Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ

ANTD.VN - Học sinh khắp cả nước đã bước vào kỳ nghỉ hè với tâm lý đầy háo hức sau một năm học căng thẳng. Trái với tâm trạng ấy, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng hơn cho sức khỏe của con em mình khi chúng tham gia những trò chơi vận động mùa hè, đặc biệt là nguy cơ đuối nước.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 1Khởi động trước khi bơi cùng cô giáo ở trường Thể thao Thiếu niên 10-10. Kỹ năng khởi động cũng là một trong những chi tiết quan trọng của môn bơi. Khởi động tốt, trẻ sẽ có thêm sức bền và dẻo dai hơn khi bơi.

Việt Nam: 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm

Chi phí cho quá trình học bơi 

Ở Hà Nội lúc này có rất nhiều trung tâm dạy bơi và bể bơi uy tín. Mỗi trẻ em sẽ cần 1,3 đến 1,5 triệu đồng cho khóa học kéo dài 10 ngày. Chi phí cho mỗi lần vào bể là 40.000 đồng đến 50.000 đồng tùy bể. Cũng có những lựa chọn khác cao cấp hơn, với tổng chi phí có thể hơn 2,5 triệu đồng cho một khóa học. Tuy nhiên, nhìn chung, chi phí để vừa biết bơi, vừa có những ngày hè lý thú cho trẻ là chấp nhận được và không phải gánh nặng cho các gia đình.

Gần 1 tuần qua, hầu như sáng nào, bà Nguyễn Thị Phúc - cán bộ hưu trí đang sinh sống ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đưa 2 đứa cháu của mình đến trường Thể thao Thiếu niên 10-10 để học bơi. Hai cậu bé sinh đôi chưa đầy 8 tuổi, tỏ ra cực kỳ thích thú với việc học môn thể thao này, nhất là khi trước đó, cả hai đều chỉ tiếp xúc với nước khi đi nghỉ cùng gia đình và chưa hề biết bơi. Anh Trương Duy Quang, ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng kiên nhẫn như vậy với cô con gái 7 tuổi của mình, đều đặn đưa cô bé đến lớp học với mục tiêu sớm biết bơi sau 3 tháng hè.

Mỗi ngày, trường Thể thao Thiếu niên 10-10 có khoảng 10 ca dạy bơi từ sáng đến chiều cho trẻ, với số lượng học sinh lên tới hàng trăm em. Theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Hậu, chất lượng đào tạo và cái tâm của người thầy chính là yếu tố quan trọng nhất để có thể giúp các em học sinh có được kỹ năng bơi lội sau một thời gian ngắn. Từ chỗ không biết bơi hay thậm chí là sợ nước, đến việc bơi một cách thành thạo và tự tin.  

Trường Thể thao Thiếu niên 10-10 chỉ là một trong rất nhiều cơ sở ở Hà Nội luôn đẩy mạnh phong trào dạy bơi cho trẻ, nhất là trong bối cảnh cả xã hội đang nỗ lực phổ cập bơi lội để đẩy lùi những tai nạn đáng tiếc do đuối nước thời gian qua. Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), mỗi năm, ở Việt Nam trung bình có khoảng 7.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất trong khu vực. Thời điểm đầu hè này, nhu cầu chơi các trò chơi nói chung và bơi lội nói riêng của trẻ có xu hướng tăng cao do thời tiết nóng nực, nhưng kèm theo đó cũng là những mối nguy hiểm luôn rình rập. Trường hợp đáng tiếc và thương tâm mới nhất là một cháu bé 5 tuổi tử vong do đuối nước trong một bể bơi ở quận Thanh Xuân.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 2Những kỹ năng cơ bản đầu tiên của môn bơi được trẻ thể hiện thành thạo với sự hướng dẫn của các giáo viên. 

Trẻ em: Chỉ biết bơi thôi là chưa đủ

Nguyên nhân đuối nước do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố đuối nước ở trẻ em như: Sự lơ là, chủ quan, thiếu giám sát của người lớn; trẻ chưa biết bơi; chưa có kiến thức sơ cứu người bị nạn; trẻ bị bệnh lý hay có tình huống bất ngờ xảy ra… Các bậc phụ huynh phải luôn đảm bảo rằng trẻ được giám sát một cách chặt chẽ trong suốt quá trình học tập và vui chơi. Trong trường hợp cho trẻ đi học bơi, cần chọn trung tâm dạy bơi uy tín, chất lượng và trang bị cho trẻ đầy đủ kỹ năng bơi lội an toàn cần thiết cũng như kỹ năng cứu đuối cơ bản. 

Cách đây 8 năm, chúng ta từng có Chiến lược phát triển thể dục thể thao đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa, và đến năm 2020 sẽ phổ cập bơi thành công cho học sinh phổ thông và mầm non. Lộ trình ấy có thể sẽ đến muộn hơn dự kiến vì hạn chế về cơ sở vật chất, nhưng ít nhất thì vào lúc này, cả xã hội dường như đã ý thức một cách mạnh mẽ và nghiêm túc hơn về việc đào tạo bơi cho trẻ. Chẳng hạn như ở quận Cầu Giấy, từ năm 2015, quận đã liên tiếp triển khai các lớp phổ cập bơi không thu phí.

Theo đó, học sinh đăng ký học bơi miễn phí từ các trường sẽ được tổ chức thành lớp học tại Trung tâm thể dục thể thao quận, có giáo viên chủ nhiệm đi kèm. Các em được học từ 10 đến 15 buổi, được tập luyện ít nhất một kiểu bơi và phổ cập bơi cho hơn 2.500 học sinh chưa biết bơi tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn, 100% nguồn kinh phí từ ngân sách quận, đó là một tín hiệu vô cùng đáng mừng.

Cả xã hội lúc này đang chung tay để đối phó với tình trạng đuối nước ngày càng gia tăng. Đã có nhiều tín hiệu lạc quan được phát đi, nhưng các bậc phụ huynh cũng luôn cần nhớ rằng con trẻ chỉ biết bơi thôi là chưa đủ. Trẻ cần phải có kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước. Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Đặc biệt, các bậc phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm quản lý, không để con trẻ tự tắm sông, tắm biển, thậm chí là trong bể bơi mà không có người lớn đi cùng giám sát.

“Ông bà ta có câu “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Như thế để thấy rằng việc học bơi là điều được đánh giá rất cao từ xa xưa rồi. Tôi theo bộ môn bơi đến nay cũng được hơn 50 năm và tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ của Việt Nam phải được phổ cập bơi từ sớm. Bơi lội là môn thể thao giúp con người ta thư thái, mạnh khỏe và có nhiều kỹ năng quan trọng trong cuộc sống”.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 4

Thầy Đặng Phương (Cựu danh thủ bơi lội những năm 1960-1970, giáo viên trường Thể thao Thiếu niên 10-10)

“Vấn đề đuối nước đang nổi cộm trong xã hội, không những đối với các cháu nhỏ mà còn là của người lớn. Những việc đáng tiếc thời gian qua, phần do tính hiếu động của trẻ, phần do sự lơ là của người lớn khi con em mình tiếp cận hồ bơi, bể bơi. Gia đình tôi cho các cháu đi học bơi với mong muốn các cháu rèn luyện sức khỏe, bên cạnh đó có thể tự cho mình kỹ năng phản ứng khi có sự cố xảy ra dưới nước”.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 5

Bà Nguyễn Thị Phúc (Cán bộ hưu trí ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) 

“Con mới học được hơn 1 tháng nhưng đã biết bơi. Ở nhà bố mẹ luôn căn dặn là phải bơi thật giỏi để tránh bị đuối nước. Con thấy sau khi biết bơi, sức khỏe của con đã tốt hơn nhiều và giờ con không sợ đuối nước nữa”.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 6

Em Khổng Quang Huy (13 tuổi)

“Con học bơi từ 5 tuổi. Con rất yêu thích bộ môn này. Con cảm thấy vui khi mình đã bơi thành thạo. Con muốn nói với tất cả các bạn ít tuổi và lớn tuổi hơn rằng hãy học bơi để nâng cao sức khỏe, có kiến thức phòng tránh được những tai nạn dưới nước”.

Mau xóa nỗi đau đuối nước ở trẻ ảnh 7

Em Nguyễn Mai An (9 tuổi)

Tại sao trẻ phải được học bơi từ sớm?

1. Phát triển thể chất

Theo các chuyên gia, ngay từ trong bụng mẹ, trẻ đã học được kỹ năng bơi lội. Đây cũng là những vận động giúp thai nhi phát triển về thể chất. Việc cho trẻ học bơi thực chất chỉ là giúp trẻ nhớ lại kỹ năng này bên ngoài môi trường nước. Trẻ học bơi càng sớm sẽ càng có cơ hội phát triển chiều cao, tầm vóc, có một cơ thể khỏe mạnh và cân đối sau này.

2. Tăng cường sức đề kháng

Trẻ được bơi lội thường xuyên sẽ có sức đề kháng tốt hơn hẳn so với những trẻ không tham gia môn thể thao này. Do đặc thù hoạt động dưới nước nên bơi lội có khả năng giúp toàn bộ cơ thể của trẻ được vận động. Trẻ cũng không bị mệt, đổ mồ hôi như những hoạt động khác. Các bài tập bơi của trẻ cũng giúp rèn luyện sự linh hoạt, nhanh nhẹn trong các vận động tay chân.

3. Rèn luyện kỹ năng sống, sinh tồn

 Bơi lội giúp trẻ rèn luyện được sự tự tin và thái độ sống tích cực trong cuộc sống. Sau khi có thể làm chủ được bộ môn bơi lội, trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình có khả năng làm tốt nhiều việc. Bên cạnh đó, kỹ năng sinh tồn của trẻ cũng được phát triển nếu không may gặp tai nạn sông nước.