Quà tặng vô giá với người làm báo

ANTD.VN - 27 năm làm báo, trong đó có tới 15 năm làm công tác Bạn đọc, Trung tá Nguyễn Tiến Chính - Trưởng Ban Nội chính, Báo An ninh Thủ đô là một trong những người gắn chặt nghề báo với các hoạt động xã hội tình nghĩa. Anh nói, cái hạnh phúc nhất của một đời làm báo là trong những chuyến công tác nhận được những giọt nước mắt, những cái ôm siết chặt cảm động đến nghẹt thở của người dân, có những bản làng lâu lâu mình không tới nhưng thỉnh thoảng họ chợt nhớ mà nhắc tên…

Trung tá Nguyễn Tiến Chính - Trưởng Ban Nội chính - Báo ANTĐ trong những chuyến công tác, từ thiện vùng sâu vùng xa

“Bây giờ thì bình thường rồi, nhưng cỡ mươi mười lăm năm trước, các chuyến công tác xã hội từ thiện như của An ninh Thủ đô mà tôi được tham gia, kể cũng đáng được trao… “huân chương chiến công” lắm. Lên rừng, xuống biển, ngõ hẻm, hang cùng, hay cả những khu vực giáp biên xa ngái buồn đến hắt hiu, cứ ở đâu có sự nghèo túng khó khăn là chúng tôi cũng tìm đến với bà con bằng được”. Trong những lúc thảnh thời, Trung tá Nguyễn Tiến Chính thường bắt đầu câu chuyện nghề của mình như vậy. Song dĩ nhiên, ai cũng biết anh đùa.

Duyên và nghiệp

“Thực ra, trong làm báo thì nhiều phóng viên hay “ngại” mảng Bạn đọc. Cũng chẳng phải vì công việc này nặng nhọc hay vất vả hơn những mảng khác về mặt chuyên môn. Người ta ngại bởi bên cạnh những bài điều tra thì phóng viên Bạn đọc hay phải gắn mình với những chuyến đi làm công tác xã hội dài dằng dặc. Thế rồi về làm công tác bạn đọc nhiều thành quen. 

Nhiều người nghĩ, làm công tác xã hội từ thiện chỉ cần tìm hiểu xem ở đâu có người nghèo khó cần giúp đỡ thì chỉ việc mang quà đến hỗ trợ, thăm hỏi động viên họ, vậy là xong. Kỳ thực đó là quan niệm sai lầm. Sai từ cách nghĩ đến cách làm. Năm 2002, sau khi Báo ANTĐ thành lập Ban Bạn đọc với chủ trương chia sẻ mọi khó khăn với đồng bào ở mọi miền Tổ quốc thì cũng là lúc những việc không tên dồn dập đến với các phóng viên. 

Đầu tiên là việc phải đi thực tế, tìm hiểu những địa bàn cần được giúp đỡ. Những khu vực vùng sâu, vùng xa nơi người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn đều được lên danh sách. Thế nhưng, các cụ vẫn bảo “của cho không bằng cách cho”, nếu như giúp đỡ mà không hợp lý thì lại là lãng phí. Chính vì vậy, những kế hoạch chi tiết về việc cần giúp cụ thể những gì, giúp đỡ như thế nào đều được cán bộ, phóng viên Ban Bạn đọc lên danh sách chi tiết. 

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, công việc tiếp theo chính là kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn vất vả ấy đối với người dân. Chưa hết, khi đã có nguồn hỗ trợ rồi thì bắt đầu lên phương án phân phối, vận chuyển. Đây mới là phần việc cực nhất bởi nhiều địa bàn vô cùng hẻo lánh, xa xôi.

Để đưa được những chuyến hàng, những gói quà đến đúng địa chỉ người nhận, Trung tá Nguyễn Tiến Chính cùng những cán bộ của mình còn phái mất nhiều ngày trèo đèo, lội suốt hay dầm mưa bì bõm trong nước lụt để thực hiện tôn chỉ mà tòa soạn đã đặt ra: “Trao tận tay bạn đọc”.

Chuyện nhặt trên những nẻo đường

Kể từ khi kiêm nhiệm lĩnh vực công tác xã hội, bên cạnh những bài viết thì Trưởng Ban Nội chính Báo ANTĐ còn phải đầu tắt mặt tối với những chuyến đi đến với đồng bào. Những địa bàn miền núi xa xôi như Phong Thổ (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên), Simacai (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Trùng Khánh (Cao Bằng)… gần như anh đều thuộc.

Thậm chí có những địa bàn, anh đi đi lại lại tới dăm bảy lần khiến đồng bào quen thuộc như người nhà. Cánh phóng viên trẻ bám theo anh giờ đây cũng chẳng còn ngạc nhiên khi trên đường tới một bản làng nào đó bỗng anh dừng lại để bắt tay, cười cười, gật gật nhận ra người quen trong đồng bào dân tộc. 

Đi nhiều, biết nhiều và đặc biệt là có trí nhớ tốt nên anh nắm rất rõ những tập tục của đồng vào vùng cao. Sự thân thiện, gần gũi và nhiệt tình với đồng bào khiến họ coi anh như người cùng xã. Con gái người Dao vốn dạn, thấy “cán bộ Chính” lên nhiều đâm quen, lại được cái đến nhà ai cũng cười từ đầu ngõ và bắt tay từ nam đến nữ, thế nên lắm cô thấy anh đi ngang cửa liền thò đầu ra ngoài chèo kéo anh vào chuyện trò cùng họ.

Chính vì những ân tình mà đồng bào dành cho mình như vậy nên nhiều lúc, anh chẳng quản ngập lụt trong những khó khăn, vất vả để mang những chuyến hàng đến với họ. Còn nhớ có những chuyến đi hộ trợ đồng bào miền núi bị bão lũ mà ngay cả cán bộ địa phương cũng lắc đầu chào thua khi nghe nói phải xuống tận nhà dân, thì riêng anh vẫn vác những thùng hàng dẫn đầu đoàn công tác Báo ANTĐ bì bõm trong bùn nhão.

Những chuyến đi đó vất vả gấp trăm lần một chuyến đi thực tế viết bài ở đồng bằng. Nhưng bù lại anh nhận được những giọt nước mắt, những cái ôm siết chặt cảm động đến nghẹt thở của người dân. Anh bảo, đó là những thứ quà tặng không gì mua được bởi nó xuất phát từ đáy lòng và sự chân thành.

15 năm gắn với công tác bạn đọc, anh nói rất hạnh phúc khi thấy những bài báo của mình được bà con cắt ra dán lên tường làm kỷ niệm. Nhưng anh bảo: “Đối với một phóng viên, đó không phải là mục đích cuối cùng. Cái hạnh phúc nhất của một đời làm báo là trong những chuyến công tác dài dằng dặc, vẫn có những bản làng lâu lâu mình không tới nhưng thỉnh thoảng họ chợt nhớ mà nhắc tên. Hay ở đâu đó, nơi những túp nhà sàn chênh vênh, ẩn hiện trong bóng chiều sơn cước có những cô gái người Thái, người Dao... luyến lưu gửi theo về xuôi lời thầm thì nhắn nhủ: “Này Chính... lấy em đi!”...