Công dân Việt Nam ra nước ngoài: Cần biết cách tự bảo vệ mình

ANTĐ - Cách đây ít ngày, thông tin về một nữ doanh nhân Việt Nam đột ngột tử vong tại Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân của sự việc này đang được cơ quan chức năng nước sở tại làm rõ, song không ít người bày tỏ băn khoăn, lo lắng về những thủ tục pháp lý liên quan khi có người thân rơi vào hoàn cảnh tương tự…

Công dân Việt Nam ra nước ngoài: Cần biết cách tự bảo vệ mình ảnh 1 Khi ra nước ngoài gặp đối tác làm ăn, đặc biệt là giải quyết nợ nần, công dân cần lựa chọn địa điểm và cách thức an toàn (Trong ảnh: Kiểm soát an ninh tại Bangkok, Thái Lan). Ảnh: Thuần Thư

Gặp đối tác: Nên chọn nơi an toàn

Thời gian gần đây, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đi công tác, thăm thân, du lịch… ngày càng tăng, trong đó có không ít người thường xuyên đi một mình. Để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, bà Nguyễn Minh Thúy - Giám đốc Công ty du lịch lữ hành S.P đưa ra lời khuyên, trong trường hợp buộc phải đi một mình ra nước ngoài, mỗi cá nhân cần biết cách tự bảo vệ mình, không nên mang theo vật dụng có giá trị và trang sức đắt tiền, thậm chí cả đồ nữ trang giả vì dễ thu hút sự chú ý của những đối tượng trộm cắp, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, cá nhân nên để lại lịch trình chi tiết, thông tin về chuyến bay cho người thân biết (tên, địa chỉ và số điện thoại của những nơi lưu trú).

Khi ra ngoài, hãy để ý quan sát và cảnh giác xung quanh. Nếu gặp đối tác làm ăn, đặc biệt là con nợ, công dân cần chọn nơi an toàn, ở khu vực trung tâm, nơi có đông người qua lại, để lại số điện thoại cho gia đình, bạn bè, đặc biệt phải đảm bảo điện thoại có đủ cước phí để thực hiện các cuộc gọi, không mất sóng, hết pin, đề phòng trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. 

Ở nước người, công dân luôn nhớ mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân cần thiết, giữ thái độ cởi mở và thân thiện với người xung quanh, không nên ra ngoài vào đêm khuya và ăn mặc quá khác biệt, tuyệt đối đề cao tinh thần cảnh giác. Những năm gần đây, do kinh tế ngày càng phát triển, nhiều doanh nhân Việt Nam đã ra nước ngoài đàm phán, ký hợp đồng hợp tác làm ăn. Qua sự việc đau lòng của nữ doanh nhân Việt tại Trung Quốc, mỗi người Việt nói chung và các doanh nhân nói riêng khi ra nước ngoài nên thận trọng, nếu có điều kiện nên có người bảo vệ đi cùng vừa thuận lợi cho công việc, vừa đảm bảo an toàn.

Tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại

Theo luật sư Kiều Hoài Nam - Đoàn Luật sư Hà Nội, gia đình nào có người thân tử vong khi đang ở nước ngoài có thể liên hệ ngay với Phòng Lãnh sự ngoài nước, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để được hướng dẫn, trợ giúp. Việc đăng ký khai tử thường được thực hiện bởi cơ quan hộ tịch nước ngoài nơi có người chết. Người nhà cần cung cấp giấy tờ của cá nhân mình và của người chết (như hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân) cho cơ quan đăng ký. Nếu muốn đưa thi hài hoặc di hài về Việt Nam an táng, cần chuẩn bị một số giấy tờ như Giấy chứng tử, Giấy chứng nhận kiểm dịch thi hài…

Thông thường, khi người Việt Nam tử vong ở nước ngoài, cơ quan chức năng nước đó sẽ có thông báo tới Bộ Ngoại giao để bộ này thông báo cho cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước đó. Cơ quan có thẩm quyền nước sở tại căn cứ trên quy định pháp luật của nước đó sẽ tiến hành lập biên bản khám hiện trường, biên bản giám định pháp y, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản về nguyên nhân tử vong, biên bản kiểm kê tài sản cá nhân, niêm phong tài sản… Sau đó, các cơ quan này sẽ hướng dẫn thân nhân đưa thi hài vào bảo quản tại phòng lạnh của bệnh viện trong thời gian chờ đợi phương án xử lý.

Sau khi có ý kiến chính thức (bằng văn bản, công hàm) của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài về việc xử lý thi hài, cơ quan chức năng phối hợp xem xét giải quyết trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và nguyện vọng của thân nhân, cơ quan đại diện ngoại giao của người nước ngoài tử vong.

Cũng theo luật sư Hoài Nam, liên quan đến trường hợp nữ doanh nhân Việt Nam đột tử tại Trung Quốc, theo Hiệp định Tương trợ về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc thì công dân của nước này được hưởng trên lãnh thổ của nước kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của nước đó. Cũng theo hiệp định này, mỗi bên có quyền yêu cầu bên kia điều tra, thu thập chứng cứ, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại và bị can, tiến hành giám định, khám nghiệm tư pháp và tiến hành các hành vi tố tụng khác có liên quan. Bên được yêu cầu thông báo bằng văn bản cho bên kia kết quả điều tra, thu thập chứng cứ cùng với những tài liệu đã thu thập được có tính chất chứng cứ.

Nếu toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của một bên xét thấy cần thiết phải lấy lời khai của người bị giam giữ trên lãnh thổ của bên kia với tư cách là người làm chứng, cơ quan có thẩm quyền sẽ thỏa thuận chuyển giao người đó sang lãnh thổ của bên yêu cầu với điều kiện người đó vẫn bị giam giữ và sẽ được trả lại ngay sau khi lấy xong lời khai. Trong biên bản thỏa thuận chuyển giao phải ghi rõ chi phí chuyển giao. Hai bên sẽ cung cấp cho nhau bản sao các bản án hình sự liên quan đến công dân của 2 nước.