Nghẹt thở vào lớp 10 công lập ở Hà Nội: Thi xong rồi mà vẫn nóng ruột ngóng trông

ANTD.VN - Số lượng thí sinh dự thi lớp 10 của Hà Nội gần ngang với kỳ thi THPT quốc gia nhưng lại được đánh giá là căng thẳng hơn kỳ thi này. Thi tuyển sinh lớp 10 năm nay còn áp lực hơn nữa khi số lượng tăng vọt tới 22.000 thí sinh so với năm 2017 trong khi chỗ học không thể đáp ứng.

Nghẹt thở vào lớp 10 công lập ở Hà Nội: Thi xong rồi mà vẫn nóng ruột ngóng trông ảnh 1Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm học 2018-2019 có gần 95.000 thí sinh tham gia 

Căng thẳng: Từ người tổ chức đến thí sinh dự thi

Tuy không phải là kỳ thi THPT quốc gia nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội cũng được coi là kỳ thi lớn với quy mô lên đến gần 95.000 thí sinh tham gia. Để tổ chức sự kiện này, TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo thi, huy động nhiều lực lượng chuẩn bị công tác thi bao gồm an ninh, y tế, giao thông, điện lực… chuẩn bị từ trước đó nhiều ngày. 

Ban Chỉ đạo thi thành phố cũng đã họp nhiều lần và tổ chức hội nghị tập huấn, quán triệt quy chế chuẩn bị cho kỳ thi. Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý Thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho biết, năm nay, lượng thí sinh tăng lên 22.000 thí sinh nên phải tăng từ 153 điểm thi như năm trước lên thành 185 điểm thi với số lượng gần 4.000 phòng thi. Để phục vụ coi thi, sở phải huy động gần hết nhân sự, yêu cầu không cho giáo viên nghỉ phép trong những ngày tổ chức thi nếu không có lý do đặc biệt.

Về phía học sinh và giáo viên, việc “tăng tốc” cho kỳ thi này diễn ra ngay sau Tết âm lịch. Mặc dù được yêu cầu không được cắt xén và đảm bảo hoàn thành chương trình năm học theo đúng quy định nhưng thực tế không ít trường đã lẳng lặng dồn các môn không thi lên kết thúc sớm để dành thời gian tập trung cho hai môn thi Toán và Ngữ văn. “Tháng cuối gần như ngày nào em cũng học 6 tiết Toán hoặc 6 tiết Văn, chưa kể về ôn bài ở nhà, làm bài tập đến khuya. Học nhiều đến mức cứ mở mắt ra, nhắm mắt vào đều thấy phương trình với tác phẩm văn, thơ” - Nguyễn Tiến Thành, học sinh lớp 9 trường THCS Lương Thế Vinh cho biết.

Cuộc săn lùng những trường công lập phù hợp công với vài phương án trường ngoài công lập đề phòng không đỗ vào trường công lập khiến các phụ huynh mệt nhoài vì bối rối, lựa chọn trong điều kiện thông tin có hạn. “Tôi chỉ biết xem thông tin trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10. Ở đây có chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường THPT của Hà Nội. Tuy nhiên, trường lớp ra sao, cơ sở vật chất thế nào thì phải đến tận nơi chứng kiến. Đến tận nơi rồi vẫn băn khoăn không biết chất lượng giáo viên ra sao, quá trình học tập, giảng dạy có đúng như những gì trường tuyên bố hay chỉ là chiêu trò quảng cáo. Tóm lại là đi học mà cứ như đánh bạc, may thì đỗ công lập, không may thì nhắm mắt chọn một trường vì không nhanh cũng hết chỗ” - chị Mai Khánh Linh, phụ huynh trường THCS Thăng Long cho biết.

Gắt gao: Xử lý những vi phạm quy chế thi

Kỳ thi lớp 10 của Hà Nội năm nay đã khép lại nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là vì sao kỳ thi này lại cứ phải căng thẳng đến vậy, quy mô lớn đến vậy. Một kỳ thi tốn kém bao công sức, tiền bạc của xã hội mà kết quả chỉ có 62% thí sinh được hưởng đầy đủ quyền lợi khi đỗ vào trường công lập. Còn lại gần 40.000 thí sinh sẽ phải bươn trải với các loại hình giáo dục khác như học nghề, học bổ túc hay học phổ thông ngoài công lập nếu có kinh phí chi trả.

“Năm nay, lượng thí sinh tăng lên 22.000 thí sinh nên phải tăng từ 153 điểm thi như năm trước lên thành 185 điểm thi với số lượng gần 4.000 phòng thi”.

Ông Phạm Quốc Toản (Trưởng phòng Quản lý Thi và Kiểm định chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội)

Chính vì kỳ thi có quy mô quá lớn nên việc tổ chức khá vất vả. Mặc dù công tác an ninh được đẩy mạnh, lực lượng an ninh bố trí vòng trong, vòng ngoài để rà soát cơ sở vật chất và bảo vệ đề thi, cán bộ coi thi phải được tập huấn học kỹ về quy chế thi, tuy nhiên, trước mọi nỗ lực, công sức của toàn thành phố, sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra khi lần đầu tiên Hà Nội để lọt cả 2 đề thi Toán và Ngữ văn ngay trong giờ đầu làm bài thi.

Nhận xét về sự việc nghiêm trọng này, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để có điện thoại chụp gửi đề ra ngoài thì người này phải chuẩn bị từ trước việc sẽ giấu điện thoại như thế nào vì quy chế thi ghi rõ cả thí sinh, giám thị không được mang thiết bị công nghệ vào phòng thi. “Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, ảnh hưởng đến giáo dục của Thủ đô. Nếu đề thi ra ngoài mà nhiều người khác tìm được điểm sơ hở ở các điểm thi khác để gửi bài giải vào phòng thi thì mức độ ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn” - ông Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Bài toán về việc tổ chức một kỳ tuyển sinh nghiêm túc, công bằng không dễ có lời giải khi tiếp theo sau đó là còn quá trình chấm thi, phúc tra, xét tuyển... Câu hỏi về việc làm thế nào để giảm áp lực của kỳ tuyển sinh này, tránh cho học sinh cứ phải ngày đêm học gạo, học tủ, tránh luyện thi, tránh tiêu cực?

Nghẹt thở vào lớp 10 công lập ở Hà Nội: Thi xong rồi mà vẫn nóng ruột ngóng trông ảnh 2 

Thắt chặt: Không bằng giảm tải

Nhìn nhận về kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay của Hà Nội, phải công nhận một điểm mới về quy định đã khiến cho kỳ thi này giảm tải được hơn 10.000 thí sinh. Việc không bắt buộc tất cả học sinh kết thúc lớp 9 phải tham gia kỳ thi chung để được xét tuyển vào lớp 10 lần đầu tiên được áp dụng với học sinh Hà Nội. Nếu như những năm trước, học sinh bắt buộc phải có giấy chứng nhận kết quả thi vào lớp 10 mới được xét tuyển vào tất cả các trường THPT thì năm nay, hơn 100 trường ngoài công lập và công lập tự chủ tài chính được tự quyết định phương án tuyển sinh xét tuyển bằng kết quả học tập qua học bạ THCS hay xét bằng điểm thi vào lớp 10. Điều này khiến cho nhiều trường chủ động nguồn tuyển khi có học sinh liên cấp, đã đủ điều kiện lên lớp 10 mà không cần phải thi tuyển. Đây chính là lý do Hà Nội giảm được 10.000 thí sinh so với nhận định ban đầu là có hơn 100.000 thí sinh dự thi tuyển vào lớp 10.

Tuy nhiên, với tâm lý chọn trường THPT công lập để được hưởng cơ sở vật chất cùng mức học phí thấp vẫn khiến cuộc đua vào lớp 10 công lập hàng năm của Hà Nội lại nóng bỏng hơn. “Không phải trường ngoài công lập không tốt nhưng chi phí cao, tính ổn định không bằng công lập. Làm gì có mấy trường ngoài công lập lại có được cơ ngơi như trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Chu Văn An hay Phan Đình Phùng... Có chăng là mấy trường quốc tế nhưng chi phí quá cao, gia đình công chức bình thường không thể lo đủ tiền học phí cho con” - chị Khánh Linh chia sẻ.

Điều chỉnh sâu chính sách để có sự công bằng giữa công lập và ngoài công lập

Nghẹt thở vào lớp 10 công lập ở Hà Nội: Thi xong rồi mà vẫn nóng ruột ngóng trông ảnh 3

“Về chính sách, Hà Nội cần có sự điều chỉnh sâu hơn nữa để học sinh dù học công lập hay ngoài công lập đều được hưởng công bằng như nhau thì mới có thể giảm tải đáng kể tính căng thẳng của kỳ thi này. Hiện thành phố cấp ngân sách hàng năm cho mỗi học sinh công lập, cơ sở vật chất, lương giáo viên cũng do ngân sách chi trả phần chính nên học công lập được hưởng lợi thế hơn hẳn so với ngoài công lập. Không công bằng ở đây là thành phố không thể đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THCS được học THPT công lập nên nhiều học sinh dù không mong muốn vẫn phải chịu thiệt thòi do không đỗ được công lập phải học ngoài công lập với mức học phí cao. Vẫn biết ngân sách không đủ để xây thêm nhiều trường công lập trong điều kiện đất chật người đông nhưng thành phố vẫn có thể tính toán hợp lý, cân đối chi ngân sách công bằng trên đầu học sinh công lập cũng như ngoài công lập. Nếu được như vậy, các trường ngoài công lập cũng có điều kiện nâng cao chất lượng, giảm học phí, thu hút đầu vào nhiều hơn, qua đó mới có thể thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa giáo dục, giảm áp lực cho khối công lập, giảm áp lực cuộc thi vào 10 hàng năm”.

Bà Lê Thị Chính (Hiệu trưởng trường Phổ thông quốc tế Newton)