Viết tặng những người "chạy lung tung"

ANTD.VN - Ngày còn nhỏ, ngồi xem bóng đá tôi rất không thích những người cứ cầm máy ảnh chạy “lung tung” trên sân và chụp ảnh trong lúc cả sân vận động đang đứng nghiêm trang để thực hiện nghi lễ chào cờ và hát quốc ca. Nhưng đó là những nhà báo, nghề của họ...

Lại một mùa World Cup nữa tới, tôi lại nhớ về những ngày còn bé. Ngồi xem bóng đá cùng với bố. Tôi rất không thích những người cứ cầm máy ảnh chạy “lung tung” trên sân và chụp ảnh trong lúc cả sân vận động đang đứng nghiêm trang để thực hiện nghi lễ chào cờ và hát quốc ca. Tôi hỏi bố tôi, tại sao những người này lại không đứng nghiêm để thực hiện nghi lễ chào cờ mà cứ chạy “lung tung” và chụp ảnh như vậy. Bố tôi mỉm cười trả lời: Đó là những nhà báo con ạ, và đó là nghề của họ”...

Do đặc thù của công việc, tôi có vinh dự được quen biết với một số anh chị và bạn bè làm báo mà chúng ta hay gọi họ là Quyền lực thứ tư. Và ngày hôm nay, 21/6, trong cái ngày đặc biệt này, tôi muốn viết đôi dòng về những người bạn (nếu có thể gọi như thế vì có nhiều anh chị hơn tuổi tôi) nhà báo của tôi. Những người mà cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được ở họ những điều hết sức đặc biệt, đó là cảm nhận của cá nhân thôi, dù đúng hoặc sai thì bài này cũng xin mạn phép viết để thể hiện tình cảm của mình.

Các nhà báo tác nghiệp trong một trận bóng đá.

Có thể nói công việc của họ rất bận, phải nói thật là bận. Và tôi không thấy có cái bận nào có thể giống như công việc của nhà báo. Tôi vẫn hay nói đùa là nhà báo bận một cách “mẫu mực”. Đôi khi đối với giới nhà báo thì tôi cảm giác như mình là kẻ vô công rồi nghề.

Thấy bạn mình chạy hết chỗ nọ chỗ kia, rất năng động và linh hoạt, đánh máy tính nhanh như gió, gửi mail vèo vèo thấy mà thèm... Tuy nhiên, khi chúng ta ngồi cà phê chém gió với một người bạn là nhà báo, chúng ta có thể thấy họ luôn nhìn chăm chú ánh mắt vào điện thoại và laptop để đánh đánh, gõ gõ, mặc dù vẫn nghe mình nói và hiểu mình. Người mới gặp cứ tưởng họ khinh khỉnh hoặc làm cao, nhưng thực ra không phải. Đó là đặc thù nghề nghiệp của họ.

Nhà báo bận ngay cả khi đi ăn, hoặc đi chơi cùng bạn bè. Còn không rõ là vợ hay chồng của họ cảm giác thế nào khi mà nửa đêm đang ôm nhau ngủ thì người vợ hoặc người chồng là nhà báo là vùng dậy gõ gõ, viết viết hay vò đầu bứt tai vì có tin nóng nào đó mình không kịp đăng chẳng hạn... Hẳn nhiên các nhà báo phải có những người chồng hoặc người vợ cảm thông cho nghề nghiệp của họ nhiều lắm.

Thứ nữa, nhà báo là những con người rất khó nắm bắt. Có lẽ bởi họ hay đi nắm bắt tâm lý của người phỏng vấn nên cảnh giới của nhà báo đã cao hơn người bình thường vài phần. Tôi nhớ lại có một lần trả lời phỏng vấn của một nữ nhà báo, cô ý rất là xinh đẹp và để lên hình cho đẹp thì cô ý nói là anh nhìn thẳng vào mắt em đây này.

Thế là tôi nhìn thẳng vào mắt nữ nhà báo ấy. Khi thấy ánh mắt tôi thì cô nói rằng anh không được nhìn như thế. Tôi hỏi lại là không được nhìn như thế là nhìn như thế nào. Cô đã hướng dẫn tôi nhìn vào cái cây ở góc tường cho nó xa thẳm và cuối cùng cuộc phỏng vấn đã diễn ra xuôn sẻ và tốt đẹp. Nhà báo ấy đã nhận ra những điểm không ổn trong cách nhìn của tôi để nhanh chóng điều chỉnh lại cho phù hợp với cuộc phỏng vấn...

Có bốn điểm ở những người bạn nhà báo của tôi mà tôi rất “ghét” vì họ hơn mình, đó là:

Điểm thứ nhất là nhà báo viết rất hay và sâu sắc. Đúng mà, bởi đó là nghề của họ. Thời gian gần đây tôi cũng viết một số bài để đăng báo và mặc dù tôi luôn tự hào là mình viết cũng tạm nhưng các nhà báo thì viết trúng và sâu sắc vấn đề. Nếu như một câu văn tôi sẽ viết là “Món thịt bò đó đã bị ăn bởi tôi” thì các nhà báo sẽ viết thành “Tôi ăn món thịt bò”. Thế đấy.

Nếu tôi sẽ viết tiêu đề là “Xích mích do hiểu nhầm giữa phi hành đoàn” thì nhà báo sẽ viết thành “Đình chỉ cơ trưởng tát cơ phó”. Và rõ ràng là chất lượng và độ hấp dẫn bạn đọc của bài viết sẽ được nâng lên hẳn ngay từ cái tựa đề được đặt. Và để học tập các nhà báo, khả năng trong một hai ngày tới nữa tôi sẽ viết một bài viết với tựa đề là “Cốc bia hơi bên dòng sông Tô Lịch” hoặc “Đĩa cơm rang sân bay lúc nửa đêm”...

Điểm thứ hai là nhà báo rất có sự hấp dẫn về mặt giới tính. Nếu là nữ họ rất có duyên và cá tính, nam giới thì như chúng ta hay gọi trong tiếng Anh là manly. Tất nhiên tôi chỉ dám nói trong những người mà tôi quen thôi. Có lẽ đối với một công việc nhiều trải nghiệm và thử thách như nghề báo đã dần dần biến họ thành những con người giàu cá tính như thế...

Hình ảnh U23 Việt Nam hát Quốc ca trong tuyết lạnh ở Thường Châu

Điểm thứ ba là họ rất giàu. Thực tế là tôi chưa quen nhà báo nào nghèo. Họ giàu ở đây là giàu bạn bè. Đặc thù công việc của nhà báo luôn luôn được tiếp xúc với nhiều người, nhiều đối tượng, đặc thù công việc, thế nên họ có mối quan hệ rộng rãi. Và do là những người có sự hấp dẫn về mặt giới tính và giàu cá tính nữa, nên nhà báo dễ dàng có nhiều bạn bè, và đối tác thân thiết. Điều mà nhiều ngành nghề khác khó có thể có được...

Điểm thứ tư của nhà báo cũng giống tôi, đó là cũng ưa nói ngọt. Thế nên sau khi họ đọc xong bài viết này của tôi cũng là họ hiểu ra một điều là tôi sắp có việc phải nhờ đến họ rồi đấy.

Sau này lớn lên tôi đã hiểu rằng, phải có những nhà báo – những người hy sinh cảm xúc của cá nhân mình trong những thời khắc thiêng liên để thực hiện nhiệm vụ thì mới có những dấu ấn gây xúc động lòng người... mới ghi lại được những hình ảnh đẹp, xúc động và đầy ý nghĩa.

Điểm khó nhất để kết thúc bài viết này đó là tôi không biết lấy hình ảnh của người bạn nhà báo nào để minh họa cho bài viết. Vì lấy hết hình thì sợ bài viết sẽ quá dài mà không lấy hình nào thì bài viết nó không sinh động. Thôi thì tôi sẽ lấy lại những hình ảnh đẹp của đội U23 Việt Nam hát Quốc ca trong mưa tuyết lạnh ở Thường Châu do các nhà báo – những người “chạy lung tung” ghi lại để cảm ơn và tri ân với họ. Và chắc chắn là cùng với nhiều khán giả hâm mộ khi chứng kiến các chàng trai U23 của chúng ta chiến đấu ngoan cường trên tuyết lạnh, nhiều nhà báo cũng đã khóc khi ghi lại những hình ảnh ấy...

(Bài viết tặng cho những người bạn nhà báo nhân dịp 21/6...)