Rượu chứa methanol - nỗi kinh hoàng quay trở lại

ANTD.VN - Hơn 1 tuần qua, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tới 4 bệnh nhân ngộ độc rượu, cồn chứa methanol vào cấp cứu, 3 người tử vong.

Điều trị bệnh nhân ngộ độc rượu tại Bệnh viện Bạch Mai

Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol khiến 31 người nhập viện, 6 người tử vong hồi đầu năm, Hà Nội đã mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý rượu sản xuất thủ công. Thế nhưng, sau khoảng gần 3 tháng có vẻ tạm lắng, từ cuối tháng 8 đến nay, số ca nhập viện, tử vong do rượu có methanol lại tăng.

Một phụ nữ chết vì uống rượu

Tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol bắt đầu “nóng” trở lại từ ngày 29-8 vừa qua khi Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thông tin, có một bệnh nhân tử vong do mua cồn về uống thay rượu để thỏa cơn nghiện rượu. Bệnh nhân này là Lê Văn T. (63 tuổi, ở Thanh Hóa) được gia đình đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng, rất điển hình của ngộ độc methanol.

Khi xét nghiệm, nồng độ methanol trong máu bệnh nhân lên tới 210 mg/dL, trong khi với nồng độ 40-50 mg/dL đã là rất nặng. Sau đó hơn 1 tuần, có liên tiếp 3 nạn nhân ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol được chuyển đến Trung tâm Chống độc cấp cứu, 2 người trong số đó đã tử vong vì hàm lượng methanol trong máu quá cao, người còn lại tổn thương não nặng, hôn mê sâu.

Chia sẻ về các ca bệnh này, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đau xót nhất là ngày 7-9 vừa qua, Trung tâm tiếp nhận liên tiếp 2 bệnh nhân ngộ độc rượu, một ở Hà Nội, một ở Hải Dương được đưa vào cấp cứu.

Trong đó, nữ bệnh nhân 43 tuổi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi tới viện đã ngừng tim, được xác định tử vong trước khi vào viện. Gia đình cho biết, bệnh nhân rất hay uống rượu. Trước ngày tử vong, bệnh nhân có mua rượu tại một bách hoá gần nhà về uống và bị ngộ độc.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu của nữ bệnh nhân này lên tới 135,9 mg/dL, không thấy ethanol, chứng tỏ bị ngộ độc do cồn công nghiệp. Trước đó, ngày 4-9, một bệnh nhân khác cũng ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu có methanol và tử vong sau 1 ngày điều trị.

“Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, dù vẫn chưa bước vào mùa cao điểm của ngộ độc rượu (mùa đông, cận Tết) song số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu có hàm lượng methanol vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc đã lên đến 48 ca - bằng tổng số bệnh nhân của cả năm 2016. Tỷ lệ tử vong rất cao, lên đến 20-30%”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết.

“Rượu trắng” vẫn tràn ngập

Sau khi ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua, Hà Nội đã mở đợt cao điểm rà soát, thanh tra, kiểm tra mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, siết chặt việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm này.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 20-8-2017, đơn vị này đã kiểm tra 983 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn; đã xử lý 869 vụ; chuyển Công an điều tra 1 vụ; phạt hành chính các cơ sở có vi phạm với số tiền lên tới trên 2,64 tỷ đồng. 

Cùng đó, đã tịch thu 30.260 lít rượu không rõ nguồn gốc; 3.510 chai rượu các loại, trị giá hàng vi phạm lên tới trên 2,86 tỷ đồng… Thế nhưng ngoài việc rải rác vẫn ghi nhận thêm bệnh nhân ngộ độc, tử vong do rượu methanol thì mặt hàng rượu trắng không nhãn mác, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bán phổ biến ở các hàng tạp hóa, quán ăn.

Về vấn đề này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận: “Không còn tình trạng bày bán công khai các loại rượu trắng, rượu thuốc không rõ nguồn gốc mà các cơ sở để rượu tại cửa hàng, khi kiểm tra thì khai là ngâm tự uống”.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, methanol được người sản xuất kinh doanh cố tình trộn vào rượu uống (rượu trắng) vì lợi nhuận, do đó những vụ ngộ độc rượu methanol hoàn toàn có thể tránh được nếu quản lý tốt hoá chất methanol. “Chúng tôi đã cảnh báo, tuyên truyền rất nhiều nhưng dường như người dân vẫn coi thường tính mạng của mình khi sẵn sàng uống rượu không đảm bảo, thậm chí mua cồn về pha với rượu để uống”- bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Cách phân biệt rượu thật với rượu pha methanol

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng có thể phân biệt rượu có pha methanol hay không bằng một số biện pháp sau:

Quan sát bọt rượu: Lật ngược chai rượu lên, nếu là rượu giả thì bọt khí sẽ nổi to, nổi lên theo chiều thẳng đứng với tốc độ nhanh.

Xoa ra tay: Đổ một chút rượu ra lòng bàn tay và xát 2 tay vào nhau một lúc cho nóng. Nếu là rượu pha cồn công nghiệp thì sẽ bốc hơi nhanh, một lúc sau đã không còn mùi. Nếu là rượu đảm bảo thì sẽ có mùi thơm, khi xoa ra tay lâu hết mùi hơn và tay có cảm giác hơi dính.

Cho vào ngăn đá tủ lạnh 1 ngày: Nếu là rượu chất lượng tốt thì sẽ không bị đông đá. Còn nếu là rượu được sản xuất bằng men vi sinh, chai rượu sẽ đóng đá một nửa. Nếu rượu bị đông cứng thì 100%  là rượu cồn công nghiệp.

Thử trực tiếp: Uống rượu gạo có cảm giác êm, không sốc, say từ từ, tỉnh dậy sau khi uống rượu không có cảm giác háo nước hay đau đầu. Nhưng khi uống rượu có cảm giác sốc, khó chịu, đắng ngắt ở cổ họng, háo nước thì đó là rượu pha cồn.

Thông tin sản phẩm: Nếu rượu được sản xuất tại cơ sở có uy tín thì sẽ có thông tin chi tiết về sản phẩm. Nhưng nếu rượu giả hoặc không đảm bảo thì thông tin này không rõ ràng, có thể còn sai chính tả.