Bệnh viện 19-8 Bộ Công an: Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị thoái hóa khớp

ANTD.VN - Sáng nay, 23-5, Bệnh viện 19-8 - Bộ Công an đã tổ chức hội thảo “Những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý thoái hóa khớp gối”, đồng thời phổ biến kiến thức về việc chẩn đoán, điều trị bệnh lý thường gặp này đến cán bộ trong hệ thống y tế thuộc lực lượng CAND.

Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an

TS Vũ Hoài Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an cho biết, thoái hóa khớp là bệnh tiến triển theo thời gian, tuổi tác nên nó ngày càng phổ biến do tuổi thọ bình quân của người dân nước ta đang ngày càng được nâng cao. Riêng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an trong vài năm gần đây đã điều trị tạo hình dây chằng chéo trước qua nội soi cho trên 2.000 bệnh nhân.

Hiện tại, điều trị thoái hóa khớp có hai hướng là điều trị nội khoa và ngoại khoa, trong đó ở nước ta trước nay với những người dưới 60 tuổi và trên 85 tuổi chủ yếu được chỉ định điều trị nội khoa.

Riêng với điều trị nội khoa, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất hiện nay, chúng ta đã có những phương pháp, loại thuốc tốt nhất như tiêm thuốc chống viêm giảm đau, tiêm chất nhầy vào khớp gối, hay dùng huyết tương dầu tiểu cầu (của chính cơ thể người bệnh) tiêm trực tiếp vào khớp gối để tái tạo lại sụn khớp…

Tùy từng giai đoạn tổn thương của khớp mà có phương pháp điều trị thích hợp, chẳng hạn tập vật lý trị liệu, thay đổi nếp sống sinh hoạt, giảm trọng lượng cơ thể. Nếu những phương pháp này vẫn không hiệu quả, các bác sĩ có thể dùng kỹ thuật nội soi dọn dẹp những sụn khớp bong, hỏng…, cuối cùng là phẫu thuật thay khớp.

TS Vũ Hoài Nam cho biết thêm, ở nước ta vẫn đang chủ yếu thực hiện thay khớp thoái hóa toàn bộ. Tuy nhiên với những tiến bộ kỹ thuật mới nhất hiện nay, các bác sĩ đã có thể thực hiện được việc thay khớp từng phần, tức phần nào tổn thương thì thay phần đó. Việc này vừa giảm được chi phí điều trị cho bệnh nhân, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị cao hơn.

Đặc biệt, nếu thay toàn phần thường chỉ định với các bệnh nhân từ 60 tuổi trở nên, tuy nhiên với kỹ thuật thay từng phần thì các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sớm cho những bác sĩ trẻ hơn, đem lại chất lượng sống cao hơn cho người bệnh, tránh tình trạng bệnh nhân phải chịu đựng nỗi đau để đợi tới khi khớp thoái hóa gần hết rồi mới được phẫu thuật.

Cũng theo bác sĩ Vũ Hoài Nam, thoái hóa khớp gặp ở nữ nhiều hơn nam giới, thường xuất hiện sau tuổi 35, đặc biệt với phụ nữ ở lứa tuổi mãn kinh. Sai lầm thường gặp nhất của người bệnh là nhiều người bị đau, đã thoái hóa khớp nhưng chịu đựng, không đi điều trị ngay, không được hướng dẫn tập luyện, vật lý trị liệu phù hợp.

“Nhiều người bệnh cứ nghĩ tập thể dục, chạy hay đi bộ càng nhiều càng tốt, gần đây còn có phong trào đi bộ “10.000 bước chân mỗi ngày” nhằm bảo vệ sức khỏe, nhưng quan niệm đó không hẳn chính xác. Với những người đã có thoái hóa khớp, nếu vận động không đúng cách, không đúng phương pháp, đi bộ quá sức thì càng có nguy cơ thoái hóa khớp nhanh hơn” -TS Vũ Hải Nam khuyến cáo.