"Chiến binh năng lượng" 2 lần thoát chết để đưa điện tự chế tới 600 hộ gia đình

ANTD.VN - Không bằng cấp, không sách vở hay Internet, chỉ với tay nghề tự học cùng sự khéo léo, người nông dân Indonesia ấy đã tìm ra cách đưa điện đến 600 ngôi nhà trong ngôi làng hẻo lánh của mình. Ngay cả những người hàng xóm ban đầu cũng nghĩ giấc mơ của Rasid là điên rồ, nhưng đến nay, công ty điện quốc gia cũng muốn mua trạm thủy điện tự chế của anh. 

Rasid - người nông dân không bằng cấp đưa điện tự chế phục vụ dân làng

Rasid thoát chết cả thảy 2 lần. Tai nạn đầu tiên xảy ra tại guồng nước do chính anh lắp đặt. Anh bị mắc kẹt trong một chiếc bánh xe đang chuyển động nối với máy phát điện, sau đó phải nằm im một chỗ với cánh tay cùng xương sườn bị gãy. “Tôi thậm chí lúc đó còn không thể ăn được”, Rasid nhớ lại. Tai nạn thứ hai xảy ra tại trạm thủy điện nhỏ của anh. Rasid bị điện giật, sau đó gục trên bánh xe của hệ thống ròng rọc đang quay nhanh. Khi được tìm thấy, người anh đầy máu, bất tỉnh và thở dốc.

Những tai nạn chấn thương đó để lại vết tích trên cơ thể nhưng Rasid - người tự xưng là “chiến binh năng lượng” vẫn không hề sợ hãi. “Đây là một cuộc chiến. Cuộc chiến thì luôn có thách thức. Đó không phải là vấn đề”, anh tuyên bố.

Đối với dân làng, Rasid còn hơn cả một chiến binh. Người nông dân 48 tuổi đó đã giúp họ có ánh sáng ban đêm, có điện chạy tủ lạnh để giữ thực phẩm tươi sống và tivi để có thông tin và giải trí. Với người dân vùng này, thiết bị điện một thời là khái niệm xa vời. Nhưng kể từ năm 1994, các ngôi nhà của họ đã có điện nhờ trạm thủy điện mà công sức hàng đầu thuộc về Rasid. Thời gian đó, không ai giúp Rasid vì không ai tin rằng một nông dân sẽ biết cách tạo ra điện.

Khát vọng của cậu học sinh nghèo

Rasid sinh ra ở Audungbiru, ngôi làng ở sườn phía Tây của núi Argopuro, một ngọn núi lửa ở Đông Java. Argopuro không nổi tiếng như “hàng xóm” của nó, núi Bromo - một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới nhưng người dân địa phương yêu núi Argopuro vì nó có rất nhiều suối, thác nước và đất đai màu mỡ, giàu khoáng sản.

Từ khi còn nhỏ, Rasid đã sống quen trong cảnh nghèo khó, bình dị như bao người khác ở vùng thôn quê của mình. Lớn lên, anh thích đọc sách và đi học, mặc dù trường cách nhà 6km, mỗi ngày mất 2 tiếng đi bộ cho quãng đường tới lớp về nhà. Vấn đề rắc rối nhất với Rasid là ban đêm anh muốn làm bài tập ở nhà hoặc đọc sách. Anh thắp sáng bằng một chiếc đèn dầu, nhưng rất dễ mỏi mắt. Thêm điều bực bội nữa là chỉ cần gió thổi là đèn dầu tắt, không thể học được nữa. Chưa kể, dầu cho đèn cũng không rẻ chút nào. Đó là lý do trong giấc mơ con trẻ, Rasid muốn khắp làng và nhà mình có đèn điện. 

“Có người nói tôi kỳ quặc, điên rồ, làm điều vô nghĩa, ngay cả công việc  hay nhà tử tế còn chưa có, cứ nói chuyện đâu đâu. Nhưng nếu bỏ cuộc vì những điều mọi người nói về bạn, bạn còn ngốc hơn. Người ta càng chế giễu bạn, bạn sẽ càng có thêm động lực”.

Rasid (Người nông dân sáng chế trạm thủy điện ở vùng sâu vùng xa Indonesia)

Sau khi học xong tiểu học, Rasid được bố mẹ đăng ký vào trường dạy nghề ở Probolinggo, thành phố gần nhà nhất. Nghèo đói không phải là cái cớ để bỏ học. Vì thế, Rasid vừa học vừa làm những công việc lặt vặt để vượt qua khó khăn. Được học các nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật cơ khí, anh hy vọng sẽ thành lập một xưởng sản xuất xe đạp sau khi tốt nghiệp trung học. “Tôi đã luôn giúp bạn bè bằng cách sửa xe đạp cho họ. Tôi nghĩ đó là một kiến thức hữu ích”, Rasid nói.

Nhưng cuộc sống của một học sinh nghèo là cuộc đấu tranh thường nhật. Không có tiền ăn, chàng trai trẻ thường cảm thấy đói. Sau giờ học, anh đã làm thuê đủ thứ việc để có thu nhập, kể cả kéo xe. Tiếc là ở tuổi 19, sau một trận sốt phát ban, Rasid phải bỏ việc làm và việc học. Chưa tốt nghiệp trung học là điều đến giờ Rasid vẫn cảm thấy tiếc nuối. Thay vào đó, anh quay về và trở thành nông dân như bố mẹ mình, cùng trồng cà phê, ngô, chuối, gừng và ớt với thu nhập chưa đầy 350 USD/tháng.

Trạm thủy điện của Rasid hoàn thành năm 1994 và được mở rộng thêm thời gian gần đây

Vượt qua “nhiệm vụ bất khả thi”

Năm 1992, đúng ngày lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan, Rasid ghé thăm một người chú đang làm giám sát trồng rừng ở Jember, cách bờ biển phía Nam của Argopuro 50km. Rasid ngạc nhiên khi thấy rằng mặc dù khu vực đó cũng không trong diện phủ điện lưới quốc gia, giống như Andungbiru nhưng đồn điền lại có đèn đường chiếu sáng. Rasid tò mò và điều tra, hóa ra điện được tạo ra từ một trạm thủy điện cũ có từ thời kỳ thực dân Hà Lan.

Trong lịch sử, con người sử dụng guồng nước để dùng sức nước phục vụ nghiền hạt, xay thóc lúa. Tuy nhiên, năm 1878, người Anh đã lần đầu tiên sử dụng sức nước để thắp sáng bóng điện, đó là công trình thủy điện đầu tiên trên thế giới. Guồng nước của người Hà Lan mà Rasid nhìn thấy ở Jember được làm bằng kim loại, nó được thiết kế để nước đẩy lên trên đỉnh bánh xe thì tạo lực xoay. Rasid đã đo đạc kỹ càng, đặc biệt lưu ý phần thiết kế đai cùng hệ thống ròng rọc để truyền động lực đến máy phát điện. “Cái này đơn giản. Tôi có thể làm và phải làm cái này”, anh tự nhủ.

Trở về nhà, Rasid nói với gia đình. “Cha tôi không tin rằng tôi có thể làm điều đó, nhưng nói ông sẽ ủng hộ tôi”, Rasid nhớ lại. Tuy nhiên, chuyện đến tai hàng xóm thì Rasid bị gièm pha. Người ta nghi ngờ rằng liệu anh có thực sự làm ra điện được không. “Có người nói tôi kỳ quặc, điên rồ, làm điều vô nghĩa, ngay cả công việc  hay nhà tử tế còn chưa có, cứ nói chuyện đâu đâu”. Rasid chỉ biết âm thầm làm một mình. “Nhưng nếu bỏ cuộc vì những điều mọi người nói về bạn, bạn còn ngốc hơn. Người ta càng chế giễu bạn, bạn sẽ càng có thêm động lực”.

Trên phần đất nông trại của nhà Rasid có một dòng suối quanh năm nước chảy không ngừng, ngay cả trong mùa khô. Anh đã tìm thấy một vị trí hoàn hảo để xây guồng nước với độ dốc 3m. Để có tiền làm công trình này, người nông dân Rasid đã phải bán đi 2 con bò trong nhà rồi mua gỗ để cắt và lắp vào chiếc bánh xe nước. Anh thậm chí còn thay đổi thiết kế để áp lực nước dồn xuống đáy thay vì đỉnh bánh xe bởi cách này tạo ra nhiều năng lượng hơn. Rồi anh lấy chiếc máy phát điện cũ đã hỏng để sửa lại.

Tuy nhiên, phần khó nhất là thiết kế hệ thống đai và ròng rọc nối guồng nước với máy phát điện. Trong nhiều tháng, Rasid cứ mày mò ghép để hệ thống hoạt động đồng bộ, guồng quay phải mạnh thế nào mới đủ để tạo ra điện. Sau 2 nguyên mẫu thất bại, may mắn Rasid thành công ở lần thứ ba. Năm 1994, trạm điện đã hoàn thành và chạy thử. Lần đầu tiên, nhà anh có đèn điện chiếu sáng. Với trạm điện tự chế này, anh đã có thể cung cấp năng lượng sạch và tái tạo cho khoảng 75 hộ gia đình suốt ngày đêm và hiện đã tăng lên 600 hộ gia đình ở 4 làng xung quanh.

Giờ Audungbiru cũng đã có điện lưới quốc gia nhưng dân làng chọn điện của Rasid vì anh thu phí rẻ hơn. Công ty điện lực đã ngỏ ý mua lại công trình của Rasid nhưng anh từ chối vì muốn giúp các gia đình nghèo và muốn cho đầu óc mình còn phải tiếp tục làm việc.