Quỹ từ thiện "Cơm có thịt" chú trọng tính lan tỏa

ANTD.VN -Ông Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao, nhấn mạnh tính lan tỏa trong các hoạt động từ thiện.

- PV: Về quy mô, số lượng học sinh mà bên “Cơm có thịt” hỗ trợ là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao: Con số hơi biến động. Ví dụ hiện giờ đang giúp 90 trường, thì sang năm có một số trường tăng thêm có một số trường giảm đi. Chính vì thế phải tính theo từng năm. Có năm cao điểm nhất chúng tôi hỗ trợ thường xuyên khoảng 10 nghìn học sinh về bữa ăn, về dinh dưỡng. Có những năm con số giảm xuống còn 7000 học sinh. Vì nhiều khi giúp xong, trường lại có chế độ nhà nước mới bổ sung, thì thôi, không tiếp tục giúp nữa mà phát triển sang khu vực chưa có chế độ nhà nước. Nên nói số lượng bao nhiêu, thì phải tính theo năm học. Nói chung, không có năm nào dưới 5000 – 6000 học sinh nhận được hỗ trợ thường xuyên.

- Bữa ăn “cơm có thịt” được xác định bằng lượng, bằng tiền hay bằng gì ?

Chúng tôi căn cứ vào tiêu chuẩn nhà nước hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em. Ví dụ mầm non, tiểu học được chừng 120 nghìn đồng/tháng, để ăn trưa. Chúng tôi hỗ trợ quãng 150 nghìn/tháng cho bữa ăn trưa theo chế độ nhà nước.

- Với 150 nghìn thì làm thế nào mà đủ được?

Nó khác chứ? Trên đấy, nhà nước có chế độ hỗ trợ về gạo cho học sinh tiểu học, trung học, thế thì gạo có rồi. Còn nếu các em nội trú thì mình chỉ hỗ trợ các em ăn trưa tại lớp thôi. Toàn bộ tiền ấy dùng để mua thức ăn, còn củi và các thứ khác, phụ huynh cũng đóng góp.

- Cái đấy  sẽ thêm tính bền vững, vì tất cả mọi người đều tham gia?

Đúng vậy, chúng tôi không bao giờ hỗ trợ từ đầu đến cuối, mà các bên phải cùng tham gia, tức là thêm vào mắt xích trong một chuỗi thôi.

Còn lượng áo rét thì số lượng nhiều hơn. Trong những năm gần đây thường từ 2 vạn em mỗi năm có áo rét.

Chủ yếu tập trung vào các tỉnh phía tây bắc, vùng núi. Có cả vùng núi miền Trung, còn phía Nam và Tây nguyên cũng có nhưng không phổ biến lắm. Do đặc điểm và do nhu cầu. Đa số các tỉnh biên giới phía bắc, chúng tôi đều có hoạt động, trừ những tỉnh có đời sống kinh tế tương đối cao thì thôi, như Quảng Ninh mình không hoạt động. Còn thì là Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Bắc Cạn, Cao Bằng…

- Các hình thức quyên góp thì sao anh?

Nhiều hình thức như tôi đã nói ở trên, để nhấn mạnh tính cộng đồng và sự lan tỏa. Có thể thông qua hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao với các nơi, chẳng hạn bóng đá, cũng quyên góp được khoảng 300 triệu đồng . Đội bóng “Cơm có thịt” còn được những đơn vị khác tổ chức các giải để ủng hộ Cơm có thịt. Ví dụ Camudi tổ chức giải, họ mời Cơm có thịt và trong giải đấy tất cả các đội đều đóng góp ủng hộ cho hoạt động của Cơm có thịt, chừng 50 triệu đồng.

Riêng giải mà “Cơm có thịt” đã tổ chức là 2 giải: Cơm có thịt mùa xuân rồi Cơm có thịt mùa hạ. Một năm có thể mấy lần, nên đặt tên theo mùa. Giải mùa xuân thì quyên góp được khoảng gần 100 triệu, giải mùa hạ thì được khoảng 25 triệu.

- Những khó khăn trong hoạt động từ thiện của bên anh thường là gì?

Khó khăn lớn nhất, thường xuyên là những điểm mình giúp đỡ đều nằm ở địa bàn rất xa, cực kỳ xa so với Hà Nội. Vì để giúp đỡ, có khi chỉ giúp đỡ vài chục cháu ở một nơi xa xôi nào đó, thì đi lại rất tốn kém. Mà chúng tôi không có tài nào làm cho chi phí đi lại thấp đi được. Mà chủ yếu chi phí do anh em bà con tự chịu, không lấy vào tiền của quĩ thôi chứ chẳng có bí quyết nào. Các chuyến đi hàng nghìn kilomet là bình thường, có khi còn hơn, để mà lấy thông tin để mà xác minh, kiểm tra, khảo sát để giúp đỡ. Càng ngày chúng tôi càng rút kinh nghiệm để mỗi chuyến đi khảo sát có thể giải quyết được nhiều công việc khác nhau.

Khó khăn thứ hai là các tình nguyện viên thì rất nhiệt tình nhưng họ cũng có công việc và cuộc sống riêng. Bởi vậy, có lúc thiếu người, thiếu nhân lực để làm công việc thường xuyên hàng ngày. Mà việc cần huy động là việc liên tục xảy ra, hôm nay là vấn đề kho bãi, ngày mai là vấn đề đưa hàng hóa lên khu vực nào đấy, ngày kia là vấn đề giám sát tài chính, kiểm tra tài chính khu vực nào đấy. Ngày nữa là vấn đề thiết kế, kiến trúc, lập dự án rồi dự toán chương trình xây dựng nào đấy phải nhờ giới chuyên môn. Tất cả là do phải huy động từ bên ngoài thì phần nào đấy mình không thể chủ động hoàn toàn được.

Chỉ 2 khó khăn đấy thôi. Còn thì các chính quyền địa phương rất tạo điều kiện, rất nhiệt tình. Chưa bao giờ chúng tôi gặp khó khăn từ địa phương. Tôi nghĩ đó là do ngay từ đầu mình làm, mọi người thấy có kết quả, rồi có lan truyền về mặt thông tin. Chúng tôi thường đi trực tiếp tới các trường. Nhưng thông tin tốt đưa từ các trường lên chính quyền địa phương ở huyện, ở tỉnh…

- Từ ông Tuấn - Phó tổng giám đốc VTV (Đài Truyền hình Việt Nam). Dăm - bảy năm nay, là "ông Tuấn - Cơm có thịt". Cảm xúc của anh với những thay đổi "biệt danh" đấy, là như thế nào?

Tôi thấy vui thôi. Vì như thế đã nói lên điều là mỗi giai đoạn, có những cái mình làm, mình cố gắng làm được trong chừng mực nào đó, đã có một kết quả nào đó.

Nên bảo là giai đoạn nào vui hơn giai đoạn nào thì không so sánh được. Nghe "biệt danh" là "Cơm có thịt" cũng là một niềm vui. Trên miền núi mọi người còn gọi tôi vui bằng tên người Mèo - người Mông. Vùng có người Dao, họ gọi là họ Triệu, còn người Mông có lần họ gọi mình là Giàng gì Tuấn ấy. Tôi thành người có nhiều họ. 

Ông Lê Quốc Anh – Giám đốc Công ty cổ phẩn Chuyển phát nhanh bưu điện (EMS):

Ngoài nhiệm vụ kinh doanh chính của mình, là doanh nghiệp có vốn nhà nước, bảo toàn vốn, phát triển vốn, ổn định đời sống cán bộ nhân viên, có lợi nhuận v.v…. thì việc mình đóng góp cho xã hội theo chương trình thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, và nó cũng giúp cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp.

Vì lĩnh vực chuyên môn là chuyển phát, nên những năm có thiên tai, như miền Trung bão lũ, thì chúng tôi có những chuyển phát miễn phí, tạo những điểm chuyển phát, giúp những nhà hảo tâm có những đồ cần chuyển phát, để chuyển đến tận nơi, giao cho hội chữ thập đỏ hoặc UBND các cấp. Đấy là hoạt động hưởng ứng, đóng góp mà EMS dùng tính chuyên môn của mình trợ giúp mọi người. Vấn đề giao lưu, kết nối với Cơm có thịt cũng là muốn như thế.