Phải đi bộ 60 phút mới tiêu thụ hết được lượng đường có trong 1 lon nước ngọt

ANTD.VN - Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, trẻ từ 2-5 tuổi nếu thường xuyên uống nước ngọt mỗi ngày thì nguy cơ béo phì lên tới hơn 40%, còn với phụ nữ nếu uống đều đặn mỗi lon nước ngọt/ ngày thì nguy cơ bị béo phì tăng tới 60% trong 1,5 năm…

Thường xuyên uống nước ngọt sẽ làm gia tăng nguy cơ béo phì và các bệnh khác

Sáng nay, 22-6, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế tổ chức Hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của WHO.

Theo một nghiên cứu mới đấy, sản phẩm nước ngọt được tiêu thị nhiều nhất trên thị trường nước ta hiện nay là trà uống liền (hơn 2.000 triệu lít), tiếp đến là nước uống có ga (hơn 1 tỷ lít), đồ uống thể thao (gần 600 triệu lít), nước tăng lực và nước uống trái cây (gần 360 triệu lít). Các nghiên cứu cũng cho thấy, lứa tuổi 13- 17 tiêu thụ nước uống có ga nhiều nhất.

Ông Bắc nhấn mạnh, sử dụng nhiều đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương gây ra những biến chứng nặng nề như tim mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay (chiếm 33%/73% nguyên nhân tử vong hàng năm).

Phân tích lượng đường trong một lon nước ngọt, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết, theo công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal song thực tế một lon nước ngọt thường được đóng hơn 300ml, tạo ra khoảng 140 kcal. Điều này có nghĩa để tiêu thụ được lượng đường có trong 1 lon nước ngọt cần đi bộ khoảng 60 phút.

Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ này tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Tại Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, lên tới trên dưới 10%.

Còn theo TS Juliawati Untoro, chuyên gia dinh dưỡng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, một đứa trẻ thường xuyên uống nước ngọt sẽ tăng 0,24% chỉ số khối cơ thể (IBM) so với trẻ không uống nước ngọt. Trẻ từ 2-5 tuổi thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì lên tới hơn 40%.

Nước ngọt cũng làm tăng cân ở người lớn. Một nghiên cứu kéo dài trên 8 năm với 50.000 phụ nữ có và không có thói quen uống nước ngọt cho thấy những phụ nữ uống nhiều hơn 1 lon nước ngọt/ngày đã tăng tới 8 kg trọng lượng cơ thể, trong khi giảm tiêu thụ nước ngọt chỉ tăng 2,8 kg.

Với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ bị béo phì tăng 60% trong 1,5 năm. Cùng đó, nghiên cứu trên 90.000 phụ nữ thích uống nước ngọt thì có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 2 lần so với người không thường xuyên uống loại đồ uống này. Ngoài ra, việc tiêu thụ đồ uống có đường cũng làm tăng nguy cơ bị ăn mòn răng, dễ sâu răng và tăng nguy loãng xương.