Xây thế trận xử lý tình trạng lấn chiếm mặt cầu Long Biên để bán hàng

ANTD.VN - Tính đến thời điểm hiện nay, tình trạng một số hộ dân vì cuộc sống, bất chấp các quy định ngang nhiên sử dụng mặt cầu Long Biên để bán hàng mưu sinh cơ bản đã không còn.

Đây cũng là kết quả và sự nỗ lực của lực lượng Công an, chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể của 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên. Giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, Công an 3 quận nói trên đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai công tác đảm bảo TTATGT-TTĐT-VSMT trên cầu Long Biên. Đến nay, cây cầu này trở nên phong quang, sạch đẹp.

Siết lại trật tự trên cầu Long Biên

Đó chính là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết Kế hoạch 158/KH-CALB-CABĐ-CAHK, ngày 27-11-2015 của CAQ Long Biên, Ba Đình và Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) về việc triển khai công tác đảm bảo TTATGT-TTĐT-VSMT trên cầu Long Biên, do CAQ Long Biên chủ trì diễn ra vào sáng nay 22-6.

Theo ghi nhận của phóng viên, cầu Long Biên hiện chỉ phục vụ cho đường sắt và các phương tiện xe máy, xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ tham gia giao thông. Tuy nhiên, trước khi các lực lượng Công an các quận nói trên chưa triển khai Kế hoạch 158 thì tình trạng TTATGT-TTĐT-VSMT khá lộn xộn. Nhiều người dân bày bán nước giải khát, các loại nông sản khiến cho giao thông trên cầu trở nên lộn xộn, gây mất ANTT. Thậm chí, nhiều hàng bán nước, tụ tập đông người thường hoạt động từ đêm hôm trước đến rạng sáng hôm sau.

Thượng tá Nguyễn Hồng Khanh – Phó trưởng CAQ Long Biên cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP Hà Nội nhằm xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng cầu Long Biên để bán hàng nông sản, kinh doanh giải khát, ngày 27-11-2015 Công an các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên đã ký Kế hoạch phối hợp triển khai công tác đảm bảo TTATGT – TTĐT –VSMT trên cầu Long Biên.

Qua rà soát, hiện tại có 16 trường hợp thường xuyên kinh doanh, buôn bán vi phạm trên cầu, trong đó địa bàn quận Long Biên có 13 trường hợp, địa bàn phường Phúc Xá, Ba Đình 1 trường hợp và địa bàn quận Hoàn Kiếm 2 trường hợp. Căn cứ kết quả điều tra cơ bản, các đơn vị đã tiến hành cho các trường hợp trên ký cam kết, không vi phạm và lập biên bản làm việc với từng trường hợp. Cơ bản, đa số trường hợp vi phạm đều hợp tác, ký cam kết không vi phạm, còn lại một trường hợp không ký cam kết...

Theo Trung tá Phạm Hồng Sơn - Đội trưởng Đội CSGT-TT-CĐ, CAQ Long Biên, từ ngày 27-11-2015 đến 30-11-2016, Công an các phường Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ (Long Biên); Phúc Xá (Ba Đình); Phúc Tân (Hoàn Kiếm) đã tiến hành điều tra cơ bản, lập danh sách các trường hợp vi phạm TTATGT-TTĐT-VSMT trên cầu Long Biên. Khi triển khai thực hiện kế hoạch trên, Công an các phường đã cùng lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố, Đoàn thanh niên phường tổ chức quét dọn vệ sinh, giải quyết TTĐT-VSMT trên cầu.

Nhiều lều, bạt vi phạm hành lang an toàn đường sắt đã được tháo dỡ. Đặc biệt, việc giao cho từng phường tuần tra, xử lý trên toàn tuyến cầu  Long Biên (không căn cứ địa giới hành chính) bước đầu đã phát huy được vai trò, thẩm quyền xử lý của lực lượng chức năng xử lý vi phạm đến cùng. 

Mạnh tay xử lý

Xây thế trận xử lý tình trạng lấn chiếm mặt cầu Long Biên để bán hàng ảnh 1Với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng công an và cơ quan chức năng 3 quận có địa bàn phường giáp ranh, cây cầu Long Biên ngày càng được phong quang, sạch đẹp

Ông Trần Văn Đức (ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, là người thường xuyên đi tập thể dục trên cầu nên nắm rất rõ việc hàng quán hoạt động trên cây cầu Long Biên. Cũng theo ông Đức, so với trước đây, tình trạng một số người dân lấn chiếm mặt cầu làm nơi bán hàng đã giảm hẳn, chỉ còn 1 - 2 trường hợp cá biệt như đoạn thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình vẫn tồn tại. Còn lại, một số người khi tham gia giao thông dừng xe trên cầu chụp ảnh, đứng nói chuyện và đa số là thanh niên. So với hơn một năm về trước thì cây cầu này thông thoáng hơn nhiều.

Có lẽ, đây cũng là vấn đề hiện các đơn vị chức năng của 3 quận đang còn cân nhắc, đưa ra phương án xử lý dứt điểm đối với trường hợp sử dụng xe ba bánh, bán ngô và một số mặt hàng nông sản cố tình vi phạm. Qua xác minh là ông Nguyễn Hồng S. (SN 1949, ở đang ở khu lấn chiếm, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ).

Theo Thượng tá Hoàng Văn Phước - Phó trưởng CAQ Ba Đình, trường hợp này cũng đã được cơ quan chức năng tiếp xúc, tuyên truyền vận động và xem xét chỉ đạo CAP Phúc Xá tham mưu cho Chủ tịch UBND phường, Phòng LĐTB&XH quận và các ban, ngành, đoàn thể kiên trì vận động thuyết phục trường hợp còn lại. Đồng thời, bố trí địa điểm bán hàng hợp pháp cho trường hợp này, mặt khác chủ động bố trí lực lượng cương quyết xử lý triệt để các vi phạm không để phức tạp kéo dài.

Đồng tình với quan điểm trên, Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho rằng, sau các đơn vị đã ký cam kết thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch, trong đó đối với việc tuần tra, các đơn vị đã đi làm phải làm hết từ bên cầu này đến bên kia cầu, do vậy khi phát hiện vi phạm thì phải xử lý, không nên nấn ná về về việc địa giới hành chính. Vì nội dung kế hoạch cũng đã thể hiện rõ vấn đề này.

“Bên cạnh đó, ngoài việc ký kết đối với những hộ kinh doanh trên cầu thì cũng cần ký kết ngay tại nơi ở của họ. Đối với trường hợp còn lại sử dụng xe ba bánh để bán hàng trên cầu thuộc địa bàn phường Phúc Xá, tôi cho rằng các đơn vị cùng đồng loạt vào cuộc, tuyên truyền vận động họ, đồng thời xử lý nghiêm ngay cả người dừng xe vào mua hàng. Có các biện pháp mạnh tay như thế thì mới xử lý triệt để được vấn đề”, Thượng tá Bùi Văn Đang nhấn mạnh.