Nỗi lo an toàn thang máy trong các tòa nhà cao tầng

ANTD.VN - Vụ tai nạn thang máy xảy ra tối 19-8, tại tòa nhà Hei - Tower nằm trên đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội làm 2 người bị thương lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thang máy tại các chung cư, tòa nhà cao tầng trên địa bàn. 

Hệ thống thang máy tại chung cư trên địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bị hư hỏng

Trong sáng  21-8, phóng viên ANTĐ đã ghi nhận tại hiện trường vụ tai nạn thang máy ở tòa nhà Hei - Tower. Tất cả các hoạt động tại hiện trường vụ tai nạn đã phải ngừng lại phục vụ công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân. Cũng theo tài liệu thu thập, sự cố xảy ra khoảng 21h ngày 20-8, hệ thống thang máy mất điện, camera trong thang máy bị mất tín hiệu, cửa thang máy không mở.

Sau khoảng 30 phút, lực lượng công an phối hợp cùng lực lượng quản lý của tòa nhà đã đưa hai nạn nhân ra ngoài. Ban đầu xác định một nạn nhân nam giới bị thương ở phần đầu còn người phụ nữ đi cùng bất tỉnh do gãy xương đùi. Ngay sau đó, danh tính người bị nạn được xác định là chị Vũ Quỳnh T. (SN 1990), quê quán huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, người còn lại là anh Lee Cheol Ho (SN 1989), quốc tịch Hàn Quốc.

Sai một ly đi một dặm

Theo thông báo của Công ty TNHH một thành viên Quản lý Tòa nhà Hei - Tower trên bảng tin tòa nhà, trước ngày xảy ra vụ việc, công ty đã có lịch bảo trì định kỳ các thang máy. Thang máy gặp sự cố là thang dùng cho người dân chở hàng hóa và dành riêng cho khách đến quán cà phê ở tầng 26. 

“Trong trường hợp thang máy rơi tự do, hãy nằm song song với sàn nhà ngay lập tức, càng gần chính giữa thang càng tốt. Điều này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu tối đa thương tích. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để không bị các vật khác rơi lên mặt”.

Chuyên gia cứu nạn, cứu hộ - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội

Đại tá Vũ Minh Phương - Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết: “Cơ quan công an đang khẩn trương điều tra nguyên nhân tai nạn, đồng thời yêu cầu Ban quản lý tòa nhà cung cấp các hồ sơ liên quan đến lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thang máy để xác định nguyên nhân. Cho đến thời điểm sáng 21-8, sức khỏe của nạn nhân nam trong vụ tai nạn đã bình phục và xuất viện, hiện chỉ còn nạn nhân nữ do bị gãy xương đùi nên các bác sỹ phải bó bột, tiếp tục điều trị”.

Một vụ tai nạn thang máy nghiêm trọng khác cũng đã từng xảy ra vào 9h40 ngày 21-9-2014, tại một chung cư thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến một người đàn ông tử vong tại chỗ. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định hệ thống thang máy của tòa nhà đã có “tiền sử” hỏng hóc nhưng không được sửa chữa, bảo trì. 

Không thể lơ là việc bảo trì, bảo dưỡng 

Việc nhiều cư dân trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân phản ánh, kêu cứu, yêu cầu ban quản lý, chủ đầu tư tòa nhà cần khắc phục, sửa chữa thang máy do hay bị hỏng hóc là dễ hiểu bởi đó là nhu cầu chính đáng cho sự an toàn chung của mọi người. Thế nhưng, vì lợi nhuận, sợ tốn kém cho việc chi phí bảo trì, bảo hành, nhiều ban quản lý tòa nhà trên địa bàn Hà Nội đã không quan tâm, mặc bà con kêu cứu...

Đơn cử, vụ tai nạn thang máy tại tòa chung cư CT01 - Euroland, KĐT Mỗ Lao - Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều người thoát chết trong gang tấc. Hôm đó, cả 3 thang máy tại sảnh tòa nhà T2A bỗng dưng… ngừng hoạt động. Sự cố đãkhiến nhiều người dân mắc kẹt trong thang máy. Sau khoảng 15 phút hoảng hốt, bấn loạn, bà con mới được các nhân viên kỹ thuật hỗ trợ giải cứu. Đáng nói, theo người dân, sự cố này không phải là hy hữu mà đã thường xuyên xảy ra, nhưng phía Ban quản lý tòa nhà không sửa chữa dứt điểm. 

Theo Thượng tá Phạm Hải Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội: “Công tác bảo trì, bảo dưỡng là yêu cầu quan trọng số 1 đối với hệ thống thang máy. Không có gì đảm bảo là  thang máy không bao giờ hỏng hóc đột ngột. Với điện lưới như hiện nay, điện có thể bị cắt bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hệ thống thang máy hoạt động, vận hành liên tục. Đây là lý do phải ưu tiên bảo trì, bảo dưỡng để phát hiện kịp thời, khắc phục hư hỏng. Nếu không tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn này, sẽ phải trả giá bằng hậu quả đáng tiếc”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc bảo dưỡng, bảo trì hệ thống thang máy tốn kém nên các chủ đầu tư thường để hỏng hẳn mới sửa. Hơn nữa, thợ sửa chữa có tay nghề cao rất ít, chủ yếu là thợ dạy lẫn nhau theo kinh nghiệm. Đã có nhiều trường hợp, thợ lắp đặt thiếu chi tiết do nhầm tưởng không quan trọng nhưng thực chất đó lại là hiểm họa, bởi không có những chi tiết ấy, thang máy vẫn hoạt động nhưng sẽ ảnh hưởng khi hoạt động chịu tải lớn trong thời gian dài.

Ví dụ, các đầu bu lông của hệ thống thiết bị như tời, buly, bánh đà đều có các chốt trẻ bằng thép rất nhỏ để hãm ốc, tránh tình trạng “đề ốc” nhưng thợ đã vứt bỏ đi. Nếu không kiểm tra định kỳ, ốc lỏng và tuột sẽ dẫn đến rơi các thiết bị hãm trong hệ thống vận hành thang máy.