Hướng đi đúng, cần phải sớm nhân rộng

ANTD.VN - Liên quan đến việc Hà Nội sẽ triển khai thí điểm ở mỗi quận một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây và một “tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” tại quận Thanh Xuân trong tháng 12 này, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo An ninh Thủ đô xoay quanh vấn đề này.

- PV: Theo đề án mới của UBND TP Hà Nội, trong tháng 12-2017 này, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mỗi quận 1 tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây bảo đảm đủ 4 nhóm điều kiện về ATTP. Bà đánh giá thế nào về đề án này?

- PGS.TS Bùi Thị An: Tôi được biết, dự kiến vào cuối năm nay, một “tuyến phố kiểm soát ATTP” đáp ứng chuẩn 10 tiêu chí về ATTP sẽ chính thức được đưa vào hoạt động tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), sau đó nhân rộng ra trên địa bàn Hà Nội.

Việc Hà Nội triển khai thí điểm mô hình mỗi quận một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây an toàn là hướng đi rất đúng và thậm chí cần phải sớm nhân rộng.

Cái lợi trông thấy ngay được ở mô hình này là sẽ tập trung các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn vào một khu vực, cụ thể là một tuyến phố, như thế việc quản lý Nhà nước, kiểm soát đầu vào trái cây, truy xuất nguồn gốc hoa quả đưa vào sẽ dễ dàng, việc thanh tra, giám sát cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Trong một tuyến phố tập trung và có kiểm soát như vậy, ý thức của người kinh doanh chắc chắn sẽ được nâng cao hơn, hoặc có muốn thì họ cũng không dám kinh doanh gian dối. Mặt khác, người tiêu dùng khi có nhu cầu mua thực phẩm, trái cây an toàn sẽ biết phải đến địa điểm nào để mua và có thể yên tâm hơn. 

- Người dân vẫn có thói quen khá dễ dãi trong tiêu dùng thực phẩm, tiện đâu mua đó. Nhiều người cũng sẽ có tâm lý e ngại khi mua trái cây, thực phẩm tại các cửa hàng trái cây an toàn như vậy sẽ đắt hơn so với mua tại chợ. Vậy theo bà, mô hình này liệu có tính khả thi?

- Những ý kiến nêu trên là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, ý thức đảm bảo ATTP của người dân đã ngày càng được nâng cao, nhu cầu và yêu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn, hoa quả sạch là rất cấp thiết. Do đó, tôi cho rằng không chỉ mỗi quận tổ chức một tuyến phố kiểu mẫu kinh doanh trái cây mà phải có nhiều tuyến phố kinh doanh thực phẩm an toàn có kiểm soát, vừa đáp ứng nhu cầu của dân vừa góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm cũng như ý thức của người kinh doanh thực phẩm. Điều quan trọng là khi các cửa hàng đều có ý thức kinh doanh thực phẩm an toàn thì các chợ cóc, chợ tạm, các cơ sở kinh doanh thực phẩm gian dối sẽ tự mất khách hàng và tự phải thay đổi tốt hơn. 

Để triển khai thành công các tuyến phố kinh doanh thực phẩm, trái cây an toàn, điều quan trọng nhất là công tác tổ chức phải tạo được niềm tin trong nhân dân, phải có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phải chặn bằng được thực phẩm không an toàn tràn vào. Khi đã triển khai thực sự nghiêm túc, đảm bảo thực phẩm, trái cây kinh doanh tại các tuyến phố này thực sự an toàn, thực sự có kiểm soát thì người dân sẽ tin tưởng và chắc chắn sẽ tạo ra một bước chuyển biến đột phá mới trong công tác quản lý, đảm bảo ATVSTP ở Hà Nội và cả nước.

- Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Thị An!