Đứng ngoài phán xét đúng sai ​

ANTD.VN - Thấy đám đông hành khách đang đứng chờ thuyền để qua sông, ông lão chèo thuyền cố guồng nhanh mái chèo để vào đón khách cho kịp. 

Con thuyền lướt nhanh vào bờ khiến cho nhiều tôm cá, cua nhỏ gần bờ bị đè chết khá nhiều. Trong đám khách có một nho sinh đứng cạnh một vị cao tăng, nhìn thấy tôm cá chết nổi lên thì quay sang hỏi vị cao tăng, thái độ rất ngạo mạn: “Cao tăng, ông nhìn xem, ông lão chèo thuyền kia vì vội đẩy thuyền vào bờ cho nhanh để đón khách mà làm chết nhiều tôm cá. Ông tu hành đắc đạo, ông thử nói xem, tội này là của ai? Là của ông lão chèo thuyền hay là của những người khách đi thuyền?”.

Vị cao tăng đáp: “Là lỗi của anh đấy”. Nho sinh nghe xong thì tức quá nói lại: “Làm sao mà là lỗi của tôi được? Tôi không phải người chèo thuyền mà tôi cũng chưa đi thuyền. Sao ông lại nói là lỗi của tôi?”. Vị cao tăng vẫn từ tốn đáp: “Bởi vì anh xen vào việc của người khác. Ông lão chèo thuyền là vì để chở những người khách sang sông chứ trong lòng không hề có ý nghĩ sát sinh.

Những người khách đi thuyền kia chẳng qua cũng chỉ là muốn sang sông để làm việc, họ cũng không có ác niệm sát sinh. Cái tâm không cố ý sát sinh của họ giống như một khoảng trời xanh vậy, cho dù mây trắng, mây đen che lấp nhưng cũng không thể làm ảnh hưởng đến sắc trời trong xanh vốn có của nó được!”. Nho sinh nghe lời vị cao tăng đáp thì tỉnh ngộ ra và cúi đầu im lặng.

Lúc này, vị cao tăng mới nghiêm mặt nói tiếp: “Tội nghiệp của con người là do tâm tạo ra, cho nên, một người nếu chỉ nhìn bề mặt mà phán xét phải trái, đúng sai một cách hồ đồ, ngông cuồng thì cũng bằng với việc tự chuốc thêm phiền não cho mình. Con người ta luôn muốn sống thanh thản, hạnh phúc nhưng lại thường xuyên thích bình luận thiện ác, tốt xấu của người khác trong khi chưa hiểu rõ điều gì, tưởng mình giỏi giang, thiện lương hơn người khác. Họ không biết rằng chính những việc thị phi ấy đã khiến cả tâm và thân của chính mình bị mệt mỏi, bị mất tự do tự tại ngay lúc ấy rồi”.