Đột phá tích cực trong giải quyết án hành chính ở Hà Nội

ANTD.VN - Trước áp lực về số lượng các vụ án hành chính, TAND TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm tạo bước đột phá tích cực trong công tác thụ lý giải quyết. Ông Nguyễn Quốc Hội – Chánh tòa Hành chính, TAND TP Hà Nội đã chia sẻ với PV ANTĐ xoay quanh vấn đề này.

PV: Thực hiện Luật Tố tụng Hành chính 2015 với số lượng vụ án tăng đột biến. Xin ông cho biết những khó khăn, vướng mắc mà TAND TP Hà Nội đang phải đối mặt hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Hội:  Theo Luật Tố tụng Hành chính năm 2010, thẩm quyền giải quyết, xét xử các vụ án hành chính ở cấp tòa án quận, huyện bao gồm các hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND và cá nhân Chủ tịch UBND quận, huyện trở xuống.

Vì thế, trung bình mỗi năm TAND TP Hà Nội chỉ phải giải quyết, xét xử từ 150 vụ đến 200 vụ án hành chính các loại. Với số lượng án hành chính như vậy nên đội ngũ cán bộ, thẩm phán của Tòa Hành chính (TAND TP Hà Nội) hoàn toàn đảm đương tốt công việc. Thậm chí, có những thời điểm, thẩm phán của Tòa Hành chính còn có thời gian hỗ trợ giải quyết các vụ án hình sự.

Nhưng kể từ khi Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 có hiệu lực (từ 1-7-2016) thì những hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND quận, huyện trở lên lại thuộc thẩm quyền giải quyết, xét xử của tòa án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài ra, tòa án tỉnh, thành phố còn phải xét xử các vụ án hành chính theo trình tự phúc thẩm.

Ông Nguyễn Quốc Hội - Chánh tòa Hành chính, TAND TP Hà Nội

Với việc thay đổi thẩm quyền giải quyết, xét xử như nêu trên có thể thấy rõ, trong khi các vụ án hành chính ở cấp tòa quận, huyện giảm thì số lượng các loại án hành chính ở cấp tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lại tăng mạnh.

Riêng đối với Tòa án Hà Nội, hiện đang phải thụ lý, giải quyết khoảng 700 vụ án hành chính (sơ thẩm) các loại nhưng số lượng thẩm phán và thư ký của Tòa Hành chính lại không có gì thay đổi. Có thẩm phán đang phải "cáng" hơn 100 vụ án hành chính. Và đây chính là khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Tòa án Hà Nội.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 thì người bị khởi kiện (Chủ tịch UBND) chỉ được phép ủy quyền tham gia tố tụng cho cấp phó. Trong khi ấy, hầu hết những người được ủy quyền phải đảm đương rất nhiều công việc khác nhau, dẫn đến họ có rất ít thời gian để tham gia giải quyết vụ án.

Và cũng chính vì kiêm nhiệm nhiều việc nên những người được ủy quyền tham gia giải quyết vụ án ít có điều kiện làm việc với tòa án để cung cấp tài liệu, chứng cứ cũng như đối thoại và khi phiên tòa mở ra họ cũng rất hay vắng mặt. Từ đó khiến người khởi kiện, những người liên quan bức xúc và vụ án bị kéo dài.

Một thực tế nữa là do lượng án hành chính ở Tòa án Hà Nội tăng mạnh nhưng số lượng cán bộ, thẩm phán được phân công giải quyết hạn chế nên đôi khi việc thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện, khiếu nại chậm hơn so với thời gian quy định. Điều này cũng khiến không ít người khởi kiện và nhân dân bức xúc.

Theo dự báo, tới đây tiếp tục Hà Nội triển khai một số dự án hạ tầng lớn, cần phải thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng đối với hàng nghìn hộ dân thì số lượng án hành chính sẽ còn tăng mạnh. Điều này thực sự là một thách thức rất lớn đối với Tòa án Hà Nội. Đặc biệt là trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay.

PV: Được biết trước thực tế đó, TAND TP Hà Nội đã chủ động có những bước đột phá trong giải quyết án hành chính. Ông có thể  thông tin rõ hơn những giải pháp, biện pháp để có được sự đột phá này?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Trước những thay đổi của luật pháp và Chỉ thị của Chánh án TAND Tối cao về tăng cường giải quyết số lượng, chất lượng các vụ án thì từ 1-9-2017, lãnh đạo Tòa án Hà Nội đã nghiên cứu, chỉ đạo nhằm tạo ra bước đột phá trong giải quyết các vụ án hành chính.

Đó là đổi mới phương pháp làm việc trên cơ sở của Luật Tố tụng Hành chính; đề cao tính trách nhiệm của thẩm phán, cán bộ tòa án; thực hiện triệt để phương châm theo lời Bác dạy là “Tòa án phải gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân” và mỗi cán bộ, thẩm phán phải luôn nêu cao tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.

Với phương châm "gần dân, hiểu dân" thì công tác xét xử án hành chính tại TAND TP Hà Nội đang tạo được sự tin tưởng của người dân vào công lý 

Cụ thể về đổi mới phương pháp làm việc là phát huy, tận dụng tối đa hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ và tăng cường đối thoại. Đơn cử như trước đây, sau khi thụ lý đơn khởi kiện, tòa án sẽ ra thông báo cho người hoặc cơ quan hành chính bị kiện biết, đồng thời yêu cầu họ đến làm việc.

Tuy nhiên, thực tế là những người bị kiện và người được người bị kiện ủy quyền thường khá bị động và bận rộn do phải xử lý các công việc hành chính theo lĩnh vực được phân công hoặc liên tục đi họp. Điều này dẫn đến tình trạng họ không kịp thời cung cấp các chứng cứ, tài liệu cho tòa án và thậm chí là còn vi phạm tố tụng.

Quá trình giải quyết vụ án, những người bị kiện hoặc người được người bị kiện ủy quyền cũng không kịp thời, không tuân thủ nghiêm túc quy định về đối thoại và thường vắng mặt khi phiên tòa mở ra. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng cũng như tính hiệu quả trong giải quyết án hành chính. 

Về phía người khởi kiện cũng tương tự, việc thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án đôi khi mất rất nhiều công sức, thời gian nhưng hiệu quả lại không cao… Do vậy, Tòa án Hà Nội đã phân công thẩm phán, thư ký thực hiện tố tụng hành chính một cách khoa học, bài bản, song vẫn đảm bảo các yêu cầu về tố tụng.

Theo đó, sau khi tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện, Tòa án Hà Nội sẽ tập hợp, phân loại và ra thông báo cho những người khởi kiện có cùng tính chất vụ việc hoặc cùng một địa bàn để họ cử người đại diện phối hợp giải quyết, đồng thời cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan.

Trên cơ sở “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân” và “phụng công thủ pháp”, Tòa án Hà Nội sẽ nhanh chóng tổ chức đối thoại ngay tại cơ sở, nhất là đối với những “điểm nóng”. Với phương pháp này, những người khởi kiện không chỉ rất thuận lợi mà các bên sẽ dễ dàng hiểu nhau hơn, đồng thời còn “mềm hóa” được sự bức xúc của người dân.

Bên cạnh đó, quá trình giải quyết các vụ án hành chính ở Tòa án Hà Nội hiện nay thì sự phối hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính, đặc biệt là với viện kiểm sát cùng cấp đã được đẩy lên một bước. 

PV: Có thể nói một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vụ án hành chính đó chính là tính công khai, minh bạch về mọi vấn đề liên quan. Vậy, TAND TP Hà Nội thực hiện tính công khai, minh bạch như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Sau hơn 3 tháng thực hiện giải pháp đột phá trong giải quyết các vụ án hành chính, có thể nói hiệu quả bước đầu là rất rõ rệt. Tuy nhiên, cùng với những việc làm khoa học, sáng tạo và thiết thực thì việc công khai, minh bạch trong giải quyết án hành chính có vai trò rất quan trọng.

Vì thế các vụ án hành chính từ người khởi kiện, người bị kiện, người liên quan đến hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính bị khởi kiện, các thông báo của tòa án và cả kết quả giải quyết vụ án đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của TAND TP Hà Nội, tại địa chỉ “toaan.hanoi.gov.vn”.

Mọi thông tin cơ bản liên quan đến vụ án hành chính đều được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của TAND TP Hà Nội.

Thậm chí, ngay cả việc chậm thụ lý, giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của thẩm phán hoặc cán bộ tòa án cũng được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Tòa án Hà Nội… 

Bởi việc công khai, minh bạch này không chỉ giúp người dân theo dõi, giám sát được nội dung cũng như tiến trình giải quyết các vụ án hành chính mà còn tiết giảm được rất nhiều thời gian vật chất của người khởi kiện, người bị kiện và người liên quan.

Các chứng cứ, tài liệu của các bên nhờ thế mà cũng được cung cấp nhanh chóng, kịp thời hơn. Đặc biệt, công khai, minh bạch về các vụ án hành chính còn khiến người dân tin tưởng vào công lý và tòa án.

PV: Lâu nay, nhiều người dân vẫn có suy nghĩ là cung cách, lề lối làm việc ở không ít cơ quan nhà nước chưa có được sự chuẩn mực cần thiết. Với cán bộ, thẩm pháp ở TAND TP Hà Nội vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Giải quyết các vụ án hành chính phải căn cứ vào pháp luật và phải dựa vào quy chế của ngành tòa án. Và một trong những nguyên tắc cơ bản (quy định tại Điều 17- Luật Tố tụng Hành chính năm 2015) là mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án cũng không phân biệt địa vị xã hội, tôn giáo, giai cấp hay dân tộc… Vì thế sẽ không có chuyện bất bình đẳng hay phân biệt đối xử ở cơ quan xét xử. Trái lại, tòa án luôn tạo mọi điều kiện cho tất cả mọi người, các bên được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Vấn đề còn lại là cần chú ý, xem xét đến thái độ tiếp công dân của cán bộ, công chức. Theo đó, Tòa án Hà Nội luôn quán triệt và giáo dục văn hóa, tư tưởng cho mỗi cán bộ, công chức của mình. Trên cơ sở ấy, mỗi cán bộ, công chức của Tòa án Hà Nội đều phải giữ vững phẩm chất, đạo đức với tinh thần là công bộc của dân.

Trường hợp mắc lỗi hoặc có thiếu sót với dân trong quá trình giải quyết đơn thư, khiếu nại hay bất cứ việc gì thì cán bộ, công chức của Tòa án Hà Nội cần thiết phải xin lỗi kịp thời bằng một thái độ cầu thị và không ngừng học hỏi.

Hiện nay, do khối lượng công việc rất lớn nên Tòa án Hà Nội còn khuyến khích cán bộ, công chức đi làm ngoài giờ vào các ngày thứ bảy hàng tuần để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án. Cùng với đó là khuyến khích, yêu cầu những người tham gia tố tụng phải tuân thủ luật pháp và hợp tác để giải quyết vụ án.

PV: Thực tiễn cho thấy, UBND các cấp luôn đóng vai trò là đầu mối quan trọng về chứng cứ, tài liệu trong giải quyết vụ án hành chính. Theo ông, để thực hiện tốt chức năng này thì UBND các cấp cần phải làm gì?

Ông Nguyễn Quốc Hội: Theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính thì sau khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện, đồng thời ra thông báo cho các bên thì người khởi kiện, người bị kiện và người liên quan phải chủ động cung cấp, giao nộp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án cho tòa án.

Thế nhưng như đã đề cập ở trên, phương châm làm việc của Tòa án Hà Nội hiện nay là “gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân” nên thay vì ngồi chờ thì cán bộ tòa án lại tìm đến tận nơi cư trú của người khởi kiện và UBND (người bị kiện) để thu thập chứng cứ, tài liệu.

Khi đó, Tòa án Hà Nội sẽ thông báo cho người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND để bố trí đầu mối cung cấp tài liệu, chứng cứ với yêu cầu đặt ra là rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ kết quả. Và đầu mối thường là văn phòng của UBND.

Hiện nay, theo chúng tôi nhận thấy đại đa số người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND đều đã tích cực phối hợp, tham gia giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc cử người đại diện khi đối thoại và người tham gia tố tụng vẫn còn chậm.   

Ở giai đoạn kế tiếp là khi phiên tòa mở ra, không ít người được ủy quyền tham gia tố tụng lại có đơn xin vắng mặt, dẫn đến chất lượng cũng như kết quả giải quyết một số vụ án hành chính chưa được như mong muốn. Vì thế, các cơ quan có thẩm quyền (theo ngành dọc) cần chỉ đạo ban, ngành của mình phải quan tâm hơn nữa trong giải quyết án hành chính.

Có như vậy thì chúng ta mới xây dựng được Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; mới có được sự công bằng, dân chủ, văn minh và trật tự trị an trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được giữ vững.   

PV: Xin cảm ơn ông về những thông tin, chia sẻ này!