Cảnh báo tình trạng bảo vệ trộm cắp tại các khu chung cư

ANTD.VN -Vừa qua, tại một chung cư cao cấp ở quận 2 TP.HCM đã xảy ra vụ việc nhân viên bảo vệ của chung cư này đã đột nhập vào 1 căn hộ của cư dân trộm cắp tài sản với tổng giá trị gần 1,5 tỷ đồng, khiến không ít người dân đang sinh sống trong các khu nhà cao tầng hoang mang, lo lắng.

 Khi lòng tham làm mờ mắt

Nhân viên bảo vệ có hành vi trộm cắp tài sản trong vụ việc trên được xác định là Lê Tấn Phát (26 tuổi, ở quận 9, TP.HCM). Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận làm bảo vệ tại chung cư, trong một lần phụ chuyển đồ cho người giúp việc nhà của nạn nhân đã nhìn và ghi nhớ mật khẩu căn hộ. Do vậy, khi biết chủ căn hộ rời khỏi chung cư, Phát bấm mật khẩu mở cửa, vào căn hộ của nạn nhân trộm cắp tài sản.

Sự việc trên đã khiến không ít người dân đang sinh sống tại các khu chung cư giật mình. Chị Trần Việt Nga ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, do trong khu nhà chị ở luôn có bảo vệ và hệ thống camera an ninh tại các tầng nên dù thường xuyên phải đi công tác chị vẫn rất yên tâm. Các thành viên trong gia đình chị đều coi bảo vệ chung cư như những người thân thiết, họ có thể ra vào trong nhà chị bất cứ khi nào, thậm chí trong những lần cả nhà về quê ăn Tết hay đi nghỉ lễ, chị Nga đều gửi chìa khóa nhà ở bảo vệ nhờ đến trông coi, thắp hương giúp.

Tại các khu chung cư luôn có bảo vệ túc trực (ảnh minh họa)

 “Với cư dân, bảo vệ chung cư là những người trông coi tài sản, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực nên hầu như không bao giờ có ý nghĩ phải đề phòng đối với những đối tượng này, cũng không khi nào kiểm tra lý lịch, giấy tờ tùy thân của họ. Nay nghe tin bảo vệ xem trộm mật khẩu, lẻn vào nhà dân trộm cắp tài sản mà tôi đâm lo, lỡ trong một giây phút nào đó họ nổi lòng tham thì người dân chẳng biết đường nào mà lường” – chị Nga thở dài.

Không chỉ ở chung cư mà bảo vệ tại một số cơ quan, trường học, nhà hàng cũng đã trở thành tội phạm trộm cắp tài sản. Cách đây không lâu, CSĐT Công an TP Vĩnh Yên đã khởi tố, tạm giam 10 bị can để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”. Cầm đầu đường dây là đối tượng Nguyễn Văn Sỹ, là bảo vệ của công trường thi công Công ty BH FLEX Vina, sau đó đã tự ý bỏ việc về quê. Do từng làm bảo vệ nên mọi ngõ ngách của công ty Sỹ đều thông thạo. Sỹ đã thông đồng với những đồng nghiệp cũ trộm cắp được hơn 1.000m dây cáp điện của công ty trị giá 500 triệu đồng.

Còn tại Hà Nội, CAQ quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Văn Tuấn (34 tuổi) trú ở phường Trung Phụng (Đống Đa, Hà Nội) là bảo vệ trường THCS Trương Định để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Tuấn khai nhận, trong thời gian làm bảo vệ tại trường đã nắm được hết mọi hoạt động cất giấu tài sản của nhà trường, phát hiện chiếc két sắt tại phòng tài vụ để số tiền lớn nên nảy sinh ý định trộm cắp.

Cảnh giác không thừa

Có thể nói, mục đích thuê bảo vệ của các đơn vị, cá nhân là thuê người đến để bảo vệ tài sản, giúp công việc làm ăn của họ thuận lợi hơn. Họ phải trao chìa khóa, cung cấp bảng vẽ mặt bằng hoặc tiết lộ giờ giấc đi về của mình và các thành viên trong công ty, gia đình cho bảo vệ. Do vậy, nếu người bảo vệ là kẻ gian chỉ chờ thời cơ để trộm cắp thì chẳng khác nào họ đã “gửi trứng cho ác”.

Thực tế cho thấy, việc các bảo vệ quay lại trộm cắp tài sản của chính người đã thuê mình không phải là hiếm. Trong khi đó việc tuyển bảo vệ tại các cơ quan, đơn vị lại qua loa, sơ sài nên đã tạo cơ hội cho kẻ gian trà trộn. Ngoài ra, chế độ lương thưởng cho bảo vệ thường khá thấp, trong khi công việc lại vất vả và nguy hiểm khiến nhiều người bị lòng tham làm mờ mắt.

Thời gian qua, ngoài siêu thị, các khu chung cư cao cấp hoặc văn phòng cho thuê cũng là mảnh đất màu mỡ của các bảo vệ bất lương. Sau một thời gian làm việc, nắm được thói quen sinh hoạt hoặc lịch làm việc của những cư dân trong khu nhà, các bảo vệ sẽ ra tay trộm cắp. Liên quan đến hành vi trộm cắp của bảo vệ tại chung cư, văn phòng, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng – nguyên Điều tra viên cao cấp CATP Hà Nội nhận định, do đối tượng phạm tội được bị hại tin tưởng vì được giao nhiệm vụ bảo vệ ANTT tại khu vực nhất định nên thường thiếu ý thức cảnh giác đối với các đối tượng này. Trong khi đó, bảo vệ lại có điều kiện tiếp xúc trực tiếp đối với tài sản của bị hại. Khi đối tượng nổi lòng tham sẽ tận dụng mọi cơ hội để chiếm đoạt tài sản.

Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, mỗi cá nhân cần nêu cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình, không nên để cho bảo vệ hay người khác thấy mình đang có vật quý, có ý thức bảo mật thông tin cá nhân, mật khẩu, mã khóa cửa. Nếu nhà có trẻ em, người già cần căn dặn không nên mở cửa cho bảo vệ vào nhà trừ những tình huống cấp thiết. Các đơn, vị cá nhân khi thuê bảo vệ cần lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có uy tín, bảo vệ được huấn luyện đầy đủ nghiệp vụ chuyên môn, có nhân thân tốt, không tiền án tiền sự, lý lịch rõ ràng. Đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần chọn lọc nhân viên, tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với họ. Khi xảy ra mất mát tài sản của khách hàng, nếu lỗi do nhân viên bảo vệ thì đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho bị hại...