Hà Nội: Kiểm tra 36 công ty trang thiết bị y tế, phát hiện tới 17 cơ sở vi phạm

ANTD.VN - Tính đến 1-12, Sở Y tế Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra được 36 cơ sở kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế (TTBYT) trên địa bàn, qua đó phát hiện và xử lý vi phạm tới 17 cơ sở với số tiền hơn 250 triệu đồng…

Hà Nội sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế

Tại Hội thảo đối thoại với doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý TTBYT do Sở Y tế Hà Nội tổ chức chiều 7-12, ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn ngành y tế Hà Nội hiện có 36 cơ sở sản xuất TTBYT.

Tính đến 1-12-2017, Sở Y tế Hà Nội đã tiếp nhận được 3.589 hồ sơ trực tuyến về công bố đủ điều kiện sản xuất TTBYT; công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với tTTBYT; công bố đủ điều kiện mua bán TTBYT.

Cũng tính đến 1-12, Sở Y tế đã thanh tra, kiểm tra 36 cơ sở kinh doanh, sản xuất TTBYT. Qua đó, phát hiện và xử lý vi phạm 17 cơ sở với số tiền hơn 250 triệu đồng, hủy 1 máy xét nghiệm sinh hóa, 2 máy răng, 1 máy nội soi tai mũi họng.

Bên cạnh đó, kết quả hậu kiểm 128 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TTBYT theo hồ sơ đã công bố thì có tới 26 doanh nghiệp không đạt khi kiểm tra thực tế điều kiện bảo quản TTBYT, phòng cháy chữa cháy của kho, điều kiện vận chuyển.

Ông Chung nêu rõ, các hành vi vi phạm chủ yếu là nhân sự cho việc sản xuất và kinh doanh TTBYT không đúng quy định; kinh doanh TTBYTkhông đúng địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh TTBYT hóa chất, xét nghiệm không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định; không có đủ giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ, tổ chức giới thiệu TTBYT khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ; mặt bằng và điều kiện kinh doanh chưa đáp ứng…

Để quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh TTBYT, Sở Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, song việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện chưa có quy định kiểm chuẩn định kỳ TTBYT đang sử dụng tại các cơ sở y tế cũng như sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, chưa có cơ quan chuyên môn về kiểm định chuẩn chất lượng TTBYT.

Trước thực tế nêu trên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, tới đây Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất TTBYT. Đồng thời, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế sớm có ban hành quy định về quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, kiểm chuẩn định kỳ chất lượng TTBYT, sửa đổi Nghị định xử phạt về TTBYT phù hợp với thực tế hiện nay.

Mặt khác, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Vụ Trang thiết bị và công trình y tế - Bộ y tế sớm hoàn thiện chương trình phần mềm nối mạng các cấp, có sự trao đổi thông tin, số liệu giữa Bộ Y tế, Sở Y tế và các ban ngành thành phố để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh TTBYT ngoài công lập.