Không ngại hiểm nguy và không bỏ qua nguồn tin quý

ANTD.VN - Hơn 20 năm gắn bó với nghề cầm bút, nhà báo Lưu Tường Lâm luôn thầm cảm ơn rằng, anh đã may mắn không chỉ được làm công việc anh đam mê, mà trên suốt chặng đường đó, anh còn tìm thấy “ngôi nhà thứ hai” của mình, đó là Báo An ninh Thủ đô - nơi đào tạo và rèn luyện anh thành nghề.

Nhà báo Tường Lâm phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thực hiện bộ phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ và quyết định sáng suốt”

Truyền hình mở ra trong cuộc sống của chàng thanh niên ấy niềm đam mê, muốn tạo ra những thước phim sinh động bằng sự năng nổ, xả thân của phóng viên tại hiện trường mọi nơi mọi lúc. Trước khi về An ninh Thủ đô, chàng sinh viên trường báo Lưu Tường Lâm (SN 1973, quê ở Thanh Oai, Hà Nội) đã có kinh nghiệm cộng tác hơn 2 năm với nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình. 

Dấn thân vào hiểm nguy

Nói về chuyện dấn thân vào hiểm nguy khi tác nghiệp, Tường Lâm không thể quên được lần công tác 4 năm sau khi tốt nghiệp ra trường. Hồi đó, anh trẻ thật và cũng ngông thật, dám bất chấp nguy hiểm để lao vào “rốn ma túy” Na Ư, nơi từng khét tiếng là “thung lũng tử thần”.

Câu chuyện bắt đầu từ sự hy sinh anh dũng của Thiếu úy Phạm Văn Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu khi đang phá một chuyên án ma túy lớn. An ninh Thủ đô gần như là tờ báo duy nhất đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ việc. Nhà báo Tường Lâm được cử đi Lai Châu ngay trong đêm để viết về gương hy sinh anh dũng của đồng chí Phạm Văn Cường.

Thế nhưng dù bài viết đã hoàn thành, nhà báo Tường Lâm vẫn nhất mực xin Ban Biên tập cho phép ở lại để thâm nhập Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi lúc bấy giờ đang là “rốn ma túy”, “điểm nóng” khét tiếng của tội phạm buôn “hàng trắng”. 

Tường Lâm quen một người lái “xe ôm” hay ngồi trước cổng Báo Điện Biên Phủ, có thể cùng anh lên Na Ư để chụp ảnh cho đồng bào dân tộc Mông. Anh thuyết phục và thuê người đàn ông ấy dẫn anh lên đó như một chuyến đi trải nghiệm của những người trẻ tuổi. Người lái “xe ôm” yêu cầu anh tuyệt đối không được mang theo giấy tờ cũng như thiết bị ghi âm, ghi hình nào, chỉ được lẳng lặng theo ông với vai trò “cậu em trai Hà Nội đi du lịch”…

Lần đi thực tế cách đây gần 20 năm ấy, Tường Lâm chẳng thể nào quên. Bởi đây chính là vùng đất được gắn với các chuyên án ma túy lớn vào loại nhất nước, rồi cả những cuộc đấu súng kinh hoàng giữa lực lượng chức năng với những kẻ buôn bán “cái chết trắng”.

Na Ư chỉ có một con đường độc đạo đi vào, dân bản từ xa đã có thể biết người lạ đang đến để đề phòng. Nhà nào nhà nấy chẳng ai bảo ai đều chặt lá xanh treo lên cửa. Bởi vì phong tục của dân tộc Mông, cổng nhà cắm lá xanh có nghĩa gia đình đang có việc bận, không tiếp khách. Và nếu không được sự “bảo hộ” của người “xe ôm” họ đã quen mặt, chắc hẳn anh cũng như một anh chàng bán kem nọ, chẳng biết vô tình hay hữu ý đi lọt vào vùng đất này để rồi bị quây bắt đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vì bị nghi là đi… dò xét tình hình.

Na Ư có khoảng 24km đường biên giáp với tỉnh Phong Sa Lỳ của nước bạn Lào, nên người dân Na Ư chỉ cần mất chừng 30 phút chạy một chiếc xe máy tòng tọc, xuyên rừng là có thể sang bên kia biên giới mua bán rồi về nhanh, dễ dàng hơn đi chợ. Ngày đó những chiếc xe máy đẹp trong khi ở phố còn chưa nhiều, thì ở Na Ư thanh niên chẳng thiếu xe đẹp để đi…

Và thế là, “Bản tường trình từ Na Ư” ra đời. Bài viết nhiều kỳ này là một trong những ghi chép đầu tiên về vùng đất, con người nơi đây. Phóng sự điều tra dài kỳ về “điểm nóng” này để lại tiếng vang lớn và rất có giá trị trong cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy khu vực biên giới. 

Nhà báo Tường Lâm tác nghiệp tại Thủy điện Hòa Bình

Đoạt giải báo chí từ một nguồn tin quý giá

Một câu chuyện về nghề nữa tôi được anh kể lại, đó là lần tiếp nhận một nguồn tin quý giá và đưa anh đến giải thưởng báo chí. Mà chủ nhân của giải thưởng này đến giờ vẫn cứ khiêm tốn bảo rằng, đấy là do “ăn may”. Năm 2004, khi thực hiện đợt công tác với lực lượng CSGT đường thủy, Công an tỉnh Bắc Ninh, nhà báo Tường Lâm nhận được nguồn tin về một sự việc khá lạ.

Đó là qua công tác tuần tra, kiểm soát, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và bắt quả tang một số trẻ chăn trâu đang đập vỡ cọc tiêu bê tông tại Quốc lộ 18 để lấy sắt đem bán lấy tiền. Tuy nhiên, một điều bất ngờ từ lời khai của các cháu nhỏ này. Khi đập vỡ những cọc tiêu bê tông đầu tiên, bên trong cọc không hề có lõi sắt mà chỉ có... cọc tre! Vì thất vọng không có sắt, lũ trẻ chăn trâu tiếp tục đập những cọc tiêu bê tông khác và cũng chỉ thấy toàn lõi tre…

Sau khi báo cáo với Ban Biên tập, ngay lập tức nhà báo Tường Lâm cùng đồng nghiệp đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu ngay sự việc. Và thế là, tác phẩm “Bê tông cốt…tre!” ra đời. Bài báo lập tức làm dậy sóng dư luận và khiến các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc điều tra. Từ đây cũng lộ ra đường dây của Ban quản lý dự án Quốc lộ 18 và mở màn cho việc phanh phui những chuỗi sai phạm nghiêm trọng của PMU 18 sau này…

Tác phẩm báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực này về sau được trao Giải thưởng Báo chí Ngô Tất Tố. Nhưng Tường Lâm chỉ khiêm tốn chia sẻ, trong nghề báo cần có những lần “ăn may” như thế! Nhưng để có được cơ hội “ăn may” như anh nói thì dường như lúc nào người phóng viên cũng cần phải giương “ăng ten” lên mọi lúc, mọi nơi để thu thập - chọn lọc - không bỏ sót thông tin.

Đi liền với đó là phong cách gần gũi nhưng không kém phần quyết liệt khi tiếp cận các đề tài. Bạn trong nghề báo mến anh về sự chân tình, nhưng cũng nể anh vì sự quyết liệt, không khoan nhượng với cái xấu.

Nhìn lại 20 năm gắn bó cùng An ninh Thủ đô như máu thịt, nhà báo Tường Lâm vẫn luôn cảm nhận rằng, anh đã được hưởng quá nhiều… Đó là sự tin yêu trong một tập thể, những kinh nghiệm làm nghề không chỉ làm báo mà còn cả của ngành Công an, những trải nghiệm của nhiều loại hình báo chí từ làm phóng viên báo in, báo điện tử và rồi được quay trở lại với đam mê làm truyền hình. 

Trước câu hỏi “Đam mê với nghề báo của anh còn nhiều như những ngày đầu không?” - Nhà báo Tường Lâm lặng lẽ đáp từ: “Còn nhiều hơn thế chứ, bởi đấy là công việc cả đời!”.