Nông dân Lâm Đồng mất tiền tỷ vì chơi tiền ảo Bitcoin

ANTD.VN -Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã bỏ vài trăm triệu, thậm chí bán vườn tược để đổ vốn mua đồng Bitcoin và gần như mất sạch khi các sàn tiền ảo bất ngờ bị sập cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Bán cà phê gom tiền chơi Bitconnect coin

Thời gian gần đây tại xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh), người dân ở đây luôn bàn tán râm ran câu chuyện ông N, một người dân trong xã ném 1,2 tỷ đồng vào tiền ảo và gần như mất trắng do sàn sập vào tháng 1-2018.

Anh Trần Mạnh Cường (34 tuổi), người trong Thôn 10, xã Đinh Trang Hòa, tỏ ra am hiểu về đồng tiền ảo, tiết lộ: “Tôi cũng bỏ hơn 150 triệu đồng vào một kênh đầu tư nhưng may mắn rút lãi ra đúng thời điểm và huề vốn. Số có lời và lấy lại được vốn như tôi không nhiều. Chủ yếu người mất tiền đều rơi vào nhóm mới chơi sau này. Điển hình như ông N. sáng đầu tư vài trăm triệu đồng thì chiều sập sàn, từ chỗ mua 400 USD một đồng Bitconnect coin (gọi tắt BCC) bất ngờ nó xuống còn 2 USD trong chưa đầy 1 ngày”.

Theo anh Cường, người dân chơi BCC có đủ thành phần, tuổi tác, đa số từ 35 tuổi tới 50 tuổi. Trẻ nhất có thanh niên mới 16 tới 20 tuổi cũng bị cuốn vào vòng xoáy tiền ảo. Nhưng đặc điểm chung do là người nông dân thuần nông nên kiến thức về tiền kỹ thuật số chỉ biết sơ sài, đa số bỏ tiền ra đầu tư qua một số người khác: “Có người trong xã đã trúng lớn, trong vòng 2 tháng tiền gốc vẫn còn mà rút lãi ra lời hơn 400 triệu. Rồi người này chơi trúng rủ thêm người thứ 2 nhưng chủ yếu vẫn là người quen thân với nhau trong gia đình, họ hàng nên khi tiền ảo mất giá thì hàng loạt người bị mất tiền theo” – anh Cường phân tích.

Trong số nạn nhân mà chúng tôi liên hệ được, một số người dân cho biết, trong đợt thu cà phê, hồ tiêu cuối năm 2017 họ chủ yếu lấy số tiền bán nông sản cuối mùa để đầu tư vào đồng BCC.

“Có thằng cháu rành về mạng chỉ cho chơi đồng tiền ảo. Khoảng 1 tháng là tôi tự biết ra ngân hàng lập tài khoản, nộp tiền và rút tiền lãi hàng tháng. Lúc mua bán, sang nhượng tiền ảo thì vào chợ buôn bán có tên sàn Remitano để đăng nhập giao dịch” – ông D., một người dân chơi Bitcoin chia sẻ và thừa nhận do lãi suất quá cao nên rất khó cưỡng, đặc biệt khi đã chơi thử thì khó không tiếp tục có lần thứ 2, thứ 3,…

“Hai tháng đầu lấy được lãi nên mừng lắm, tới tháng thứ 3 kênh đầu tư “vỡ” trận, giá xuống gần bằng 1 USD/1 BCC, trừ tiền lãi rút ra được tôi vẫn bị lỗ mất gần 300 triệu đồng” – ông D. ngậm ngùi nói.

Khi chúng tôi hỏi ông D. và một số người quen bị mất số tiền lớn có ai báo cơ quan chức năng hay không? Ông D. khẳng định gần như 100% người dân không trình báo cho chính quyền xã. Một phần do xấu hổ với mọi người, phần vì khi giao dịch tiền không hề có hóa đơn, chứng từ thì không thể có căn cứ để báo cho công an xác nhận thông tin mình nói. “Không ai tự “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu biết vỡ nợ người cho vay tiền cũng không để mình được yên” – ông D. nói cảnh giác.

Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng Công an xã Đinh Trang Hòa nhận định, thời gian qua địa bàn xã có khoảng hơn 20 người tham gia chơi đồng tiền Bitcoin và ở nhiều độ tuổi khác nhau. “Mình biết có người thắng, người thua, người thu hồi được vốn, nhưng họ không công bố nên rất khó xác định được ai bán đất, bán nhà, bị phá sản vì Bitcoin” – ông Diện nói và cho biết, cái khó là Công an xã không thể mời người dân lên trao đổi thông tin vì họ không vi phạm pháp luật nên ngại hợp tác với chính quyền. Hiện xã đang tiếp tục khuyến cáo người dân về tính rủi ro của đồng tiền ảo.

Ông Nguyễn Bá Gấm, Chủ tịch UBND xã Lộc Ðức (huyện Bảo Lâm) xác nhận: “Nếu so với các xã khác thì Lộc Ðức có số lượng người chơi tiền ảo nhiều. Xã ước chừng có khoảng 100 người chơi Bitcoin nhưng số người chơi thua, bị thiệt hại cụ thể thì chúng tôi không thể nắm được. Thường thì gia đình có nhiều chơi nhiều, có ít chơi ít và quen biết với nhau là chủ yếu”.

Hiện xã Lộc Đức mới chỉ ghi nhận một trường hợp người dân cắm sổ đỏ vườn cà phê cho ngân hàng liên quan tới Bitcoin và giờ người này đã tạm rời khỏi địa phương. Ông Gấm cho biết thêm tình hình người dân chơi tiền ảo thời gian qua chưa ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, an ninh chính trị tại địa phương.

Chuyển sang đầu tư máy đào Bitcoin

Nhân, một tay chơi chơi đồng tiền ảo được 2 năm nay tại TP Bảo Lộc cho chúng tôi biết, đầu tư đồng BCC đó là câu chuyện của cuối năm 2017, đầu 2018. Hiện nay nhiều người bắt đầu chuyển sang rót tiền vào một số loại đầu tư tiền ảo khác. Nổi bật là hình thức đầu tư vào máy đào các tiền mã hóa (coin) hay còn gọi là “trâu cày”. Người chơi bỏ tiền ra mua máy đào của một công ty có trụ sở dưới TP Hồ Chí Minh với giá 5.000 USD hoặc có thể mang máy về nhà hay ký gửi tại công ty trên. “Nếu may mắn, người chơi có thể thu được khoản lợi nhuận 300% trong khoảng thời gian ngắn với các gói đầu tư khác nhau. Như gói 1.500 USD/tháng sẽ lãi 40 – 50 USD/ngày, thời gian thu hồi vốn là 3 – 4 tháng. Sau đó, người chơi sẽ nhận lãi đạt 15.000 USD, tức 300% vốn đầu tư thì hợp đồng kết thúc, khi đó công ty sẽ thu hồi lại máy đào” – Nhân giải thích với chúng tôi về loại hình đầu tư tiền ảo được một số người chơi thời gian qua.

Nhân (áo vàng), một tay chơi Bitcoin tại TP Bảo Lộc hướng dẫn một thanh niên mua tiền ảo trên sàn giao dịch

Theo Nhân, hiện nay tại TP Bảo Lộc, một số huyện như: Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, người chơi hệ thống đa cấp đào tiền mã hóa iFan, BCC sụp đổ nên họ quay sang đổ tiền chơi máy đào khá nhiều. Ngoài mức lợi nhuận cao, hình thức đầu tư này vận dụng phương thức chi hoa hồng để phát triển mạng lưới thu hút người chơi ngày một đông hơn.

Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo báo cáo của Công an các huyện, thành phố, cuối năm 2017, đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 6 địa phương có tình trạng người dân đầu tư chơi các loại hình tiền ảo, gồm: TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc, huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà và Cát Tiên. Trong đó có 3 địa phương có số lượng người chơi đông là địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Di Linh.

Theo báo cáo, cuối năm 2017 địa bàn TP Bảo Lộc có 14 hộ dân có hệ thống máy tính với mục đích khai thác tiền ảo các loại như Bitcoin, Eth, Zcash,… Huyện Bảo Lâm phát hiện 3 cá nhân hoạt động kinh doanh tiền ảo nhưng chưa phát hiện địa bàn có cơ sở kinh doanh tiền ảo. Ngoài ra, tình trạng người dân tham gia đầu tư tiền ảo trên sàn giao dịch tiền ảo có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại địa bàn xã Lộc Đức.

Trong khi đó, cơ quan chức năng phát hiện 7 cá nhân tham gia kinh doanh tiền ảo nhưng ở mức độ nhỏ lẻ tại huyện Di Linh. Chưa phát hiện trường hợp nào đầu tư kinh doanh tiền ảo với quy mô lớn tại địa phương hoặc các hoạt động lợi dụng kinh doanh tiền ảo để lừa đảo, huy động vốn gây mất an ninh trật tự.

Theo Phòng An ninh kinh tế, hiện nay đã có một số chế tài về xử lý người tham gia chơi các loại tiền ảo. Cụ thể, về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Phòng An ninh kinh tế nhận định người dân có xu hướng chơi các loại tiền ảo nhiều vào dịp cuối năm do rơi vào mùa thu hoạch nông sản chính như: cà phê, tiêu… Trong khi đó, nhìn chung việc quản lý người dân tham gia chơi các loại tiền ảo trên địa bàn còn nhiều khó khăn vì hầu hết không hợp tác hay trình báo với cơ quan chức năng.

Các đối tượng cầm đầu các sàn giao dịch tiền ảo không bao giờ ra mặt, các trang web tiền ảo đều đặt tại nước ngoài, nhiều hình thức kinh doanh tiền ảo có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo ngày một tinh vi nên luôn tiềm ẩn rủi ro cao cho người chơi. Do đó, thời gian sắp tới, Phòng An ninh kinh tế kết hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, rà soát tình trạng người dân chơi tiền ảo để có các biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự tuyệt đối tại địa phương.

Ðầu tư tiền ảo không được bảo vệ quyền lợi

Ông Trương Quốc Thụ – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng, cho biết, theo Nghị định của Chính phủ, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định từ năm 2014 rằng tiền ảo không phải là tiền tệ. Tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng tiền ảo là vi phạm pháp luật và chịu xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất mức độ.

Theo ông Thụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng thời gian qua cũng đã gửi thông báo chỉ đạo tới tất cả các ngân hàng thương mại trên địa bàn yêu cầu không mở tài khoản cho khách hàng nếu biết có dấu hiệu việc mở tài khoản là để giao dịch Bitcoin. Tuy nhiên, việc xác định hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới các đồng tiền ảo hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do toàn bộ các máy chủ đều nằm ở nước ngoài nên người chơi sẽ phụ thuộc vào các giao dịch không nằm trong lãnh thổ Việt Nam.

“Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo rất nhiều lần, gần như người chơi không cầm cán mà cầm lưỡi dao, rủi ro là cực kỳ cao trong việc đầu tư vào các đồng tiền ảo. Khi có sự việc xảy ra, người đầu tư không được bảo vệ quyền lợi trong hầu hết các trường hợp” – ông Thụ khuyến cáo.