Đề phòng những bệnh nguy hiểm cho trẻ khi trời lạnh

ANTD.VN - Khi trời lạnh, độ ẩm trong không khí và nhiệt độ thấp khiến cho các loại vi khuẩn, virus trong cơ thể bùng phát, nhất là những tác nhân gây bệnh ở đường hô hấp. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ nhiễm bệnh vì sức đề kháng rất kém do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và trẻ chưa ý thức được khả năng tự phòng bệnh. 

Đề phòng những bệnh nguy hiểm cho trẻ khi trời lạnh ảnh 1

Bệnh hô hấp

Bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên chiếm tỷ lệ cao nhất với các bệnh phổ biến như cúm ở trẻ em, viêm mũi, viêm họng cấp, viêm VA, viêm amiđan cấp... Với trẻ đã có tiền căn mắc hen phế quản (suyễn), mùa lạnh bệnh càng dễ tái phát và trở nên nghiêm trọng. Đặc biệt, những trẻ đã có sẵn các bệnh mạn tính thường bị mắc bệnh nặng hơn và dễ bị những biến chứng nặng nề hơn so với những trẻ bình thường khác. 

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa lạnh. Đây là bệnh lý hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra, bệnh rất dễ lây lan. Mùa lạnh đặc biệt là trẻ em dễ bị viêm phổi. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể dẫn tới tử vong. Để phòng bệnh viêm phổi, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất trong những ngày chuyển mùa, nhất là trẻ em. 

Viêm mũi ở trẻ xuất hiện sau khi trẻ bị nhiễm lạnh khiến trẻ khó chịu, nghẹt mũi và khó thở. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 – 8 tuổi. Đây là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi, vì khả năng miễn dịch ở trẻ còn kém nên rất dễ bị bệnh.

Bệnh đường tiêu hóa

Thời tiết với khí hậu lạnh ẩm, trẻ cũng rất dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa, thường gặp nhất là tiêu chảy. Bệnh có thể là tiêu chảy thông thường (trẻ đi tiêu phân lỏng hoặc phân sệt 1-2 lần so với ngày thường) và cũng có thể là tiêu chảy cấp (trẻ đi tiêu phân lỏng toàn nước trên 3 lần trong vòng 24 giờ). Tiêu chảy virus là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa lạnh. Bệnh do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3-7 ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 3-24 tháng.

Bệnh ngoài da

Vào mùa lạnh, khí hậu lạnh ẩm và khô làm một số bệnh về da của trẻ cũng dễ xuất hiện, tái phát nhiều lần như bệnh chàm (còn gọi là eczema), nổi mề đay... Đây là những căn bệnh gây ngứa ngáy, trẻ khó chịu hay quấy khóc và gãi chỗ ngứa rất nhiều làm chảy máu, dễ bị nhiễm trùng da. Sự sụt giảm nhiệt độ mùa lạnh và chênh lệch giữa ngày và đêm, giảm độ ẩm không khí còn gây các chứng khác như khô nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy…

Quai bị

Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Bệnh thường gặp ở trẻ em lứa tuổi 5 -14. Với những trường hợp quai bị do vi trùng, bé có biểu hiện sốt cao, ói mửa, nhức đầu hoặc bộ phận sinh dục sưng to thì cần phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không được điều trị sớm, bé có thể xảy ra một số biến chứng như viêm não - màng não, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng. 

Phòng bệnh cho trẻ

- Cho trẻ vui chơi nơi kín gió, chú ý môi trường thông thoáng đề phòng virus gây bệnh hô hấp phát triển. 

- Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ, nhất là ban đêm nếu cần đắp thêm chăn cho trẻ, nhưng không nên quấn quá chặt khiến trẻ khó thở. Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu... nhất là khi chở trẻ ngoài đường.

- Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường 

vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.