Hà Nội nợ đọng bảo hiểm xã hội cao nhất cả nước, gần 760.000 lao động bị ảnh hưởng

ANTD.VN -Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, đến hết tháng 11-2017, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn Hà Nội lên tới trên 2.850 tỷ đồng, chiếm 8,47% kế hoạch thu…
  Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết,đến hết tháng 11-2017, số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn Hà Nội lên tới trên 2.850 tỷ đồng, chiếm 8,47% kế hoạch thu…

Hà Nội nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia và giảm nợ đọng BHXH

Sáng nay, 7-12, BHXH TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công văn số 4456/UBND-KGVX của UBND TP và triển khai các giải pháp giảm nợ BHXH, kiểm soát quỹ BHYT trên địa bàn thành phố.

Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 11-2017, BHXH TP đã thu BHXH, BHYT, BHTN được 29.752 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (tăng 4.615 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016).

Dự kiến hết năm nay, BHXH TP sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch thu, đạt 100,06%. Đáng chú ý, trong năm 2017, BHXH TP đã phát triển thêm được 9.644 doanh nghiệp, nâng tổng số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia BHXH, BHYT, BHTN lên 73.754 đơn vị.

Mặc dù đã đạt được kết quả khả quan như vậy, song số tiền nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn Hà Nội tính đến hết tháng 11-2017 còn rất lớn, lên tới trên 2.850 tỷ đồng, chiếm 8,47% kế hoạch thu.

Bà Hòa nêu rõ, Hà Nội là địa phương có số nợ tiền BHXH cao nhất cả nước. Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động. BHXH TP Hà Nội thừa nhận, dự kiến khó hoàn thành chỉ tiêu nợ do BHXH Việt Nam giao năm 2017 là 4,04%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được BHXH TP Hà Nội chỉ ra là do công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, từ tháng 1-2016 đến nay, cơ quan BHXH đã bàn giao hồ sơ của 492 đơn vị nợ BHXH đề nghị Tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án song hiện chưa có vụ án nào về nợ BHXH được Tòa án thụ lý giải quyết.

Một nguyên nhân rất quan trọng khác là thực tế có nhiều doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán. Mặt khác, còn nhiều doanh nghiệp chây ỳ, cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, đóng không đủ số người lao động đang làm việc theo quy định. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người lao động về chính sách BHXH còn hạn chế, không dám đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình…

Trước thực trạng trên, để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa yêu cầu BHXH các quận/ huyện/ thị xã của thành phố cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp, đôn đốc thu hồi nợ BHXH thời gian tới.

Trong đó, ngành BHXH TP sẽ chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan, UBND các quận/ huyện/ thị xã thực hiện phân tích, phân loại doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo loại hình sản xuất, kinh doanh, số tháng nợ; xác định nguyên nhân nợ; trên cơ sở đó đề xuất và phối với các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ BHXH; tiếp tục phối hợp thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 5 ngành (CATP Hà Nôi, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn lao động thành phố, Cục Thuế thành phố và BHXH TP Hà Nội) để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, BHXH TP Hà Nội cũng kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật BHXH sửa đổi năm 2014 hoặc ban hành văn bản để tháo gỡ vướng mắc trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra Tòa án.