20 người chết vì mưa lũ, lại thêm áp thấp nhiệt đới tiến vào Biển Đông

ANTD.VN - Chiều 11-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay, một áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippines. Trong khi đó, tính đến 13 giờ ngày 11-10, đã có 20 người chết và 12 người mất tích do mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

20 người chết vì mưa lũ, lại thêm áp thấp nhiệt đới tiến vào Biển Đông ảnh 1Đường đi của áp thấp nhiệt đới

Hồi 13h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km.

Đến 13h ngày 12-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Ludong (Philippines) khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km và có khả năng mạnh thêm.

20 người chết, 12 người mất tích do mưa lũ

Chiều 11-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, báo cáo nhanh của các địa phương tính đến 13 giờ ngày 11-10, đã có 20 người chết (Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người, Sơn La: 5 người, Hòa Bình 4 người) và 12 người mất tích (Yên Bái: 4 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa 3 người; Sơn La: 3 người, Quảng Trị: 1 người).

Ngoài ra, có 5 người bị thương (Hòa Bình: 1 người; Thanh Hóa: 3 người, Sơn La: 1 người); 81 nhà bị sập: (Hòa Bình: 4 nhà; Sơn La: 64 nhà, Yên Bái: 8 nhà; Thanh Hóa: 3 nhà; Hà Tĩnh: 2 nhà); 3.127 nhà bị ngập (Yên Bái: 212 nhà, Hòa Bình: 5 nhà; Phú Thọ: 223 nhà, Thanh Hóa: 432 nhà; Nghệ An: 735 nhà; Hà Tĩnh: 1.519 nhà); 135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13 nhà, Phú Thọ 91 nhà, Hòa Bình 22 nhà, Sơn La 9 nhà).

Tuyến đê tả Chu (đê cấp 2) tại tỉnh Thanh Hóa từ K17+245 – K17+332: bị sạt lở mái đê phía sông.

Dự báo, mưa lũ còn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình và các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Lũ trên sông Mã tại trạm Giàng có thể lên mức tương đương lũ lịch sử năm 1980. Mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng sẽ lên nhanh.

Tại Hà Nội, mức nước đã lên mức báo động số I trên sông Tích vào hồi 7h00 ngày 11/10/2017 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Quốc Oai và Chương Mỹ; Báo động số I trên sông Tích vào hồi 7h00 ngày 11/10/2017 tại địa phận các xã ven đê thuộc các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây.

Ngày 11-10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội có Công điện số 16/CĐ-BCH yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời về việc xả lũ hồ chứa cho nhân dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; tăng cường kiểm tra, kiên quyết sơ tán nhân dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực bãi giữa. Quan tâm việc cảnh báo về bảo đảm an toàn cho nhân dân khi nước sông dâng cao do xả lũ sẽ xuất hiện nguy cơ về tập trung rắn rết, côn trùng có thể gây chết người cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống, đặc biệt là vùng bãi.

Kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các đò ngang, đò dọc, các phương tiện nổi trên sông để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện; cần thiết tạm ngừng hoạt động để bảo đảm an toàn; có phương án bảo vệ tài sản, kho tàng, hàng hóa của nhà nước và nhân dân ở những vùng có khả năng bị ảnh hưởng của lũ; di chuyển chất cháy, nổ, hóa chất độc hại ra khỏi vùng bãi sông; bảo đảm an toàn về điện; tăng cường kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố...