40% phụ nữ muốn tự tử vì trầm cảm sau sinh

ANTD.VN - Khi bị trầm cảm, có đến 40% phụ nữ muốn tự tử. Đau lòng hơn, tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

15% phụ nữ trầm cảm sau sinh

Chỉ cần  gõ cụm từ “trầm cảm sau sinh” trên Google, chỉ sau 0,67 giây, chúng ta đã có hơn 1,8 triệu kết quả. Điều đó đã phần nào phản ánh mức độ phổ biến của “căn bệnh” này trong đời sống hiện đại. Con số thống kê mới đây của Bệnh viện Tâm thần Mai Hương chỉ ra rằng: Có khoảng 15% phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng bởi trầm cảm. Tuy nhiên, các biểu hiện này thường không được để ý và chỉ phát hiện ra khi nó đã để lại những hậu quả đau lòng.

“Cách tốt nhất để phòng tránh trầm cảm là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và phải xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ. Có như vậy, sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn”.

Bà Nguyễn Thị Thu An,(Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số)

Thực tế, không ít những người vừa sinh xong bỗng dưng có hành vi tự làm đau mình hay thậm chí là tìm đến cái chết vì trầm cảm. Khoảng cuối năm ngoái, người dân xung quanh khu vực cầu Phù Đổng, Gia Lâm (Hà Nội) bàng hoàng khi chứng kiến một người phụ nữ 20 tuổi, mới sinh con được 1 tháng nhảy cầu tự tử. Những trường hợp như thế không phải là hiếm, thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là tại sao phụ nữ lại thường bị trầm cảm sau khi sinh?

Theo bà Nguyễn Thị Thu An, chuyên gia tư vấn tâm lý, thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (Estrogen, Progestrogen và hormone tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Bên cạnh đó, những khó khăn, căng thẳng xuất hiện trong quá trình chăm em bé sẽ khiến nhiều phụ nữ chán nản. Những trường hợp này, nếu gia đình vợ chồng bất hòa hay căng thẳng về kinh tế thì rất dễ dẫn đến trầm cảm.

Khó phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu

Theo bà Nguyễn Thị Thu An, khi mới bắt đầu phát bệnh, trầm cảm không có biểu hiện đặc trưng. Nhiều người nghĩ đó là  chỉ là biểu hiện tiêu cực trong cảm xúc và sẽ tự hết dần. Thế nhưng, thực tế là nếu không được điều trị, trầm cảm có thể kéo dài đến cả năm, đồng thời gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc. 

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không thể nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu. Theo đó, người bị trầm cảm thường cảm thấy đau ở một nào đó trên cơ thể dù thực tế không phải vậy. Rồi họ bắt đầu lo lắng, hoang mang, buồn chán... một cách vu vơ. Nhiều người còn luôn có ý nghĩ có ai đó đang chuẩn bị giết mình. Thậm chí, có người còn bị ám ảnh rằng: đứa con là một điềm báo xấu nên sẽ tìm cách giết hại con, rồi tự kết liễu cuộc đời mình sau đó. Đặc điểm chung của những người bị trầm cảm đó là họ thường xuyên bị mất ngủ. Điều này càng dẫn tới những căng thẳng thần kinh và khiến bệnh tình thêm nặng hơn.

Đừng bỏ mặc người phụ nữ sau sinh

Những người bị trầm cảm đa phần thần kinh yếu, dễ mất cân bằng cảm xúc. Khi đứng trước khó khăn, họ lại bị cô đơn, chỉ có một mình, thiếu người chia sẻ nên những cảm xúc tiêu cực càng có cơ hội bùng phát.

Cũng bởi lý do trên, bà Nguyễn Thị Thu An cho rằng, cách tốt nhất để phòng tránh căn bệnh này là trong thời gian mang thai và sau sinh, đừng nên để người phụ nữ phải cô đơn và phải xoay xở mọi việc một mình. Người chồng lúc này hãy san sẻ việc chăm con với vợ. Có như vậy, sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Với bản thân người phụ nữ, khi thấy mọi việc quá tải, không nên âm thầm chịu đựng mà cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người xung quanh.

Riêng với người nhà, nếu nhận thấy những cảm xúc, hành vi bất thường từ sản phụ, đừng thờ ơ mà cần thăm hỏi, động viên, thậm chí là đưa đến bác sĩ sĩ nếu thấy các biểu hiện không suy giảm. 

Trên thực tế, trầm cảm khi đã nặng sẽ vô cùng khó chữa. Nhiều người thậm chí còn từ chối chữa bệnh vì những hoang tưởng, ám ảnh vô lối. Thế nhưng, nếu được phát hiện sớm, nó sẽ được khắc phục nhanh chóng và người bệnh sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường. Thế nên, để phòng tránh trầm cảm hay những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra, chúng ta -  những người thân trong gia đình cần học cách quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Có như vậy, người phụ nữ mới không có cảm giác bị bỏ rơi - yếu tố hình thành nên những cảm xúc tiêu cực.