Bị gà mổ vào đầu gối, vài ngày sau co cứng toàn thân, co giật liên hồi

ANTD.VN - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp bị co giật, co cứng toàn thân do nguyên nhân rất hy hữu: một người bị gà mổ vào đầu gối, một người bị lợn đạp xước chân.  
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho 2 trường hợp bị co giật, co cứng toàn thân do nguyên nhân rất hy hữu: một người bị gà mổ vào đầu gối, một người bị lợn đạp xước chân.

Chỉ cần một vết xước nhỏ ở đầu gối có thể gây uốn ván, nguy kịch

Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cả 2 bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại bệnh viện với chẩn đoán bị uốn ván rất nặng. Đây là 2 ca bệnh cực kỳ hy hữu bởi trước nay, đa số bệnh nhân uốn ván bắt nguồn từ các vết thương do tai nạn, lao động hoặc dẫm phải đinh, cành cây củi mục.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 48 tuổi (ở Hải Dương), nhập viện ngày 28-9 trong tình trạng hết sức nguy kịch, lập tức được cấp cứu bằng mở khí quản, thở máy và hồi sức tích cực.

Trước đó, bệnh nhân bị gà mổ vào đầu gối, vết thương rất nhỏ nên tự liền sau vài ngày. Tưởng đơn giản nên bệnh nhân cũng không để ý nhiều vết thương này, tuy nhiên sau đó bệnh bắt đầu thấy cứng hàm tăng dần, rồi co cứng toàn thân, có nhiều cơn co giật… nên được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Trường hợp còn lại cũng là một bệnh nhân nam (47 tuổi, ở Bắc Ninh). Anh này trong lúc chăm lợn bị một con lợn nhảy lên đạp vào chân gây xước da một vùng nhỏ. Vết thương nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo nên bệnh nhân cũng chủ quan.

Tuy nhiên, sau 10 ngày, anh bỗng dưng thấy cứng hàm, triệu chứng tiến triển tăng dần thành co cứng toàn thân, co giật liên hồi. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được cho thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao.

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh uốn ván, biện pháp tốt nhất là chủ động tiêm phòng, giá vaccine tiêm phòng uốn ván cũng khá rẻ. Khi bị vết thương hở trên cơ thể, người bệnh cần rửa sạch vết thương, lấy hết đất, cát, dằm, gỗ... găm vào vết thương, cắt phần dập nát. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cần dùng kháng sinh. Ngoài ra nên tiêm ngay huyết thanh chứa kháng thể uốn ván và vaccine phòng uốn ván.