Ghen sao cho đúng luật và giữ được chân người chồng?

ANTD.VN - Đánh ghen không phải là khái niệm được pháp luật quy định. Pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc đánh ghen, cũng như không quy định thế nào là đánh ghen hợp pháp. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người thực hiện việc đánh ghen có hành vi bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc các tội danh tương ứng theo quy định của Bộ luật hình sự.

Đánh ghen là hành động của người chồng/vợ... của người ngoại tình dùng lời nói, hành động nhằm mục đích đe dọa đối với người có hành vi ngoại tình với vợ/chồng của họ. Việc đánh ghen nếu thỏa mãn các yêu cầu của tội cố ý gây thương tích hoặc làm nhục người khác thì hoàn toàn có thể bị xử lý hành chính hoặc bị khởi tố hình sự.

Tại Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân”

Như vậy, nếu nạn nhân bị đánh ghen khi giám định có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các điểm quy định tại khoản 1 nêu trên thì người đi đánh ghen có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự có quy định chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (người bị đánh ghen) hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần thể chất”.

Như vậy, nếu như hành vi của người đánh ghen đủ điều kiện cấu thành tội như trong quy định nhưng nạn nhân phải trực tiếp có yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành khởi tố vụ án.

Ngoài ra, nếu như không đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích nêu trên thì hành vi của người đi đánh ghen có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Từ những quy định trên đây, chúng ta hãy đối chiếu với vụ đánh ghen xảy ra tại Hải Phòng vừa qua để thấy rõ hậu quả của việc đánh ghen.

Ngày 8-5-2018, Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị này đang tạm giữ hình sự hai cá nhân liên quan đến vụ đánh ghen, kéo lê một nữ nạn nhân khoảng 300m trên đường trong tình trạng không mảnh vải che thân.

Cô gái bị đánh ghen, kéo lê trên đường không mảnh vài che thân xảy ra ở TP Hải Phòng.

Vụ việc đánh ghen xảy ra tại địa bàn thôn Khôi Vỹ Hạ, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào tối 1-5.

Bà Phạm Thị Mai (36 tuổi) cùng một số người trú tại thôn Khôi Vỹ Hạ, xã Quang Phục tổ chức chặn xe, lột hết quần áo, đồng thời đánh đập, chửi bới, cắt tóc và quay video cảnh lôi kéo chị B.T.Q. (31 tuổi) đi khoảng 300m dọc đường trục thôn. Đoạn video này sau đó được tung mạng xã hội Facebook nhằm mục đích bêu rếu, nhục mạ nạn nhân.

Sau vụ việc, chị Q. bị trầy xước, bầm tím nhiều chỗ trên cơ thể và tổn thương tinh thần, đang phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiên Lãng. Ngay sau đó, chị Q. đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua điều tra, Công an huyện Tiên Lãng xác định nguyên nhân vụ việc là do bà Mai cho rằng chị Q. có quan hệ tình cảm, đi lại với chồng mình từ khoảng 3 năm gần đây nên đã huy động người thân trong gia đình nhà chồng tổ chức đánh ghen, làm nhục chị Q.

Công an huyện Tiên Lãng đã triệu tập, tạm giữ hình sự Phạm Thị Mai để điều tra làm rõ hành vi làm nhục người khác. Đồng thời triệu tập, tạm giữ hình sự đối với Đoàn Thị Lương (38 tuổi), là người có hành vi đánh, cắt tóc chị Q. Riêng đối với Đoàn Thị Trâm (26 tuổi), dù có hành vi giữ chân, giữ tay và lôi kéo chị Q. để người khác đánh, quay phim nhưng do đang phải nuôi con nhỏ mới 5 tháng tuổi nên cơ quan công an không tạm giữ. Hiện Công an huyện Tiên Lãng đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ vai trò từng cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Đánh ghen” là hành vi không nằm trong quy định của pháp luật, nhưng hậu quả của hành vi đó hoàn toàn có thể bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Do vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động vì lý do ghen tuông.

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ đánh ghen và được đưa lên mạng xã hội, về vấn đề này chuyên gia tâm lý Phan Thị Huyền Trân thẳng thắn chia sẻ: “Các bạn nên học lại cách yêu thương và cho nhau. Bởi khi các bạn đánh ghen xong thì điều quan trọng nhất của cuộc đời này là hậu quả mà chúng ta làm. Khi đánh ghen xong chúng ta được gì? Mình có giữ được trái tim của người đàn ông đó không? Nếu như mình đánh nghen xong mình được yêu hơn lúc ban đầu thì lúc đó hãy tiếp tục đánh ghen. Còn nếu như đánh ghen xong mà hình ảnh mình xấu đi, mờ nhạt đi trong mắt chồng bạn, vậy tại sao phải dùng giải pháp ấy? Tại sao không dùng cách ghen có văn hóa hơn, nó đi được vào trái tim người đàn ông hơn! Và giữ được chân và kể cả tâm hồn anh ấy. Chứ không phải dùng tất cả mọi biện pháp gào rú lên điên loạn, hay một biện pháp hăm dọa, đánh đập nào đó để giữ chân người đàn ông nhưng không giữ được tâm hồn anh ấy”.