Cần người "chèo lái"

ANTD.VN - Hàng chục năm nay, ngành nông nghiệp nước ta luôn tái diễn “điệp khúc” buồn “được mùa mất giá”, khủng hoảng thừa nhiều loại nông sản đến mức phải đổ đi, gần đây nhất là lợn, gà... nên phải kêu gọi cả nước “giải cứu”. 

Tình trạng sản xuất theo kiểu “ăn xổi” liệu có chấm dứt khi Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) vừa được thành lập với kỳ vọng tổ chức khâu kết nối sản xuất với thị trường một cách căn cơ, bền vững.

Mặc dù ngành nông nghiệp xuất khẩu đạt con số ấn tượng 32 tỷ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất trên 1 tỷ USD, song đang đứng trước những rào cản lớn khó vượt qua. Đó là nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với 10 triệu hộ nông dân. Đặc biệt, chuỗi giá trị chế biến nông sản, thực phẩm rời rạc, lỏng lẻo không gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường.

Người nông dân trồng cây hay nuôi con gì thường chạy theo phong trào tự phát, bất chấp nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Thị trường nông sản khu vực biến động khó lường, nông dân tù mù thông tin, cơ quan chức năng thì xao nhãng vai trò “chèo lái”, vì thế khi dưa hấu, chuối, thanh long ế thừa phải đổ bỏ, lợn hơi, gia cầm tụt giá thảm hại, hàng triệu hộ nông dân điêu đứng mới diễn ra hết cuộc “giải cứu” này đến cuộc khác. 

Ngay cả cuộc “giải cứu” người nuôi lợn với sự vào cuộc của một số bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, song hiện cả nước vẫn còn tồn đọng 1,5 triệu con lợn, tương đương 200.000 tấn lợn hơi. Mặc dù phía Trung Quốc đã chấp nhận cấp “visa” cho lợn Việt Nam nhập khẩu chính ngạch, không phải chui lủi qua đường tiểu ngạch, nhưng đàn lợn này phải “leo” qua hàng rào kỹ thuật với những đòi hỏi khắt khe vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Không chỉ riêng Trung Quốc, các nước nhập khẩu thịt lợn, gà, vịt của Việt Nam đều đòi hỏi nước ta phải có hệ thống nhà máy giết mổ công nghệ tiêu chuẩn quốc tế từ khâu mổ, pha lóc đến cấp đông, trữ đông và vận chuyển bằng xe lạnh. Trong khi đó, để có một nhà máy như thế phải đầu tư hàng triệu USD, phải có quỹ đất, quy hoạch bài bản. Như vậy, “giấc mơ” xuất khẩu thịt lợn, dù là sang thị trường dễ tính như Trung Quốc, sớm nhất cũng phải sau năm 2018, còn những thị trường khó tính khác vẫn còn xa vời.

Trong bối cảnh này, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản ra đời là tín hiệu vui cho hàng triệu nông dân cả nước. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp Việt Nam đoạn tuyệt kiểu “ăn xổi”, rất cần sự “bắt tay” chặt chẽ với các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, các hộ nông dân, trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của Bộ Công Thương xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.