Ăn quá nhiều cơm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường

ANTD.VN -Theo TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn quá nhiều cơm trắng sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn quá nhiều cơm trắng sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn quá nhiều cơm trắng sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

TS Nguyễn Văn Tiến chia sẻ thông tin về đái tháo đường tại hội thảo

Chiều nay, 7-12, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tổ chức Hội thảo “Phòng và Điều trị Bệnh lý Đái tháo đường type 2”. Phát biểu tại đây, TS Nguyễn Văn Tiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Melatec cho biết, nguyên nhân đái tháo đường gia tăng nhanh là do môi trường, lối sống.

Trong đó, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn nhiều cơm trắng. TS Nguyễn Văn Tiến phân tích, cơm trắng từ các loại gạo đã được xay xát kỹ là loại có chỉ số đường huyết cao. Sau khi ăn, chúng chuyển hóa rất nhanh trong cơ thể. Vì vậy, người ăn quá nhiều gạo trắng sẽ gia tăng nguy cơ mắc đái tháo đường.

Số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên, số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện nhiều biến chứng.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - nguyên Trưởng khoa Hóa sinh Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện có trên 70% số người bị tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường type 2 là 5-10%/ năm.

PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật nhấn mạnh, đái tháo đường type 2 là bệnh mạn tính có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống nhiều đạm, ít chất xơ, lười vận động,… Tỷ lệ gặp ở nam và nữ như nhau. Để tránh những biến chứng do bệnh lý này gây ra, người dân nên đi kiểm tra định kỳ để kiểm soát đường huyết, cũng như được bác sĩ tư vấn thuốc điều trị và chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Vị chuyên gia này khuyến cáo thêm, bí quyết để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh mạn tính nói chung rất đơn giản là: mỗi ngày ăn đủ nửa kilogram rau quả, đi bộ đủ nửa tiếng, ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày và tìm cách giảm stress.

Cũng tại hội thảo này, Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã tổ chức miễn phí xét nghiệm homocysteine - Dấu ấn sinh học của bệnh tim mạch, đột quỵ là biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên.