Hà Nội: Chỉ tuyến phố đặc thù phục vụ du lịch, văn hóa mới được sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh

ANTD.VN -Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn.  

Theo Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND, việc sử dụng chung hệ thống đường đô thị phải đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch được duyệt; sự đồng bộ về hạ tầng, tiết kiệm; mỹ quan, cảnh quan và môi trường; sự hoạt động bình thường, an toàn cho hệ thống hạ tầng đã có; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Công tác quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn Hà Nội được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp.

Theo quy định, chỉ tuyến phố đặc thù phục vụ du lịch, văn hóa mới được sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh

Mặt khác, hệ thống đường đô thị phải được quản lý chặt chẽ theo đúng quy hoạch, chỉ giới, mốc giới. Mọi hoạt động liên quan đến việc quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần đường đô thị ngoài mục đích giao thông phải được sự chấp thuận, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này phải bố trí lối đi thuận tiện, an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông; không được làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường đô thị; giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Cơ quan quản lý đường đô thị sau khi có văn bản, giấy phép thì có trách nhiệm chuyển các văn bản, giấy phép chấp thuận cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông đến Sở Giao thông vận tải và Chính quyền địa phương và các bên liên quan để cùng phối hợp quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật.

Văn bản cũng quy định về việc hạn chế sử dụng tạm thời hè phố ngoài mục đích giao thông trong các khung giờ có mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao (từ 7h - 9h và 16h - 19h) và vào các ngày lễ, tết, kỳ cuộc để đảm bảo an ninh, trật tự.

Đặc biệt, chỉ một số tuyến đường phố đặc thù phục vụ các hoạt động du lịch, văn hóa mới được phép sử dụng tạm thời hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Các hộ gia đình có nhu cầu sử dụng hè phố phục vụ việc cưới, việc tang thì đại diện gia đình phải báo cáo UBND cấp xã cho phép bằng văn bản việc sử dụng tạm thời hè phố. Việc sử dụng tạm thời hè phố không được quá 48 giờ kể từ khi được UBND cấp xã cho phép và phải dành lối đi rộng tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.

Đối với công trình thi công trên hệ thống đường đô thị có ảnh hưởng lớn đến sự lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông, các đơn vị liên quan phải có biện pháp tổ chức thi công, phương án phân luồng, đảm bảo giao thông thích hợp và có sự thống nhất của liên ngành.

Khi tổ chức thi công trên hè phố phải đảm bảo lối đi cho người đi bộ tối thiểu 1,5m. Trong trường hợp không đảm bảo chiều rộng tối thiểu trên hè dành cho người đi bộ, phải phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất, phối hợp bố trí lối đi tạm và tổ chức hướng dẫn cho người đi bộ đi qua khu vực thi công an toàn.

Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND còn quy định, mọi hành vi vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường bị xử lý theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và các quy định hiện hành có liên quan.

UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện. Quyết định này có hiệu lực từ 13-5, thay thế Quyết định 15/2013/QĐ-UBND, Quyết định 17/2015/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.