Không riêng phụ nữ, đàn ông cũng chịu nhiều định kiến

ANTD.VN -Thế giới đã quá quen thuộc với ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, nhưng đến nay chỉ 70 quốc gia công nhận 19-11 là ngày Quốc tế Nam giới. Lâu nay, người đàn ông hay bị gán mác “phái mạnh”, đôi khi họ phải gồng mình lên, khổ tâm khi mang những định kiến: “ở rể khác gì chó chui gầm chạn”, “nghe vợ là sợ vợ”, “không biết uống rượu thì mặc váy”...

Không riêng phụ nữ, đàn ông cũng chịu nhiều định kiến ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm "Đàn ông là số 1 hay số 0"

Một buổi tọa đàm với chủ đề “Đàn ông số 1 hay số 0” vừa diễn ra tại Hà Nội. Dưới sự điều phối của MC Đinh Tiến Dũng (giáo sư Cù Trọng Xoay), NSƯT Chí Trung, hoa hậu Dương Thùy Linh, blogger Hoàng Minh Trí (Cu Trí) và ông Tim Voegele-Downing – Giám đốc sáng tạo của Giovanni đã cùng các khán giả chia sẻ những câu chuyện thú vị về vai trò của đàn ông và phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Đàn ông bị gán mác “phái mạnh”

Hoa hậu Dương Thùy Linh cho rằng: “Mỗi phụ nữ có một gu đàn ông khác nhau”. Cô cụ thể: “Bạn của tôi thích đàn ông phải thành đạt, bệ vệ, chắc chắn không bao giờ nhúng tay vào việc phụ nữ. Nhưng tôi thích đàn ông không phải gồng lên như một siêu nhân, quyết đoán, cứng rắn đấy, nhưng tất nhiên họ có lúc yếu mềm. Và người đàn ông đó cũng biết để cho phụ nữ có lúc được mạnh mẽ”. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra, ví như: người làm ăn kinh doanh sắp phá sản nhưng giấu, vẫn đi vay tiền mua túi hàng hiệu giá chục nghìn đô cho vợ để vợ không lo lắng, bị đuổi việc mà sáng vẫn cắp cặp đi, chiều lại cắp cặp về không dám chia sẻ khó khăn với người vợ vì nhỡ... vợ nghĩ mình bất tài...

Một tình huống dễ gặp trong đời sống: “Đàn ông mà thay được cái bỉm cho con 1 lần thì ghê lắm, được tôn vinh, còn phụ nữ thay bỉm cho con 100 lần là việc đương nhiên”. Tuy nhiên, đàn ông Việt Nam đôi khi chịu rất nhiều định kiến: người đàn ông giúp đỡ vợ việc nhà lại bị cho là “sợ vợ”, họ từ chối uống rượu lại bị đùa dai là “mặc váy”, ở rể sum vầy, giúp đỡ gia đình nhà vợ nhưng bị người ngoài nói ra nói vào là “chó chui gầm chạn”... Ít nhiều, người đàn ông đã có những tổn thương, nhưng họ lại loay hoay, bởi rõ ràng xã hội luôn muốn họ giữ cái mác “phái mạnh”. MC Đinh Tiến Dũng lý giải: “Phụ nữ cứ bắt đàn ông phải mạnh. Nhưng thực ra, sự đáng yêu trẻ con của người đàn ông không bao giờ mất đi cả. Họ như “thân lừa ưa nặng, vợ không kiếm được tiền thì đàn ông khổ xuôi ngược kinh doanh. Vợ kiếm được tiền lại mặc cảm để cho vợ lăn lộn”.

Blogger Hoàng Minh Trí kể: “Tôi từng nghe kể về một nhà anh bạn vừa nâng cấp 3G lên 4G. Ban đầu tôi nghĩ là nâng cấp gói cước internet. Sau nghe giải thích mới hiểu nhà đó đang 3 con gái vừa sinh thêm một bé gái thứ 4”. Trong đời sống, không hiếm những người đàn ông chẳng có gì ngoài việc đẻ được con trai, nên đi kỳ thị người khác đẻ con gái. Thậm chí: “Ở nhà quê, có nơi đẩy những người đàn ông đẻ con gái ngồi một mâm riêng, đùa bảo đó là mâm ông ngoại tương lai” - NSƯT Chí Trung dẫn chứng.

Hoa hậu Dương Thùy Linh đưa ý kiến: “Chuyện đàn ông bị định kiến là do đàn ông tự định kiến với nhau rồi “dìm” nhau. Nếu đàn ông không uống rượu thì phụ nữ sẽ tôn vinh. Nghe lời vợ cũng được tôn vinh”. Và nếu, đàn ông không nặng nề “trọng nam khinh nữ”, sẽ không còn những người phụ nữ vừa mang bầu đã phải chịu áp lực.

Phụ nữ có thể giúp cho đàn ông văn minh hơn

MC Đinh Tiến Dũng công nhận: “Đàn ông cứ tự làm khổ mình”. Trước đây, anh hay khổ sở vì dù làm nhiều mà không được ghi nhận. Sau này, nhờ một người đàn ông người Australia khuyên: "Có những người thông minh về học hành nhưng lại cư xử không khéo lắm, đàn ông làm gì thì hãy nói lên. Ví dụ, rót cho vợ cốc nước, cho con ăn cũng nên nói". Phụ nữ và đàn ông rất cần sự chia sẻ, đôi khi, sự thấu hiểu sẽ khiến cho hôn nhân trở nên không mệt mỏi. Nếu không, đến lúc người vợ cáu lên sẽ quát: “Anh chẳng làm được gì cho cái nhà này cả”.

Một phần khiến người đàn ông chưa văn minh lại có nguyên do từ phụ nữ, bởi tính cách người con ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ. Người mẹ có thể làm rất nhiều việc, trong đó, mỗi người phụ nữ có thể dạy dỗ con trai mai này lớn lên thành đàn ông văn minh, biết trân trọng phụ nữ và gạt bỏ những định kiến cổ hủ. Làm vợ đôi khi cũng giống làm mẹ, phụ nữ cần hết sức kiên nhẫn, thậm chí quên đi cái tôi của mình để vì mục đích chung là gia đình êm ấm.

Nghệ sĩ Chí Trung chia sẻ bí quyết “giữ lửa” trong gia đình: “Vợ chồng nhà tôi cũng được coi là vợ chồng kiểu mẫu trong giới nghệ sĩ, vì lấy nhau mấy chục năm rồi mà chưa bỏ nhau. Nói hạnh phúc khó lắm, chúng tôi vẫn có những khúc mắc. Rất may tôi có một người vợ mà cô ấy vẫn yêu tôi, cho đến gần đây vẫn yêu”. Theo nghệ sĩ: “Nỗi sợ lớn nhất đối với người đàn ông là vợ đòi hỏi chồng phải thành đạt, phải kiếm được nhiều tiền. Vợ chồng tôi sống ở khu tập thể cũ sau Nhà hát Lớn mấy chục năm nay, vì thực ra không có điều kiện để chuyển nhà. May mắn là vợ tôi đã không hỏi gì”. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nhận thấy tọa đàm như một cuộc để đàn ông “phất cờ khởi nghĩa”, một năm có hai ngày dành cho phụ nữ, thì có một ngày đàn ông cũng được – “một ngày tụ bên nhau để cho nước mắt đỡ rơi”.