ngoan ngoãn” lấy mũ bảo hiểm ra đội, dù chưa có bất kỳ ai nhắc nhở - trong khi những người dân khác tỏ vẻ yên tâm và thoải mái hơn…

Thiếu tá Lê Anh Dũng - Tổ trưởng - chia sẻ: “Khi làm nhiệm vụ, Cảnh sát 113 phải thể hiện được cái ‘uy’ của lực lượng cơ động, trấn áp. Bởi thế, những đối tượng bất hảo khi thấy Cảnh sát 113 thì thường ‘chùn’ lại, trong khi người dân lương thiện tỏ vẻ hào hứng, yên tâm. Cảnh sát 113 không chỉ giải quyết các vụ việc thông báo qua đường dây nóng, mà còn hỗ trợ các tổ công tác 141 và công an phường xử lý đối tượng chống đối, gây rối khi có đề nghị”.

Lời chia sẻ vừa dứt, bộ đàm vang lên mã của tổ công tác: “…, có địa chỉ… trên phố Lê Thanh Nghị cần hỗ trợ, đề nghị triển khai!”

Lập tức, chiếc xe thoát khỏi dáng vẻ từ tốn ban đầu, hú còi, nháy đèn cảnh báo và lao vun vút trên đường. Hàng loạt phương tiện khi nghe thấy xe Cảnh sát 113 hú còi đều nhanh chóng dạt sang nhường đường, trong những tiếng còi “bọp” liên hồi, dồn dập.

Chỉ chưa đầy 6 phút sau khi nhận thông báo, tổ công tác 113 đã có mặt trước số nhà báo tin ở phố Lê Thanh Nghị. Đội hình được bố trí hợp lý để sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ… Những người dân tò mò, xôn xao khi thấy sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh.

Tuy nhiên, khi đó, tình hình tại đây khá yên ắng. Thiếu tá Phạm Đình Hải - tổ phó - gọi ngược lại số điện thoại báo tin 113 để nắm bắt sự việc.

- Tôi là Cảnh sát 113. Chúng tôi đã có mặt trước số nhà… như chị thông báo. Chị có vấn đề gì cần trợ giúp?

- …

Sự việc sau đó được tóm gọn là người chủ cửa hàng “nổi nóng” với các nhân viên, dọa đuổi, khiến các nhân viên sợ hãi, và một nữ nhân viên đã gọi 113. Chỉ hai phút sau khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt, xe của công an phường cũng xuất hiện.

Tổ công tác khi đó đã kiểm tra khu vực, xác nhận không có sự nguy hiểm và bàn giao lại cho công an phường, rồi tiếp tục hành trình tuần tra của mình.

Người đàn ông bị dọa giết lúc tối cầu cứu 113

Chiếc xe của chúng tôi lại tiếp tục di chuyển trên các cung đường của quận Hai Bà Trưng, khi đồng hồ đã điểm qua 22 giờ. Tranh thủ lúc tình hình yên ắng, Thiếu tá Phạm Đình Hải gọi điện về nhà, hỏi vợ bằng giọng trầm tĩnh, tình cảm… “Tối nay cả nhà thế nào? Các con ăn và học ngoan không em? Ừ! Mai về anh xem thế nào nhé!”. Lúc đó, dáng vẻ của một cán bộ Cảnh sát 113 nhanh chóng trở thành hình ảnh của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Điều đó khiến tôi thực sự ấn tượng.

Gần 22 giờ 30 phút, điện đàm lại “nổ tin”: “…, tại địa chỉ... có đối tượng đe dọa, đề nghị triển khai hỗ trợ!”

Chiếc xe lại hú còi, phóng vun vút tới địa chỉ thông báo. Nguồn tin cấp báo ở sự việc lần này không cung cấp địa điểm cụ thể, khiến tổ công tác khá vất vả tìm kiếm, hỏi thăm trong con ngõ tối thuộc phường Vĩnh Tuy.

Tổ trưởng - Thiếu tá Lê Anh Dũng - cảnh báo với các đồng đội: “Ngõ nhỏ, sâu và tối. Điện thoại nguồn tin là máy bàn, gọi lại không thấy nghe. Anh em xuống đi bộ di chuyển nhanh vào trong, xe bám theo sau. Cảnh giác!”

Cảnh tranh tối tranh sáng dưới những chiếc đèn đường cũ kỹ càng khiến con ngõ trở nên “tiềm ẩn nguy hiểm”, nhưng các chiến sĩ Cảnh sát 113 cao lớn vẫn thoăn thoắt tiến vào.

Nguồn báo tin được xác định là ở trong một nhà máy nằm gần cuối ngõ. Khi tổ công tác tới nơi, cũng là lúc Thiếu tá Lê Anh Dũng liên lạc được với người cấp báo.

- Anh hãy ra ngoài, chúng tôi là cảnh sát 113 tới để hỗ trợ anh. Anh hãy yên tâm!

Vài phút sau, một người đàn ông dáng người thấp bé xuất hiện, khuôn mặt vẫn chưa hết hoảng sợ…

- Em bị một đối tượng tới đây dọa đánh. Hôm qua, nó đã tới rồi, nhưng em không đi làm. Hôm nay, nó lại tới, em rất sợ…

- Đối tượng đó hiện ở đâu? Anh có biết gì về anh ta không?

- Khi nghe thấy em báo Cảnh sát 113 thì nó chạy rồi ạ. Em chỉ biết nó là chồng của một nữ nhân viên bên em. Em làm báo cáo giờ công, cô ấy thiếu giờ làm trên máy kiểm soát thì em phải ghi lại đúng như thế, nhưng chồng cô ấy lại cho rằng em chèn ép, “lấy mất tiền sữa của con” anh ta, nên chửi bới, dọa đánh em.

- Anh yên tâm, cung cấp thông tin đầy đủ, chúng tôi sẽ hỗ trợ anh!

Sau khi ghi nhận thông tin, Thiếu tá Lê Anh Dũng gọi điện đến công an phường sở tại và đề nghị lực lượng trực ban và cảnh sát hình sự tới tiếp nhận.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là xử lý kịp thời để hỗ trợ anh trong tình huống khẩn cấp. Hiện giờ, đối tượng đe dọa đã rời đi, chúng tôi sẽ bàn giao sự việc cho công an phường, để họ có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ anh”, Tổ trưởng tổ cảnh sát 113 giải thích cho người đàn ông báo tin – lúc này đã bình tâm hơn rất nhiều.

Sự việc được bàn giao suôn sẻ, Tổ công tác Cảnh sát 113 lại tiếp tục lên đường. Mỗi chuyến tuần tra như vậy thường kéo dài từ 19 giờ hôm trước tới 2 giờ sáng hôm sau. Sau 0 giờ đêm, xe Cảnh sát 113 sẽ làm thêm nhiệm vụ nhắc nhở các hàng quán thu dọn, đóng cửa theo đúng quy định.

Video clip ghi lại khoảnh khắc xử lý sự việc của Tổ tuần tra Cảnh sát 113, Công an quận Hai Bà Trưng:

Có ngồi trên xe tuần tra của lực lượng Cảnh sát 113, tôi mới thấy được sự an tâm thế nào khi bất kỳ lời kêu cứu, đề nghị hỗ trợ nào của người dân cũng được đáp ứng nhanh chóng, quyết liệt.

Càng về khuya, chiếc xe Cảnh sát 113 càng trở nên “cô đơn” giữa những cung đường vắng, nhưng những người ngồi trên đó thì chẳng cảm thấy cô đơn chút nào. Bởi họ hiểu rằng, họ thức và tuần tra là để đảm bảo bình yên cho người dân.

“Chúng tôi thức để người dân ngủ ngon hơn. Đó là điều rất đỗi bình thường của lực lượng Cảnh sát 113…”, ánh mắt và nụ cười của các chiến sĩ trên xe như chia sẻ điều đó với tôi, và với tất cả mọi người đang ngon giấc, khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng...

(Còn nữa)