Chất vấn tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội:

"Tư lệnh" các sở, ngành nhận rõ trách nhiệm, cam kết thời hạn xử lý

ANTD.VN - Sáng 6-12, HĐND TP Hà Nội đã thực hiện phiên chất vấn, tái chất vấn các vấn đề dân sinh bức xúc. Nhóm vấn đề đầu tiên được HĐND chọn là quản lý đô thị với các lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; thu gom xử lý rác thải; lấn chiếm vỉa hè lòng đường… 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hà Nội hiện còn 154 công trình vi phạm trật tự xây dựng của năm 2015, 2016 chưa được xử lý. Riêng năm 2017, đã có 1.916 công trình vi phạm. Trong đó, 748 công trình vi phạm lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp… Phóng sự của HĐND TP cũng “điểm mặt” hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn, quận Tây Hồ và đặt câu hỏi: “Vai trò của chính quyền ở đâu khi để các vi phạm tồn tại?”.

"Tư lệnh" các sở, ngành nhận rõ trách nhiệm, cam kết thời hạn xử lý ảnh 1Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) chất vấn về việc xử lý các công trình nhà siêu mỏng, siêu méo ở Thủ đô

Buông lỏng trách nhiệm

Đại biểu Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) chất vấn Chủ tịch UBND các quận, huyện nguyên nhân tại sao các vi phạm trên còn tồn tại, đến bao giờ các công trình vi phạm trật tự xây dựng được xử lý xong? Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, hiện các vi phạm mới đều đã có phương án xử lý gửi cho chính quyền địa phương, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018. “Cứ bảo không biết chứ thanh tra xây dựng biết hết. Tai mắt khắp nơi, nên đã kiểm tra 100% công trình, có ngày giờ, địa điểm kiểm tra để quy trách nhiệm”, ông Lê Văn Dục nói.

Nêu việc vẫn còn 132 công trình nhà siêu mỏng, siêu méo, đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng trách nhiệm này thuộc về ai? Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục giải trình, khi mở đường qua khu dân cư sẽ cắt qua nhà dân, dẫn đến việc hình thành các công trình siêu mỏng, siêu méo gây bức xúc phản cảm như ở phố Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Văn Cao, Thanh Nhàn... đã tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo gần 12 năm. Ông Lê Văn Dục cho biết, năm 2017 Sở Xây dựng rất vất vả mà chỉ xử lý được 12 công trình.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP về việc đây là vấn đề đã được chất vấn, tái chất vấn nhiều lần, bao giờ mới có thể giải quyết dứt điểm, ông Lê Văn Dục khẳng định: “Sở cùng các quận huyện đã có phương án xử lý. Tôi cam kết sẽ báo cáo cụ thể phương án từng trường hợp trong quý I-2018”.

Đồng tình với việc xử lý nhà siêu mỏng siêu méo là khó khăn, phức tạp, để không dồn khó khăn về các quận huyện, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, với những con đường mới, liệu có xuất hiện nhà siêu mỏng siêu méo nữa không? Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Lê Vinh cho biết, hiện nay đã có quy định đầy đủ để xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”. “Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định để xử lý triệt để nhà siêu mỏng, siêu méo”, ông Lê Vinh nói.

Phòng chống cháy nổ vẫn nhức nhối

Nhiều đại biểu HĐND TP đã nêu ý kiến chất vấn về tiến độ khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC trên địa bàn, đặc biệt là trong các công trình nhà ở cao tầng. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, hiện còn khá nhiều công trình nhà chung cư, nhà ở tái định cư chưa đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tiến độ khắc phục chậm vì có công trình liên quan đến kết cấu, công năng sử dụng, cần đầu tư lớn nên còn vướng mắc.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết thêm, trong 79 nhà chung cư có vi phạm về PCCC, hiện còn 48 công trình chưa khắc phục xong (trong đó có 12 công trình của Doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư). 22 công trình có khả năng khắc phục và Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn, cùng chủ đầu tư tiến hành khắc phục, cố gắng khắc phục xong trong quý I-2018. “Còn lại 26 công trình, UBND TP đã chỉ đạo thành lập tổ liên ngành giữa các sở, ngành để kiểm tra, đánh giá khả năng khắc phục. Những vấn đề vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an để xử lý, có giải pháp phù hợp”, Giám đốc Cảnh sát PCCC nói.

Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cũng đề xuất, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là chủ đầu tư và người dân để cùng triển khai thực hiện bởi “có những tòa nhà, chính người dân đang sinh sống ở đó lại gây khó khăn cho việc khắc phục vi phạm về PCCC”. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định đề nghị các cấp, đặc biệt là Thanh tra xây dựng, chỉ khi nào được nghiệm thu về an toàn PCCC, chất lượng mới cấp điện nước, đưa công trình vào hoạt động.

Cũng về nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở Xây dựng đã cùng Cảnh sát PCCC, các đơn vị vận hành khảo sát 133 tòa nhà chung cư tái định cư về tình trạng các tòa nhà. “Trách nhiệm này thuộc Sở Xây dựng. Chúng tôi cam đoan nếu bố trí đủ kinh phí thì trong 3 tháng sẽ thực hiện xong toàn bộ”, ông Lê Văn Dục cam kết.

Về vấn đề biển quảng cáo sai quy định gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động thẳng thắn: “Trách nhiệm trước hết thuộc về Sở VH-TT. Ngoài ra các cơ quan phối hợp chưa vào cuộc quyết liệt. Có biển quảng cáo vi phạm đã dỡ rồi, nhưng vẫn để móng, vật liệu; đến khi Chủ tịch UBND TP chỉ đạo mới xử lý”.

Nêu giải pháp khắc phục các tồn tại trong thời gian tới, ông Tô Văn Động cho biết, Sở VH-TT sẽ là đầu mối chủ trì, cùng các sở, ngành, quận, huyện tiến hành thanh tra quyết liệt, xử lý đến cùng các vi phạm. Dẫn chứng việc Công ty Samsung có nhiều biển quảng cáo vi phạm và Sở VH-TT đã làm việc với công ty này, ông Tô Văn Động thông tin: “Thành phố sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm, không có trường hợp ngoại lệ”.

Tin cùng chuyên mục