Nhiều bệnh viện vẫn không công nhận kết quả xét nghiệm liên thông

ANTD.VN - TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, có bệnh nhân sáng làm xét nghiệm máu ở Bệnh viện Thanh Nhàn, chiều làm lại ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng kết quả khác nhau hoàn toàn.

Sau 20 ngày đầu tiên thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm tại 37 bệnh viện tuyến Trung ương, đến nay, số xét nghiệm được liên thông, tức là được các bệnh viện công nhận của nhau còn rất ít. Thực tế này cho thấy, kỳ vọng tiết kiệm chi phí và thời gian khám chữa bệnh vẫn chưa được như mong muốn.

Nhiều bệnh viện vẫn không công nhận kết quả xét nghiệm liên thông ảnh 1Số kết quả xét nghiệm liên thông được các bệnh viện công nhận của nhau còn rất ít

Liên thông rất ít

Là bệnh viện hạng đặc biệt, mỗi năm thực hiện trên 11 triệu xét nghiệm hóa sinh, hơn 1 triệu xét nghiệm huyết học và 1,4 triệu xét nghiệm vi sinh… nên nếu Bệnh viện Bạch Mai công nhận kết quả xét nghiệm mà bệnh nhân đã thực hiện từ bệnh viện khác chuyển đến chắc chắn sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh. Thế nhưng, thực tế từ 1-8, khi bắt đầu thực hiện chủ trương liên thông kết quả xét nghiệm, đến nay, số xét nghiệm được liên thông tại Bệnh viện Bạch Mai còn khá ít.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai lý giải, danh mục 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh mà Bộ Y tế cho phép được liên thông kết quả xét nghiệm và liên thông có điều kiện so với tổng số các xét nghiệm Bệnh viện Bạch Mai đang làm là một con số không lớn. 

Hơn nữa, theo nguyên tắc, việc liên thông chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm mà kết quả có giá trị trong một thời gian nhất định, bệnh viện cũng chỉ công nhận kết quả xét nghiệm của bệnh viện khác có chất lượng tương đương hoặc cao hơn. Trong khi trên thực tế, đa phần người bệnh chuyển từ tuyến dưới lên, phòng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến dưới khó có thể đạt tiêu chuẩn bằng hoặc cao hơn so với Bệnh viện Bạch Mai. Đấy là chưa kể với rất nhiều loại xét nghiệm, kết quả có thể thay đổi rất nhanh theo từng giờ. Do vậy, chỉ một số xét nghiệm có tính bền vững, ít biến đổi theo thời gian thì  không phải thực hiện lại. Còn với đa số xét nghiệm khác, nếu không cho làm xét nghiệm lại, bác sĩ rất khó để chẩn đoán và chỉ định điều trị. 

TS Dương Đức Hùng dẫn chứng, trong giai đoạn dịch sốt xuất huyết hiện nay, có bệnh nhân phải thực hiện xét nghiệm tiểu cầu mỗi tiếng một lần, có khi buổi sáng xét nghiệm còn 70.000 thì đến trưa chỉ còn 30.000. “Hay có bệnh nhân buổi sáng làm xét nghiệm men gan ở Bệnh viện Thành Nhàn, chiều sang Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ vẫn yêu cầu xét nghiệm lại. Bệnh nhân cũng thắc mắc nhưng kết quả cho ra hoàn toàn khác nhau. Điều này không hẳn do chất lượng xét nghiệm khác nhau mà bệnh tình bệnh nhân nặng thêm” - TS Dương Đức Hùng lấy ví dụ. 

Không thể cứng nhắc 

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng cho biết, không phải Bệnh viện Bạch Mai không tin tưởng các bệnh viện khác mà cơ bản là do các phòng xét nghiệm có chuẩn khác nhau, sai số có thể xảy ra nên việc xét nghiệm lại là đảm bảo quyền lợi của người bệnh. “Việc giảm chi phí, thời gian cho người bệnh là rất cần thiết song không phải là tất cả, điều quan trọng là cần xét nghiệm chính xác để có hướng điều trị cho bệnh nhân”. 

Tương tự, TS Nguyễn Xuân Hiền, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh -  Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bác sĩ là người chịu trách nhiệm trước quyết định có nên làm lại xét nghiệm của bệnh nhân hay không, do vậy, việc này tùy theo thực tế điều trị chứ không thể cứng nhắc, kể cả với các bệnh viện đồng hạng được phép liên thông kết quả xét nghiệm…

Trước lo ngại về việc các bác sĩ có thể lạm dụng việc xét nghiệm nhằm trục lợi, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai khẳng định lo ngại trên là hoàn toàn không có cơ sở vì mỗi quyết định của bác sĩ đều dựa trên sức khỏe của bệnh nhân và lương tâm của người thầy thuốc.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, việc liên thông kết quả xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế ban hành là quyết định đúng đắn, vừa thuận tiện cho bệnh nhân vừa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí xét nghiệm, thủ tục hành chính. “Xét nghiệm bất kỳ cơ sở nào cũng quan trọng. Đó là tài liệu tham khảo, để nhân viên y tế hiểu hơn về tiền sử bệnh của bệnh nhân” - đại diện Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ. 

Cũng theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, đích hướng tới của việc liên thông này không chỉ là liên thông kết quả xét nghiệm mà còn là liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, kết quả siêu âm và đặc biệt là liên thông các thông tin của người bệnh. Một khi các bệnh viện liên thông với nhau thì người bệnh và bác sĩ điều trị đều được lợi bởi lẽ bác sĩ chỉ cần “bấm nút” là có thể truy xuất được thông tin về không chỉ một vài kết quả xét nghiệm mà là cả quá trình diễn biến điều trị trước đó của người bệnh.