Vi phạm trật tự xây dựng: Làm rõ trách nhiệm, cam kết thời hạn xử lý

ANTD.VN - Về xử lý các vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng gây bức xúc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục khẳng định, không cần tai mắt ở đâu để phát hiện các vi phạm, Thanh tra xây dựng biết hết và trách nhiệm thuộc về Thanh tra xây dựng…

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) chất vấn về trách nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng khi để nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại

Sáng 6-12, HĐND TP đã thực hiện phiên chất vấn, tái chất vấn các vấn đề dân sinh bức xúc. Nhóm vấn đề đầu tiên được HĐND chọn để chất vấn và tái chất vấn là quản lý đô thị với các lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng siêu méo; thu gom xử lý rác thải; lấn chiếm vỉa hè lòng đường;  quản lý PCCC...

Đánh giá lĩnh vực quản lý đô thị tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa rõ nét, cần tiếp tục giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Đây vẫn là vấn đề nóng được nhân dân quan tâm”.

Buông lỏng trách nhiệm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện còn 154 công trình vi phạm trật tự xây dựng của năm 2015, 2016 còn tồn tại chưa được xử lý.

Riêng năm 2017, đã có 1916 công trình vi phạm. Trong đó, 748 công trình vi phạm lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp… Phóng sự của HĐND TP cũng “điểm mặt” hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn, quận Tây Hồ và đặt câu hỏi: “Vai trò của chính quyền ở đâu khi để các vi phạm tồn tại?”

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) chất vấn Chủ tịch UBND các quận huyện nguyên nhân tại sao các vi phạm trên còn tồn tại, đến bao giờ các công trình vi phạm trật tự xây dựng được xử lý xong?

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, năm 2017, thực hiện mô hình mới khi phân cấp trách nhiệm chỉ đạo toàn diện thanh tra xây dựng cho Chủ tịch quận, huyện, thị xã.

Sở đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra làm việc với các quận huyện thị xã, xác định còn 154 công trình vi phạm. Đến 30-11, đã xử lý con 123 trường hợp vi phạm.

“Không cần tai mắt ở đâu, Thanh tra xây dựng biết hết. Để xảy ra các vụ việc, trách nhiệm thuộc về thanh tra xây dựng, thanh tra sở”, ông Dục khẳng định.

Với 123 trường hợp tồn đọng, và các trường hợp phát sinh mới trong năm 2017, Giám đốc Sở Xây dựng cam kết xử lý xong trong năm 2017 và khẳng định các lực lượng chức năng sẽ sâu sát hơn, không để các vi phạm khó giải quyế…

Là địa phương để tồn tại nhiều công trình vi phạm cũng như để phát sinh mới hơn 500 trường hợp trong năm 2017, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, các vụ vi phạm năm 2017 đã giảm 50% so với năm trước. Thừa nhận vẫn còn nhiều vi phạm ở một số nơi như ở Phù Lỗ, Phú Minh… ông Bút cho biết, các khu đất xen kẹt nếu cứ để không rất lãng phí khi nhu cầu của người dân các doanh nghiệp là có thật,  huyên cũng kiên quyết xư lý nhưng việc tái diễn vi phạm vẫn diễn ra…

Ông Bút cũng khẳng định có chuyện buông lỏng trách nhiệm ở cấp xã như ở Phú Minh và huyện đã thay đổi cán bộ và cử cán bộ huyện về phối hợp để xử lý dứt điểm.

Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh cũng trả lời cụ thể về các trường hợp vi phạm TTXD và khăng định sẽ xử lý nghiêm trong thời gian tới với cam kết thời gian cụ thể.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận trách nhiệm khi để tồn tại các vi phạm là thuộc thanh tra xây dựng

Khó xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Nêu việc vẫn còn 132 công trình nhà siêu mỏng siêu méo, Đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng trách nhiệm này thuộc về ai?

Về các công trình siêu mỏng siêu méo, ông Dục giải trình, khi mở đường qua khu dân cư sẽ cắt qua nhà dân, dẫn đến hình thành các công trình siêu mỏng, siêu méo gây bức xúc phản cảm như ở Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Văn Cao, Thanh Nhàn... đã tồn tại gần 12 năm. Ông Dục cho bết, năm 2017 Sở Xây dựng rất vất vả chỉ xử lý được 12 công trình.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP về việc đây là vấn đề đã được chất vấn, tái chất vấn nhiều lần, bao giờ mới có thể giải quyết dứt điểm, ông Dục khẳng định: “Sở cùng các quận huyện đã có phương án xử lý. Tôi cam kết sẽ báo cáo cụ thể phương án từng trường hợp trong quý 1”.

Các đại biểu đều đồng tình với việc xử lý nhà siêu mỏng siêu méo là khó khăn, phức tạp, để không dồn khó khăn về các quận huyện.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) chất vấn Giám đốc Sở QHKT, với những con đường mới, liệu có xuất hiện nhà siêu mỏng siêu méo nữa không? 

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở QHKT Lê Vinh cho biết, hiện nay đã có quy định đầy đủ để xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”.

“Sở QHKT, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định để xử lý triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo”, ông Vinh nói.