Giải pháp kết nối du lịch Hà Nội - Hà Giang

ANTD.VN - UBND tỉnh Hà Giang vừa phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức “Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch hùng vĩ Hà Giang”. 

Hội nghị bàn sâu về 2 vấn đề: những thuận lợi, khó khăn khi kết nối tour tuyến Hà Nội - Hà Giang và làm sao phát triển du lịch nhưng không làm mai một nền văn hóa địa phương đậm đà bản sắc.

Giải pháp kết nối du lịch Hà Nội - Hà Giang ảnh 1Hà Giang có sức quyến rũ đặc biệt bởi những cánh đồng hoa tam giác mạch

Tiềm năng bỏ ngỏ

Hà Giang - điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế bởi những vẻ đẹp hoang sơ đến ngỡ ngàng: ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa lúa chín, cao nguyên đá Đồng Văn, bãi đá cổ Nấm Dần, chùa Sùng Khách, nhà Vương, cột cờ Lũng Cú… Du lịch Hà Giang còn hứa hẹn nhiều tiềm năng với những sản phẩm du lịch mới như: chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi; tour thể thao mạo hiểm vượt thác Minh Tân; tour di tích kiến trúc nghệ thuật tường thành Cán Tỷ; trải nghiệm dù lượn bay trên Cao nguyên đá Đồng Văn…

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, Hà Giang cần tập trung khai thác khách du lịch nội địa, trong đó Hà Nội là một thị trường khách rất lớn. Ông Nguyễn Anh Dũng nói thêm: “Sở Du lịch Hà Nội có thể phối hợp với Hà Giang để quảng bá các sản phẩm du lịch cũng như các tài nguyên đặc trưng hấp dẫn của Hà Giang đến với người dân Thủ đô, cũng như du khách đến với Hà Nội thông qua việc phối hợp với Hà Giang tổ chức các đợt quảng bá, triển lãm, giới thiệu các sản phẩm, hình ảnh đẹp và những sản phẩm hấp dẫn của Hà Giang đến với không gian văn hóa đi bộ khu vực quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu là phố đi bộ hồ Gươm.” Dễ dàng nhận thấy đây là cơ hội rất tốt để quảng bá nét đẹp Hà Giang, bởi trung bình, cuối tuần có khoảng 15.000 - 20.000 khách đến với không gian văn hóa phố đi bộ. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang cùng UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức “Lễ hội hoa tam giác mạch 2017”.

Ngoài việc giới thiệu và quảng bá, ông Nguyễn Anh Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành, Hiệp hội Du lịch cung cấp các sản phẩm du lịch, tour để chào bán cho du khách đến với lễ hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Định - Giám đốc Công ty TNHH TM Dịch vụ và Du lịch Hà Giang: “Kết nối Hà Nội - Hà Giang có thể coi là điểm sáng cho phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang. Và để phát triển hơn nữa Sở 

VH-TT&DL Hà Giang cần làm tốt khâu quảng bá hình ảnh đến người dân và bạn bè quốc tế thông qua các hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư cho các hạng mục du lịch, phát triển hệ thống du lịch cộng đồng, chuỗi dịch vụ phù hợp với văn hóa, truyền thống, khởi tạo giá trị văn hóa vùng miền...”.

Du lich gắn với giữ gìn bản sắc

Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chia sẻ: “Chúng tôi hướng đến các chính sách phục vụ người dân, hướng đến cộng đồng, xây dựng du lịch có trách nhiệm. Chúng tôi kiến nghị các công ty lữ hành đến với Hà Giang quán triệt các du khách không được cho tiền các cháu nhỏ”. Ông Triệu Tài Vinh nêu lên một thực trạng đáng lo ngại, vừa qua du lịch Hà Giang phát triển, thế hệ trẻ ở Hà Giang hội nhập quá nhanh dẫn đến thương mại hóa, nhiều người không làm việc cũng có tiền, chủ yếu là xin. Ông Triệu Tài Vinh khẳng định: “Đó là điều không nên đối với du lịch Hà Giang”.

Nhưng năm gần đây, Hà Giang thu hút dân “phượt”, họ tới Hà Giang tự phát với quy mô nhỏ lẻ. Vào mùa du lịch cao điểm, du khách đổ về Hà Giang rất đông,  dẫn đến các cơ sở lưu trú không thể đáp ứng được du khách. Như vậy, bài toán làm sao để dịch vụ tương xứng với tiềm năng du lịch luôn khiến các doanh nghiệp lữ hành băn khoăn. Bà Thái Thanh Lan - Giám đốc Vietindo Travel kể: “Du khách đến với Hà Giang hào hứng ngắm cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Họ mong muốn được giao lưu với những người dân tộc: vào nhà người dân nói chuyện, ra đồng cùng người dân đi cấy, gặt lúa, lên rừng… trải nghiệm sống trong chính ngôi nhà sàn của người dân”. Cơ sở lưu trú ở Hà Giang hoàn toàn có thể đủ tiêu chuẩn nếu như biết cách, đôi khi du khách chỉ cần ở trong ngôi nhà sàn sạch sẽ, có nhà vệ sinh. 

Làm du lịch song song với giữ gìn bản sắc văn hóa là một điều khó. Người dân cũng cần được hướng dẫn làm du lịch, bên cạnh việc nuôi trồng, tăng gia sản xuất. Tất nhiên, nếu để người dân tham gia thì cần có một sự đào tạo chuyên sâu và phù hợp. Đơn giản nhất, người dân cần có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường sống thật sạch, không có rác trên các nẻo đường; đón chào du khách bằng những nét bình dị của văn hóa ẩm thực: thanh đạm, quen thuộc với mùi hương thảo quả, cam, trà shan tuyết cổ thụ… cầu kỳ hơn là cháo ấu tẩu, quẹ (rêu đá) nướng, gà xương đen Quản Bạ, bò vàng Mèo Vạc… và ít ai biết rằng loài hoa tam giác mạch đẹp mê hồn có thể làm giá, xay bột làm bánh, nhúng lẩu có vị chua chua, thanh thanh ngon miệng hoặc ủ men lá để nấu rượu…