Làm bánh tôm để nhớ về Hà Nội

ANTD.VN - Cơ duyên cho tôi được gặp cô trong một buổi chiều Đà Nẵng đầy nắng. Rõ ràng là phong vị đất Hà thành, nhưng không hiểu sao qua tay cô, món bánh tôm Hồ Tây lại hợp đến lạ với mảnh đất miền Trung nắng gió.

Làm bánh tôm để nhớ về Hà Nội ảnh 1“Bánh tôm bà Phúc” trông đơn giản nhưng chứa đựng cả tình yêu của người phụ nữ gốc Hà thành

Quán Bánh tôm bà Phúc nằm khiêm tốn trên đường Trưng Nữ Vương, thành phố Đà Nẵng. Khách Hà Nội vào nghe thường liên tưởng ngay đến món bánh tôm Hồ Tây vốn đã quá nổi danh, nhưng khi ngồi vào bàn, món được dọn lên thì mới hiểu rằng, đây không phải là món bánh tôm Hồ Tây mình từng biết, mà đích thị là Bánh tôm Bà Phúc, chỉ của bà Phúc mới có như vậy thôi.

Một suất bánh tôm gồm một đĩa bánh tôm chiên giòn, một đĩa rau sống gồm rau thơm, hoa chuối thái nhỏ trộn đều, một đĩa củ quả thái sợi trộn giấm chua ngọt, một đĩa bún tươi, một chén nước mắm pha đủ tiêu, tỏi, ớt bằm và không thể thiếu là những chiếc bánh tráng để cuốn. Có vẻ đơn giản nhưng nếu được nghe cô Phúc nói về cách chuẩn bị và làm từng thứ thì chắc chắn thực khách sẽ tròn mắt, lắc đầu mà thốt lên: “Trời ơi, sao kỳ công tới vậy?”.

Cô Phúc là người Hà Nội, theo chồng vào Đà Nẵng sinh sống đã hơn 40 năm nay, nhưng tình yêu Hà Nội trong cô chưa bao giờ phai nhạt. Cô bảo, món bánh tôm cô làm cũng là một cách tri ân nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn. Nhưng có điều cô làm bánh tôm theo cách của riêng mình, bằng cảm nhận và tình yêu của riêng mình, để rồi giờ đây danh tiếng của nó đã vượt ra khỏi Việt Nam nhờ những du khách nước ngoài chỉ sau một lần ghé quán.

Những chiếc bánh tôm vàng ruộm được chiên giòn, thơm thơm mùi bột, trứng với vị ngọt thanh mát của những con tôm đất tươi bóc nõn được cuộn trong miếng bánh tráng mỏng cùng với chút củ quả nạo sợi trộn giấm, chút rau sống rau thơm hoa chuối trắng thái nhỏ, chấm đẫm vào bát nước mắm chua cay ngọt, cắn một miếng, tất cả các vị giòn tan, ngọt lịm, bùi bùi, thanh thanh, mát mát theo nhau đến dần trong miệng, sao nghe thú vị.

Thú vị hơn nữa nếu là khách mới lần đầu ghé quán, đích thân cô Phúc sẽ ra tiếp. Cô sẽ chỉ cho thực khách cách cuốn bánh thế nào, từ cách đặt bánh, cho củ quả sợi trộn, cho rau ra sao, cuốn lại và đưa vào miệng thế nào để có thể tận hưởng được hương vị của món ăn một cách trọn vẹn nhất.

Tôi đi nhiều, được thưởng thức nhiều những món ăn lạ, cũng được nói chuyện nhiều với những người đầu bếp nhưng thực sự chưa có người nào mà tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy một cách rõ rệt cái tâm của người nấu nướng qua những món ăn như ở cô Phúc. Cái cách cô say sưa nói về nguyên liệu, chọn từng con tôm đất ra sao, rau thơm phải lấy từ vùng nào để có vị đặc trưng nhất, hoa chuối phải là loại hoa chuối trắng, rồi nhặt rau ra sao, chiên bánh và bảo quản thế nào, cách cô chăm chút cho từng thứ một. Tôi nghe và cảm nhận tình yêu cô trao gửi vào đó lấp lánh trong đôi mắt, tưởng chừng như không bao giờ cạn. 

Cô nói rằng với mình cái được lớn nhất đó chính là sự vui mừng, sự thích thú, sự cảm thấy ngon miệng của khách hàng khi họ được thưởng thức món ăn mà cô tâm huyết làm ra. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao Bánh tôm Bà Phúc không khoa trương, không quảng cáo rầm rộ bao giờ mà danh tiếng của nó đã vượt xa. Ai tới một lần cũng muốn có lần sau, lần sau nữa, không chỉ bởi là một món ăn độc đáo, ngon miệng, ăn no không thấy ngán, vệ sinh an toàn mà bởi ai tới cũng cảm nhận được cái tâm và tình yêu của người tạo ra chúng để dâng trọn cho người thưởng thức.

Với riêng bản thân tôi, cảm nhận là sự vừa vặn cho hết thảy, cái vừa vặn của sự tinh tế, cái vừa vặn của sự chăm chút, từng cọng rau, miếng ớt, từ tình yêu thương luôn dâng đầy của một người con Hà Nội.