Chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Không thể hòa giải là xong

ANTD.VN - Nghi can vụ dâm ô với trẻ em ở quận Hoàng Mai đã bị bắt, sự phẫn uất trong dư luận tạm thời lắng xuống. Song điều mà nhiều người quan tâm vẫn là làm thế nào để bảo vệ con em mình trước những nguy cơ thường trực bên ngoài.  

Tại buổi tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng” do Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực giới GBVNet tổ chức vừa diễn ra, nhiều người nghẹn ngào trước nước mắt của anh V. một người bố trẻ có con gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục (XHTD). Anh ôm mặt, khóc lặng rất lâu trước khi có thể cất lời chia sẻ, cuối năm 2015, khi con anh sang chơi nhà hàng xóm thì bị gã hàng xóm đồi bại có các hành vi xâm hại.

Khi nghe con gái kể lại bị “ông” sờ soạng, gia đình anh đã sang gặp hàng xóm để đối chất, gã đó đã nhận tội, cũng tự tay ghi tường trình sự việc. Nhưng khi anh đề nghị gã đó sang xin lỗi gia đình thì hắn không thực hiện. Gia đình uất ức đưa con đi trình báo, con gái anh đã được công an đưa đi giám định thương tích. Kết luận giám định cho thấy, con gái anh có các dấu hiệu bị dâm ô, bộ phận sinh dục bị trầy xước. 

Pháp luật quy định không được hòa giải

Có nhiều vụ XHTD chưa thể xử lý nhanh vì các cơ quan điều tra đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân. Nhưng các vụ XHTD nhiều khi bị phát hiện muộn, chứng cứ còn rất ít, hoặc không còn.

Từ năm 2011-2016: trong số 322 trường hợp bạo lực tình dục được đưa tin, có tới 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, thậm chí có những bé chỉ mới 2 tuổi và 60% nạn nhân ở độ tuổi 11-25.

Hiện nay, có nhiều vụ XHTD sau khi kẻ ác đã nhận tội thì gia đình nạn nhân và gia đình kẻ gây án cùng tiến hành hòa giải, đền tiền.

Trong khi đó, quy định của pháp luật không được hòa giải với các vụ việc xâm hại. Cho dù gia đình nạn nhân có đồng ý hòa giải thì luật pháp vẫn phải bắt giam kẻ phạm tội và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các vụ XHTD cũng không chờ vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân. Chỉ cần có người phát hiện và thông báo với công an là cơ quan điều tra phải vào cuộc và làm rõ vụ việc, trừng phạt đúng người đúng tội. 

Lên tiếng để tố cáo tội ác 

Theo TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội ISDS còn cho biết, định kiến đổ lỗi cho nạn nhân đã khiến nhiều nạn nhân bị XHTD và gia đình họ phải âm thầm nuốt nước mắt không dám tố cáo. Có không ít bé gái đã phải tự tử vì không chịu nổi gièm pha, uất ức. 

Bà Lê Thị Thảo - nhân viên tư vấn, Trưởng ca (Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567) đã nhiều lần nhận được những cuộc gọi xin trợ giúp từ những nạn nhân bị XHTD và gia đình họ. Có những cuộc sự can thiệp còn kịp, nhưng có những cuộc chỉ để lại sự ám ảnh không nguôi cho bà. 

Bà Thảo kể, gần đây có một cuộc gọi lúc nửa đêm của người phụ nữ trung tuổi (ở Cà Mau) cho biết, con gái 15 tuổi của chị đã bị cưỡng hiếp nhiều lần bởi hàng xóm. Vì cháu không dám tố cáo nên khi phát hiện ra và báo công an thì chỉ có dấu hiệu màng trinh bị rách nhưng không còn chứng cứ ADN của kẻ xâm hại nên CQĐT không làm gì được. 

Gia đình đeo đuổi vụ kiện, cố gắng giành công lý cho con nhưng mãi không có kết quả, kẻ ác vẫn nhởn nhơ, chế giễu con chị. Đau khổ, uất ức lại chịu nhiều sự gièm pha của hàng xóm, bạn bè, con chị đã tự tử, để lại một bức thư rằng nếu thủ phạm không bị trừng trị thì con chị chết cũng không nhắm mắt. Giờ đây chị quá suy sụp, cũng muốn chết theo con. 

“Nếu chúng ta không có các biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối với những kẻ XHTD trẻ em thì sẽ có thêm nhiều đứa trẻ bị tổn thương, thậm chí mất mạng”, bà Thảo chia sẻ. 

Ngày 17-3, 24 tổ chức xã hội làm về phòng ngừa bạo lực giới đã tập hợp được 27.552 chữ ký của người dân cùng kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng để Chính phủ có các giải pháp tích cực hơn phòng ngừa XHTD trẻ em.

Một trong những giải pháp mà các tổ chức kiến nghị là lập đường dây nóng quốc gia tố cáo về XHTD; dạy kỹ năng sống cho trẻ em trong và ngoài trường học để các em có kiến thức tự bảo vệ mình khỏi XHTD; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ XHTD trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo. Đồng thời chấm dứt cách xử lý theo kiểu hòa giải đối với các vụ XHTD trẻ em…

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường chống xâm hại trẻ em

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Gần đây một số tờ báo phản ánh tình hình trẻ em bị xâm hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây lo lắng cho các gia đình có trẻ em gái. Về               vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đề xuất, tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với trẻ em.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị xâm hại.