Chú trọng phương châm "phòng hỏa hơn cứu hỏa"

ANTD.VN -Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 phụ trách quận Ba Đình, Đống Đa thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội chia sẻ: “ Lâu nay, nhiều người dân có suy nghĩ là khi có sự cố cháy, nổ, cứ gọi điện thoại báo tin là mất tiền. Suy nghĩ này đã dẫn đến việc... không dám gọi khi cháy nhỏ, để ngọn lửa nhanh chóng bùng phát lớn”.

Nhiều sự cố hỏa hoạn bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức phòng ngừa trong sinh hoạt của người dân.

Chữa cháy không mất tiền

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, để người dân hiểu biết hơn, nâng cao ý thức về công tác PCCC, đơn vị đã chủ động xây dựng các biện pháp tuyên truyền thật đa dạng, sinh động, trong đó ngoài việc tập huấn, còn phát tờ rơi, căng pano, khẩu hiệu “chữa cháy không mất tiền” để bà con hiểu rõ.

“PCCC không chỉ là việc của riêng lực lượng cứu hỏa, mà của mỗi người dân. Điều quan trọng là khi xảy ra sự cố cháy, công dân phải kịp thời thông báo đến lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp để có thể triển khai phương án dập lửa hiệu quả. Việc gọi điện, báo tin để lực lượng cứu hỏa đến làm nhiệm vụ không phải trả tiền”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.

Lực lượng Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân cách sử dụng bình cứu hỏa

Thời gian qua, nhằm nâng cao ý thức PCCC cho người dân, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã mở nhiều lớp tuyên truyền đến 35 địa bàn phường trên 2 quận Ba Đình, Đống Đa. Những buổi về cơ sở ấy, các tổ tuyên truyền luôn mang theo những dụng cụ trực quan như bếp, bình ga, thiết bị điện để làm đạo cụ thực hành.

Công tác tuyên truyền được xây dựng theo chủ đề, theo nhóm. Như chủ đề phòng ngừa hỏa hoạn khu vực bếp núc, phải đảm bảo nguyên tắc nấu bếp luôn có người trông coi, vừa tránh nguy cơ hỏng món ăn, vừa phòng cháy bất chợt.  

Hay khuyến cáo đối với các gia đình, cơ quan, tập thể, phải có kế hoạch xúc, xả bình nóng lạnh định kỳ hàng năm, vừa đảm bảo bền, vừa không mất an toàn cháy, nổ. Với mỗi cảnh báo, cán bộ tuyên truyền đều dẫn chứng những vụ cháy cụ thể và thiệt hại kèm theo, để mọi người thẩm thấu kiến thức.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, ở tổ dân phố số 13, phường Thổ Quan cho biết: “Ngay sau buổi tuyên truyền, tôi sẽ chia sẻ những kiến thức vừa được biết cho các hộ gia đình và khu dân cư. Đặc biệt, sẽ tuyên truyền cho người dân ghi nhớ tình huống khi xảy ra cháy, lập tức gọi ngay số 114".

Trách nhiệm của mỗi người dân

Ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình nhìn nhận: “Với đặc thù địa hình nội thành khá nhỏ hẹp, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp rất khó tiếp cận kịp thời, nên việc tuyên truyền PCCC đến cán bộ cơ sở và người dân là rất thiết thực. Biện pháp tuyên truyền bằng cẩm nang song song với dụng cụ trực quan giúp nâng cao kiến thức cho cán bộ cơ sở, từ đó lan tỏa đến từng người dân”.

Phòng Cảnh sát PCCC số 2 tuyên truyền an toàn PCCC cho người dân

Theo thống kê của Cơ quan CS PCCC thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra hàng chục vụ cháy bắt nguồn từ sơ suất trong sinh hoạt của người dân. Để kéo giảm tỷ lệ cháy, nổ, lực lượng Phòng CS PCCC đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó lấy tuyên truyền làm nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, để người dân ý thức được đảm bảo an toàn PCCC là trách nhiệm của chính mình. Ý thức càng cao, nguy cơ sẽ càng được đẩy lùi.