Dịch bệnh "vào mùa" diễn biến phức tạp, khó lường

ANTD.VN - Thông thường vào thời điểm này hàng năm, các dịch bệnh mùa đông xuân như sởi, cúm mùa sẽ giảm số người mắc, còn các dịch bệnh như sốt xuất huyết (SXH), viêm não… bắt đầu “vào mùa”, song diễn biến dịch bệnh năm nay đang khá phức tạp.

Mấy tuần gần đây, số bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tăng nhanh, ngược lại số mắc SXH tuy giảm mạnh nhưng nguy cơ bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi đó, sau một thời gian khá dài “yên ả” thì mới đây đã có bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1…

Dịch bệnh "vào mùa" diễn biến phức tạp, khó lường ảnh 1Hà Nội phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử khuẩn phòng dịch sốt xuất huyết 

Dịch sởi, cúm mùa tăng vọt

Đánh giá về tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện nay, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, diễn biến các dịch bệnh đều chưa có gì bất thường, vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế mà được phép chủ quan bởi biểu đồ dịch bệnh có sự chuyển dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến khó lường. Đơn cử như bệnh sởi, hiện số mắc trên cả nước trong hơn 5 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với số mắc của cả năm 2017 (647 ca so với 300 ca), Hà Nội lại là một trong hai địa phương ghi nhận số mắc sởi cao nhất. 

Đáng chú ý là, thông thường mọi năm, bệnh sởi thường ghi nhận nhiều vào thời điểm đông xuân sau đó giảm dần, thế nhưng năm nay, nếu như trong tháng 4 và đầu tháng 5 trên địa bàn Hà Nội chỉ ghi nhận trung bình 2-6 ca bệnh sởi/tuần thì trong tuần cuối tháng 5 và đầu tháng 6 lại ghi nhận số mắc tăng vọt, trung bình từ 10-18 ca sởi/tuần. Cao điểm từ ngày 4 đến 10-6, toàn thành phố ghi nhận tới 33 trường hợp sốt phát ban, trong đó có 20 trường hợp dương tính với sởi. Lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã có 275 trường hợp mắc sốt phát ban, trong đó có 148 trường hợp mắc sởi, tăng 2,5 lần so với tổng số mắc trong cả năm 2017 và chiếm tới 42% số ca mắc trên cả nước.

Một diễn biến đáng lo ngại nữa là có tới 1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua mới dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đến độ tuổi được tiêm chủng vaccine phòng sởi. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, là do bà mẹ không tiêm chủng vaccine sởi trước khi mang thai nên không có miễn dịch với bệnh sởi và không truyền miễn dịch sang cho con. Cũng vì thế, Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay) và dự kiến sẽ chính thức triển khai ngay từ quý IV năm 2018. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1-4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi. 

Hiện số mắc sởi trên cả nước trong hơn 5 tháng đầu năm nay đã tăng gấp đôi so với số mắc của cả năm 2017 (647 ca so với 300 ca), Hà Nội lại là một trong hai địa phương ghi nhận số mắc sởi cao nhất. 

Tương tự như dịch sởi, dịch cúm A/H1N1 từng được gọi là cúm đại dịch nhưng vài năm gần đây đã trở thành cúm lưu hành như một loại cúm mùa thông thường tại Việt Nam. Tuy nhiên vừa qua, tại TP.HCM đã bất ngờ ghi nhận một ổ dịch cúm khiến gần 20 người mắc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp đến, đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 1 bệnh nhân khác rơi vào trạng thái nguy kịch do mắc bệnh này, khiến người dân không khỏi lo lắng. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng vẫn ghi nhận rải rác ca bệnh. Đáng chú ý, kết quả giám sát viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực miền Bắc gần 3 tháng đầu năm 2018 do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện cho thấy 34% mẫu dương tính với virus cúm mùa, trong đó chủ yếu là cúm A/H1N1, tiếp đến là cúm B và A/H3N2.

Trước diễn biến có phần bất thường của cúm A/H1N1, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao và biến chứng nặng gồm: trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mãn tính. Do vậy, các đối tượng này cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cúm đã được khuyến cáo như: chủ động tiêm vaccine phòng cúm, thường xuyên vệ sinh cá nhân, nơi ở, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp. Nếu có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

Dịch bệnh "vào mùa" diễn biến phức tạp, khó lường ảnh 2Một trẻ bị viêm não Nhật Bản nặng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Viêm não “vào mùa”, sốt xuất huyết vẫn đe dọa bùng phát 

Ở tuần đầu tiên của tháng 6 này, tại Hà Nội đã ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2018, là một bé gái 10 tuổi, ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 5 đến nay đã có khá nhiều bệnh nhân mắc viêm màng não, viêm não Nhật Bản vào điều trị. Có thời điểm tại Khoa Hồi sức, Truyền nhiễm của bệnh viện này có tới trên 30 ca viêm não nằm nội trú, một số trẻ mắc bệnh nặng, phải thở máy. Điểm chung của các bệnh nhi này là đa phần chưa được tiêm  vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi. Theo ThS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não. 

Riêng với viêm não Nhật Bản thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Ngoài ra, di chứng thần kinh sau khi mắc viêm não Nhật Bản như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện đưa trẻ đi tiêm đầy đủ 3 mũi tiêm theo khuyến cáo (mũi 1 khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm 1 năm sau khi tiêm mũi 2). Đồng thời, cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn tránh muỗi đốt; khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh Trung ương, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Với bệnh SXH, so với cùng thời điểm này năm trước, hiện số bệnh nhân được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh tới 90%. Tuy nhiên, với thời tiết đặc trưng mùa hè là nắng nóng kèm theo mưa nhiều, nhất là khi miền Bắc bước vào mùa mưa trong thời gian tới đây, nguy cơ bùng phát dịch SXH được dự báo rất khó lường. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi trọng điểm về SXH ở khu vực miền Bắc với trung bình từ 3.000 - 5.000 trường hợp mắc được ghi nhận hàng năm. Hiện tuy số mắc SXH ở mức thấp song các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng - là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ. Thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. 

1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua dưới 9 tháng tuổi

“1/3 số trẻ mắc sởi thời gian qua mới dưới 9 tháng tuổi, tức là chưa đến độ tuổi được tiêm chủng vaccine phòng sởi. Nguyên nhân của tình trạng này, là do bà mẹ không tiêm chủng vaccine sởi trước khi mang thai nên không có miễn dịch với bệnh sởi và không truyền miễn dịch sang cho con. Cũng vì thế, Bộ Y tế đã chỉ đạo nghiên cứu việc hạ độ tuổi tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 tháng tuổi (thay vì 9 tháng tuổi như hiện nay) và dự kiến sẽ chính thức triển khai ngay từ quý IV năm 2018. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1-4 tuổi tại 17 tỉnh có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi”. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Sốt xuất huyết có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng

“Hà Nội là nơi trọng điểm về sốt xuất huyết ở khu vực miền Bắc với trung bình từ 3.000-5.000 trường hợp mắc được ghi nhận hàng năm. Hiện tuy số mắc sốt xuất huyết ở mức thấp song các yếu tố nguy cơ để phát sinh, phát triển thành dịch vẫn luôn hiện hữu. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng - là nơi muỗi đẻ trứng, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ. Thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều lại là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời”.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội)

Tiêm chủng đầy đủ với những bệnh đã có vaccine phòng chống

“Với những dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa hè như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết…, để phòng bệnh, các địa phương và mỗi người dân cần tích cực triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, như diệt muỗi, bọ gậy, ngủ màn. Với những bệnh đã có vaccine phòng bệnh, người dân cần tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, người dân cần chủ động cho trẻ đi tiêm chủng khi đến tuổi, không nên chờ đến khi có dịch mới tiêm sẽ không đạt hiệu quả cao trong phòng bệnh”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội)

Tiêm chủng kịp thời để tránh tử vong và di chứng do mắc viêm não Nhật Bản

“Viêm não Nhật Bản thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25 đến 35%). Ngoài ra, di chứng thần kinh sau khi mắc viêm não Nhật Bản như giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Các bậc phụ huynh nên lưu ý thực hiện đưa trẻ đi tiêm đầy đủ 3 mũi tiêm theo khuyến cáo (mũi 1 khi trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3 tiêm 1 năm sau khi tiêm mũi 2). Đồng thời, cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn tránh muỗi đốt; khi trẻ sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương)