Doanh nghiệp công bố thực phẩm như "thần dược", phát hiện ra thì người dùng đã… lĩnh đủ

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cảnh báo, nếu cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng thực phẩm với các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, khi kiểm tra phát hiện có vấn đề thì sản phẩm đó cũng đã… được sử dụng hết rồi.

Cơ quan chức năng kiểm tra ATTP với mặt hàng thực phẩm bao gói sẵn

Trước những ý kiến, đề xuất liên tục từ một số Hiệp hội doanh nghiệp về việc nên bỏ quy định công bố chất lượng sản phẩm với thực phẩm bao gói sẵn trong quá trình sửa đổi Nghị định 38 của Chính phủ, chiều 19-9, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào quy định này.

Qua góp ý, đa số ý kiến từ cả hiệp hội các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, cấp phép về an toàn thực phẩm (ATTP) đều nhất trí cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, trong đó có thể cho phép doanh nghiệp được tự công bố chất lượng thực phẩm với những mặt hàng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu để cho doanh nghiệp được tự công bố chất lượng các thực phẩm do mình sản xuất ra, xét cả về mặt tâm lý lẫn lợi ích thì doanh nghiệp nào cũng muốn công bố sản phẩm của mình tốt nhất, thậm chí sẵn sàng “hô biến” sản phẩm của mình như “thần dược”. Từ đó, nếu không được phát hiện kịp thời, có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Trước thực trạng này, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, Ban soạn thảo dự thảo Nghị định 38 sửa đổi đề xuất sẽ chia nhóm sản phẩm. Trong đó, với nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn gồm dụng cụ, vật liệu bao gói thì doanh nghiệp được tự công bố chất lượng.

Còn với nhóm thực phẩm cần kiểm soát chặt gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và thực phẩm được nhà sản xuất quảng bá là có tác dụng với sức khỏe cần phải công bố chất lượng với cơ quan chức năng.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, Bộ Y tế nhất trí việc tất cả sản phẩm thực phẩm thông thường đã qua chế biến, rủi ro ít, có quy chuẩn hay chưa có quy chuẩn thì doanh nghiệp sẽ tự công bố hợp quy. Còn những sản phẩm có nguy cơ cao như thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, sản phẩm có tác dụng với sức khỏe cần phải được kiểm soát.

Theo ông Cường, doanh nghiệp luôn muốn được công bố chất lượng sản phẩm dễ dàng hơn, cả cơ quan chức năng cũng vậy, nhưng quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

“Vì thế, vẫn phải đảm bảo chặt chẽ trong quản lý, tránh tình trạng doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm với thực phẩm do mình sản xuất nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, phát hiện được thực phẩm đó có vấn đề thì sản phẩm đã “chui vào bụng” người dân, nhất là trong điều kiện Việt Nam lực lượng thanh tra để hậu kiểm còn hạn chế” - Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, cơ quan quản lý sẽ bổ sung một số trường hợp được miễn kiểm tra ATTP trong dự thảo Nghị định 38 sửa đổi. Cụ thể, đối với doanh nghiệp có 3 lần kiểm tra ATTP liên tiếp đều đảm bảo, đạt chất lượng, thì sẽ không phải kiểm tra lần thứ tư.