"Hotgirl ăn quỵt" Bella bị nghi ngờ tâm thần, bạo hành con đẻ: Không thấy chính quyền địa phương can thiệp?

ANTD.VN - "Hotgirl" tự xưng Bella (tên thật là Đoàn Thúy Hà) đã sinh con được gần 1 năm và thường xuyên có những biểu hiện gây lo ngại đe dọa sức khỏe và tính mạng của đứa trẻ. 

Kể từ khi sinh con đến nay gần 1 năm, người phụ nữ tên Đoàn Thúy Hà (32 tuổi, quê ở xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) hay còn được cộng đồng mạng biết đến với tên Bella (“hotgirl" chuyên quỵt tiền khắp nơi, từ tiền ăn, tiền uống, tiền đi taxi đến tiền thuê nhà...) liên tục có những biểu hiện, lời nói, hành vi khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ như: hút thuốc lá rồi phả khói phì phèo vào mặt con, tha lôi con đi lang thang giữa trời nắng, đêm khuya, dí bình sữa để mặc con lúc đói, đặt sát mặt con vào ngọn nến đang cháy, livestream rao bán con, nhổ nước bọt vào con, chửi bới con, thậm chí chửi bởi mọi người vì cho rằng nhiều người muốn "ngủ với con mình"…

Bella hút thuốc lá rồi phả khói vào mặt con khi đứa bé chỉ mới vài ngày tuổi

Rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải tách đứa bé ra khỏi người mẹ này để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của cháu bé. Vì trên thực tế, có không ít clip ghi lại cảnh Hà liên tục có những lời nói chửi bới, thậm chí dọa giết chính con mình vì có suy nghĩ quái đản rằng “đứa bé đó vượt thời gian về để suốt ngày quậy phá cuộc sống của mình”, rằng đứa trẻ sau này lớn lên sẽ “ăn cháo đá bát”, tìm cách trả thù mình….

"Hotgirl ăn quỵt" Bella bị nghi ngờ tâm thần, bạo hành con đẻ: Không thấy chính quyền địa phương can thiệp? ảnh 2

Bella chất cả chiếc túi xách to đựng đầy đồ bên trong lên người đứa con đang nằm trong xe đẩy

Gần đây, trên mạng tiếp tục xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về việc Hà chất cả chiếc vali xách đựng đầy đồ lên người đứa bé chưa đầy 1 tuổi đang nằm trong xe đẩy rồi kéo đi lang thang khắp nơi, vứt con nằm ở vỉa hè lăn lóc giữa đường. Khi nhiều người lo lắng việc này có thể khiến đứa bé bị ngạt thì cô ta đáp trả: “Không chết được mà lo”. Đặc biệt, vừa qua Hà đưa con vào bệnh viện, trên người đứa bé có nhiều vết tím bầm. Đứa bé khóc đói, Hà không quan tâm, những người xung quanh phải mua sữa cho cháu uống.

Trước khi sinh con, Hà đã có nhiều biểu hiện bất thường về tâm thần, ăn mặc và nói năng dị thường.

Liên quan đến sự việc gây bức xúc dư luận này, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) - chuyên gia cao cấp về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

PV: Theo ông, với cách hành xử như trên của Đoàn Thúy Hà đối với đứa bé có thể xem là xâm hại, bạo hành trẻ em hay chưa?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Những hành động cho thấy cô Hà hành hạ em bé mà chúng ta nhìn thấy trên các video clip lan truyền trên mạng xã hội chính là hành vi xâm hại trẻ em. Hành vi này đã được quy định tại điều 4 của Luật Trẻ em 2016. Do vậy cần thiết các cơ quan Bảo vệ trẻ em phải sớm vào cuộc xác minh sự thật và có hành động can thiệp kịp thời để ngăn chặn, đảm bảo sự an toàn cho em bé.

PV: Vậy theo ông, nếu người mẹ thần kinh không bình thường thì cần phải làm gì để nhanh chóng tách đứa trẻ ra khỏi người mẹ đó và cơ quan, đơn vị nào có thể đứng ra làm việc này?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Đúng là ai xem các video clip về người mẹ này cũng đều rất bức xúc và căm phẫn với các hành động của cô ta. Theo quy định của Luật trẻ em 2016, người mẹ sẽ phải bị xử lý phạt hành chính về hành vi hành hạ trẻ em. Đồng thời, để giải quyết thấu đáo vụ việc, trước mắt các lãnh đạo chính quyền và cơ quan Bảo vệ trẻ em tại địa phương (Sở LĐTBXH, Sở Tư Pháp, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS…) cần phối hợp với Sở Y tế xác định tình trạng sức khỏe tâm thần của người mẹ (bao gồm tiền sử có liên quan về sức khỏe tâm thần, trầm cảm sau sinh… và khám chuyên khoa Thần kinh và tâm thần) để chẩn đoán xác định và có hội chẩn để quyết định xem bà mẹ có đủ khả năng tiếp tục chăm nuôi con hay không. 

Hai khả năng có thể xảy ra:

Một là, bà mẹ đủ điều kiện sức khỏe để nuôi con: Trung tâm công tác xã hội tỉnh cần có hỗ trợ, tư vấn tâm lý để khẳng định rằng bà mẹ sau khi bị xử phạt vẫn được quyền nuôi con và cam kết không tái phạm các hành vi xâm hại trẻ em (bạo lực, hành hạ, bỏ mặc, xao nhãng...). Đồng thời cần tiếp tục theo dõi giám sát và có những trợ giúp để bà mẹ này có thể nuôi con và em bé được bảo đảm an toàn.

Hai là, bà mẹ có mắc bệnh tâm thần có thể gây nguy hiểm đến sự an toàn của trẻ hoặc không đủ khả năng để nuôi con thì ngay lập tức phải tiến hành cách ly em bé (theo quy định tại điều 50 của Luật Trẻ em 2016: Tạm thời tước quyền nuôi dưỡng đứa bé của người mẹ) và điều trị bắt buộc về bệnh tâm thần cho bà mẹ.

Cách đây vài ngày, Bella xuất hiện trong bệnh viện với đứa con, trên người bé có nhiều vết bầm tím nghi do bị bạo hành

PV: Theo Khoản 3, Điều 6 Luật trẻ em 2016 quy định trong trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị bạo hành, ngược đãi hoặc chăm sóc không tốt bởi cha, mẹ, người giám hộ thì cần phải có sự can thiệp của các tổ chức xã hội để bảo vệ trẻ em. Trong trường hợp này, phía Hội LHPN, Sở LĐ-TB&XH và Sở Tư pháp cần phải phối hợp với nhau để tiến hành cưỡng chế, bắt buộc tách đứa bé ra khỏi bà mẹ.

Như vậy, quy định thì đã rõ, sự lo lắng của mọi người về việc đứa bé con của Đoàn Thúy Hà có thể gặp nguy hiểm cũng hoàn toàn có cơ sở. Nhưng theo ông, cái khó của việc thực thi này là gì?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Luật có quy định như vậy. Tuy nhiên để thực hiện cần thiết phải đảm bảo các quy trình đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại của trẻ theo Hướng dẫn chi tiết tại điều 27 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP.

Sau khi đánh giá nếu xác định thấy em bé cần được bảo vệ khẩn cấp vì bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm do bà mẹ gây ra thì phải thực hiện cách ly, tạm thời tước quyền nuôi con của bà mẹ và tiến hành chăm sóc bé bởi gia đình thay thế. Do vậy, không phải toàn bộ các trường hợp trẻ em bị cha mẹ bạo hành, ngược đãi đều tiến hành cưỡng chế, bắt buộc cách ly em bé ra khỏi cha mẹ.

PV: Vậy còn vai trò của chính quyền địa phương nơi cô Hà đăng ký tạm trú trong trường hợp này có vai trò như thế nào trong việc bảo vệ đứa trẻ?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết trường hợp này, cần có chỉ đạo ngay lập tức các cơ quan Bảo vệ trẻ em và bảo vệ pháp luật của địa phương tiến hành các hành động cụ thể: xác minh sự việc, ngăn chặn và giải quyết nguy cơ, can thiệp và trợ giúp về vật chất và tinh thần để bảo đảm sự an toàn cho em bé.

PV: Theo ông, tại sao dư luận đã lên tiếng về trường hợp của cô Hà từ rất lâu, song đến giờ sự việc vẫn tiếp tục diễn ra, mức độ nguy hiểm và khó lường hơn đối với đứa trẻ. Trong khi các cơ quan Bảo vệ trẻ em, chính quyền địa phương chưa có bất cứ hành động nào liên quan đến trường hợp này. Ông nghĩ sao về điều đó?

- Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Nếu đúng sự thật như vậy thì rất đáng phê phán sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền và các cơ quan Bảo vệ trẻ em tại địa phương, nơi mà bà mẹ này đang sống tạm trú. Chúng ta không thể chỉ hô hào khẩu hiệu mà cần phải có hành động đúng và kịp thời để bảo vệ sự an toàn của trẻ em.

PV: Được biết, gia đình cô Hà ở quê nhà hiện giờ chỉ còn một bà ngoại tuổi cao sức yếu. Nếu như đứa bé được tách khỏi cô Hà thì tương lai ai có quyền nhận nuôi đứa trẻ này?

Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Như đã phân tích ở trên, nếu trong trường hợp bà mẹ được xác định mắc bệnh tâm thần không đủ khả năng nuôi con, hoặc sau khi đánh giá xác định em bé cần được bảo vệ khẩn cấp vì bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm do bà mẹ gây ra thì phải thực hiện cách ly, tạm thời tước quyền nuôi con của bà mẹ.

Trường hợp người/gia đình thay thế nhận chăm nuôi em bé tạm thời được quy định tại điều 63 Luật trẻ em 2016 và được hướng dẫn chi tiết tại điều 42 củaNghị định số 56/2017/NĐ-CP, ưu tiên cá nhân, gia đình là người thân, họ hàng./.

PV: Xin cảm ơn ông!