Chuyện làm từ thiện của Ca sĩ Thái Thùy Linh

ANTD.VN -Ca sĩ từng nhận Giải thưởng tình nguyện Quốc gia 2013 – Thái Thùy Linh – đã kể với phóng viên An ninh Thủ đô rất dài và rất lâu về chuyện từ thiện, với rất nhiều những cảm xúc vui buồn, trăn trở và cả những nhìn nhận thẳng thắn…

Chuyện làm từ thiện của Ca sĩ Thái Thùy Linh ảnh 1

Ca sĩ Thái Thùy Linh trong 1 hoạt động từ thiện mang tên Chăn 

PV - Ý tưởng của Linh về việc khảo sát, lập bảng hỏi khi chuẩn bị làm từ thiện bắt nguồn như thế nào?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: - Lên miền núi cùng một đoàn báo chí, em vào một trường học, vào bếp ăn, vào chỗ ngủ của học sinh dân tộc. Lần đầu tiên em tiếp xúc gần với chúng nó như thế, em cảm thấy sốc vì chúng nó khổ sở quá.

Nhưng em không phải nhìn thấy thế, để rồi khi về thì kêu gọi ngay mọi người góp tiền mang lên. Mà về Hà Nội, em lên mạng tìm hiểu qua các từ khóa liên quan đến trẻ em miền núi, in ra một số dữ liệu. Sau đó, em lập một đội 4 người, cùng em quay trở lại đúng chỗ đó, ở 4 ngày 3 đêm, sang cả các điểm trường học khác, gặp rất nhiều thầy cô giáo, gặp rất nhiều học sinh. Em vào nhà học sinh để em tìm hiểu, thực sự thì bức tranh thực tế là thế nào?

Tại thời điểm năm 2011 khi đó, thì hằng tuần một học sinh đi học nội trú, bán trú ở trường, sẽ mang 5 cân củi, 2 cân gạo, một bó rau cộng thêm 10.000 đồng để mua thức ăn.

Em theo chân học sinh về nhà và cùng chúng đến trường. Sáng sớm, em ngồi “chầu hẫu” ở cổng trường, thấy nhấp nhô học sinh các nơi đổ về, lũ lượt đứa thì rau, đứa thì gạo, đứa thì củi, có đứa thì làm cả khúc cây to vác trên vai.

Một đứa con gái còm nhom, học cấp hai mà trông như đứa cấp một ở dưới này, bé tí như con Nếp nhà em bây giờ, gùi trên vai một đống củi rất to, vì còn phải gùi giúp cho cả em nó nữa. Đứa chị gùi một đống củi trên lưng, con em đeo túi gạo ở bên hông.

Mẹ chúng nó hôm trước không kiếm đâu ra 20.000 đồng, phải chạy sang hàng xóm vay. Lần đầu chứng kiến những cảnh như thế, em cám cảnh, nghĩ củi nặng với chúng quá, hay là chúng nó cần củi?

Cơm thì dở vô cùng. Một nồi cơm mà cơm không biết là màu gì, bởi vì mỗi nhà trồng một kiểu, gieo hạt một kiểu. Một cái nồi cơm ti tỉ các loại gạo trộn vào nhau, không thể nấu ngon được. Em nghĩ chúng nó sẽ cần gạo chăng? Hay là chúng nó cần 10 ngàn đồng đóng cho trường mua thức ăn, vì có đứa còn không đi học do nhà không có mười ngàn, và để cho mẹ nó không phải đi vay?

Cuối cùng thì kết quả trả lời thế nào?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Vâng, em lập bảng hỏi, phát cái bảng khảo sát đấy cho tất cả học sinh toàn trường. Nội dung là: “Nếu được, em muốn được hỗ trợ cái gì nhất?”. Chọn lựa 1 là áo ấm để mặc, 2 là gạo để đóng góp, 3 là củi, 4 là tiền, 5 là mỗi ngày được ăn một bữa cơm có thịt.

Với 5 chọn lựa như thế, thì 70 phần trăm học sinh chọn “cần quần áo ấm”. Cần áo quần chứ không phải cần tiền, cần củi, như mình nghĩ ban đầu.

Em hiểu rằng, muốn cho thì phải tìm hiểu, phải hỏi xem họ cần mình giúp gì?

Chương trình Áo ấm vì trẻ em dân tộc miền núi mang lại hiệu quả rất thiết thực

Linh nhận xét ra sao về việc tổ chức, điều phối hoạt động, hàng hóa từ thiện, cứu trợ hiện nay?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Đúng ra, việc tổ chức, điều phối, phải là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Chữ thập đỏ hay ban ngành, đoàn thể như là Trung tâm Tình nguyện Quốc gia chẳng hạn. Trước hết, chính họ phải là nơi thu thập thông tin. Làm một kênh tổng hợp, điều phối mất rất nhiều công sức, rất nhiều “chất xám” và nó phải thực tế, cụ thể, chứ không phải chỉ ngồi ở Hà Nội để hình dung. Đấy mới đúng là chức năng của họ - điều mà cả người đi trao tặng cần và người nhận cần. Thay vì việc họ đi cùng các đoàn từ thiện, trao tặng cho dân mấy cái thùng đựng nước.

Nhưng thực tế là đang không có cái nơi đầu mối đấy. Và ở ngoài này, thì ai có nhu cầu đi là cứ đi. Sau đó về, có cái ảnh tôi đang cầm gạo đưa cho một cụ già, ảnh đang cầm tiền đưa cho một em nhỏ, là phải có cái như thế cơ… Tất cả sau đó hỉ hả, về đều có ảnh check-in, ảnh đăng báo.

Linh thấy thực tế hoạt động cứu trợ diễn ra thế nào?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Có đoàn Chữ thập đỏ đến, họ mang vào 1.000 phần quà giống y chang nhau. Rồi theo danh sách, lấy ra 1.000 người để tặng. Mỗi phần quà họ tặng gồm một cái thùng nhựa to 50 lít dùng đựng nước, trong thùng có một màn tuyn, một thùng mỳ tôm, 5 cân gạo, chai nước mắm, 2 gói bột canh, bàn chải, khăn mặt… Tóm lại đều như nhau, “đồng phục” hết, họ phân phát cho 1.000 hộ dân.

Thế là có những nhà chỉ 1 người độc thân nhận 3 thùng bởi các đoàn khác nhau. Và đoàn nào cũng đều tự cho là quà của mình thiết thực nhất, vì nếu ngồi ở thành phố tính, thì bà con vùng lũ thể nào cũng cần những thùng nhựa để đựng nước, mỳ tôm ai chả cần, do xem trên TV, thấy có bà con còn ngồi trên nóc nhà tránh lũ, nên không nấu cơm thổi lửa được, gạo chắc ướt, nên mua mỳ tôm. Và phải có nước mắm, tí dầu…

Thực tế là rất nhiều đoàn không chịu thừa nhận - cả những đoàn và tổ chức của Nhà nước – rằng mình đã mang vào đó những đồ dùng không đúng nhu cầu hoặc chia không hợp lý. Không phải lúc nào, không phải ở đâu và không phải nhà ai cũng cần nồi cơm điện, không phải nhà ai cũng cần chăn, cũng cần tương cà mắm muối, mỳ…

Vì nhu cầu mỗi nhà là khác nhau, số lượng người trong một hộ là khác nhau, hoàn cảnh hiện tại rất khác nhau. Những người đi làm từ thiện cố gắng để đạt được cái mà họ cho là công bằng, họ cho rằng chia đều là công bằng. Nhưng đấy chỉ là cảm tính thôi.

Nếu không có khảo sát thực tế cùng tư duy, anh không thu nhập các loại thông tin, anh không phân tích và xử lý thông tin, để anh tặng đúng cái mà người ta cần từ sự hỗ trợ của anh, thì sẽ thành ra những câu chuyện dở khóc, dở cười và mãi mãi như thế.

Thế còn Linh, vào miền Trung đợt lũ năm ngoái, em rút ra điều gì?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Năm vừa rồi em đi vào miền Trung 2 chuyến, chính là mong muốn có thể đóng góp được một cách làm để giải quyết, tìm một cái lối ra cho hoạt động từ thiện.

Bọn em có mang vào đấy mấy nghìn cái bảng khảo sát. Câu hỏi là nhà anh chị ở trong diện ảnh hưởng lũ như thế nào? Lựa chọn 1 là ảnh hưởng nặng nề, 2 là tương đối, 3 là nhẹ. Tiếp theo, nếu được hỗ trợ, anh chị cần nhất là được hỗ trợ trước lũ, trong lũ, hay sau lũ. Cái đấy quan trọng, vì nếu được hỗ trợ trước lũ, nghĩa là họ có một số phương tiện để họ dự phòng. Ví dụ như là gỗ, hoặc phương tiện gì đấy, để cho người ta làm cái gác cao lên, để cho người ta cất các đồ thiết yếu lên đấy…

Phần đông mọi người đều đổ xô đi hỗ trợ trong và sau lũ, đặc biệt là trong lũ. Cứ thấy ti vi chiếu cụ già đang ngồi ở trên nóc nhà hay cành cây là “sốt sình sịch” lên. Nhưng họ đâu có nghĩ rằng, khi hôm nay anh nhìn thấy, ngay lập tức “khởi động” lòng từ bi, lời kêu gọi mà anh phân phát ra, huy động được bao nhiêu tiền, lại mua bao nhiêu đồ, thì khi anh vào đến nơi, người ta đã tụt xuống đất từ lâu rồi, người ta không còn ngồi trên mái nhà hay cành cây nữa, vì nước đã rút. Vậy thì lúc đấy, người ta lại cần là cần cứu trợ sau lũ. Và cần gì?

Như vậy, hoạt động từ thiện trước và sau lũ mới quan trọng?

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Em muốn nói rằng đầu tiên phải phòng, thứ đến mới là chống. Đương nhiên không thể nào phòng được 100%, nhưng sẽ chủ động và đỡ thiệt hại hơn rất nhiều. Quan điểm nữa, là trong lũ, thì lực lượng chính phải là quân đội và các lực lượng tương đương khác, bởi vì đấy là đi cứu người, trong tình thế nguy hiểm như chiến tranh, phải có chuyên môn, có phương tiện. Chứ không phải là những đoàn từ thiện.

Em còn có ý đồ xây dựng bản đồ từ thiện, bản đồ tình nguyện, sau khảo sát thực tế ở miền Trung. Rồi tình cờ phát hiện ra là trong nhóm Cơm có thịt cũng có người có ý tưởng đấy. Em đến gặp nhóm anh Trần Đăng Tuấn, lắp ghép vào với nhau, thì anh Tuấn thấy là vẫn còn thiếu, tóm lại là phải học hỏi lẫn nhau, định mời cả MC Phan Anh nữa. Nhưng cuối cùng thì ai cũng rất bận. Và trong nhóm của anh Tuấn, thì họ đi theo hẳn, có nguồn lực để đi theo đuổi cái dự án đấy. Em rất mong họ thành công.

Cảm ơn Thái Thùy Linh về cuộc trò chuyện !