Trưởng ban điệp báo và những tài liệu tuyệt mật

ANTD.VN - Chiến công nối tiếp chiến công, người chiến sĩ kiên trung Phan Khắc Trình đêm ngày thầm lặng cống hiến tâm lực, trí lực, phục vụ phong trào kháng chiến ở Thủ đô, kiên trì làm thất bại âm mưu phá hoại nguy hiểm của kẻ thù.

Tên tuổi liệt sĩ Phan Khắc Trình được khắc ghi tại Bảo tàng Công an TP Hà Nội 

Phan Khắc Trình thuộc thế hệ cán bộ chiến sĩ đầu tiên của Công an Thủ đô, một trinh sát Bảo vệ chính trị, người Trưởng ban điệp báo dạn dày kinh nghiệm công tác đấu tranh xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, tích cực phá tề, trừ gian, tham gia đánh địch, bảo vệ An ninh Tổ quốc. Cuộc đời, sống, chiến đấu và hi sinh của anh là tấm gương đáng khâm phục mang đậm truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc Việt Nam nói chung, của lực lượng CAND nói riêng.

Đội viên danh dự trừ gian

Năm 1920, Phan Khắc Trình (tên thật là Dương Xuân Ngô) được sinh ra trong một gia đình cách mạng nghèo tại làng Phú Lâm, Hà Nội (khu vực phố Nguyễn Công Trứ hiện nay). Cuộc vận động cách mạng đầu thập niên 1940 lay động lòng nhiệt huyết của người học sinh trường Bưởi này. Anh tham gia cách mạng năm 1943 với tên gọi Ngô Xuân Dương để sớm tìm đến “Đội danh dự trừ gian”.

Trong cuộc chiến đấu với tay sai của bọn mật thám, hiến binh, phần tử cực đoan trong các đảng phái phản động mọc lên như nấm kể từ sau khi phát xít Nhật quật đổ thực dân Pháp trên vũ đài chính trị Đông Dương, Phan Khắc Trình và đồng đội đã mưu trí, quyết liệt, xử trí nhiều tên mật thám ác ôn, đầu sỏ nguy hiểm ngay trước mũi súng quân Nhật. 

Gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí Phan Khắc Trình đã tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô vững bước tiến trên những chặng đường lịch sử vẻ vang lập những chiến công oanh liệt góp phần đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Những chiến công diệt ác trừ gian có tiếng vang chính trị lớn, truyền đi các tỉnh, thành phố, làm nức lòng đồng bào Thủ đô. Tuy nhiên, Đội danh dự trừ gian không chỉ trừng trị những tên hung ác, mà còn chủ yếu tiến công chính trị, thực hiện chính sách phân hóa và khoan hồng của cách mạng đối với bọn tay sai ít nguy hiểm, vừa cảnh cáo răn đe, vừa thuyết phục lôi kéo, vô hiệu hóa số này, tạo điều kiện bảo vệ an toàn cho các hoạt động tuyên truyền xung phong, mít tinh, diễn thuyết vận động quần chúng của các chiến sỹ Việt Minh.

Ngày đêm bám sát các nhân mối nằm trong các tổ chức địch, ngụy, các đảng phái phản động, Phan Khắc Trình cùng các đồng chí của mình cung cấp nhiều tin tức chính xác có giá trị giúp Ủy ban khởi nghĩa đánh giá đúng về tình hình địch và quyết định nắm thời cơ Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi mùa thu lịch sử tháng 8-1945.

Liệt sĩ Phan Khắc Trình

Chiến sỹ công an quả cảm

Đầu năm 1946, chính quyền nhân dân non trẻ ở trong tình thế mong manh “chỉ mành treo chuông lớn”. Phan Khắc Trình cùng lực lượng Bảo vệ chính trị trở thành nòng cốt của hệ thống tổ chức Sở Liêm phóng tập trung vào công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng, bảo vệ chính trị miền Bắc, trước hết là ở Hà Nội.

Lực lượng này vốn xuất thân là những thanh niên Hà Nội am hiểu tình hình mọi mặt của thành phố, có điều kiện hòa mình vào đời sống xã hội, biết chọn những đối tượng thích hợp xây dựng thành mạng lưới tai mắt tại chỗ nắm tình hình vừa rộng vừa sâu, phát hiện nhanh chóng các hoạt động nghi vấn của đối tượng để xử lý, kịp thời cô lập bọn phản động ngay khi theo chân quân Tưởng về thành phố.

Thời gian này, tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh và tập thể Ty Công an Hà Nội thêm vững vàng bước vào cuộc kháng chiến “trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi” trong tiếng súng rền vang chống quân xâm lược Pháp.

Chiến đấu trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm, Phan Khắc Trình được cử làm Trưởng phòng Chính trị Công an khu XI (gồm Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây) và trưởng thành nhanh chóng trên nhiều cương vị. Phan Khắc Trình liên tục kinh qua các chức vụ Trưởng quận Công an khu IV (huyện Từ Liêm và Hoài Đức hiện nay) - cuối năm 1947; Trưởng Công an huyện, quận Bắc Hà Nội (sáp nhập Công an quận IV với huyện quận Bắc Hà Nội) - năm 1948; Trưởng ban điệp báo, phụ trách nội thành - năm 1949... 

Giai đoạn đầu kháng chiến, lực lượng Bảo vệ chính trị Công an Hà Nội tiên phong thâm nhập nội thành, xây dựng lực lượng chiến đấu trong lòng địch, phá tề, phát triển mạng lưới nắm tình hình phục vụ cho việc chỉ đạo kháng chiến. Phan Khắc Trình đã trực tiếp tổ chức nắm tình hình các loại gián điệp, chỉ điểm, phản động và ngụy quyền để phát hiện bọn tay sai, do thám.

Anh cùng đồng đội kịp thời đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp góp phần khám phá và đập tan nhiều âm mưu thủ đoạn, hoạt động của các thế lực phản cách mạng; phối hợp với chính quyền và công an địa phương thực hiện các biện pháp phòng gian, bảo mật, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng.

Nhiều tin quân sự của trinh sát chính trị Công an Hà Nội cung cấp về quy luật hoạt động của các đơn vị tuần tiễu, âm mưu thủ đoạn các trung tâm mật thám trá hình trong nội thành, những sơ hở trong hệ thống bố phòng của địch được cấp ủy, các ngành, các giới triệt để khai thác, tạo điều kiện cho các đợt tăng cường cán bộ của ta từ căn cứ vào vùng địch tạm chiếm được thuận lợi, phát triển được các mặt hoạt động của kháng chiến.

Kháng chiến đẩy mạnh sang tổng phản công, thực dân Pháp tiếp tục hậu thuẫn sử dụng các đảng phái phản động và tay sai trong tôn giáo để phá hoại cách mạng trên khắp thành phố. Phan Khắc Trình sát cánh cùng lực lượng Bảo vệ chính trị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thủ đoạn lừa bịp, hoạt động do thám của địch; chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm điểm lý lịch nhân viên, tiến hành phân loại đối tượng nghi vấn... giác ngộ được một số phần tử phản động cộng tác với cơ quan công an để phục vụ giám sát, trấn áp, phá vỡ các tổ chức của chúng ở nhiều nơi.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, bản thân đồng chí Trình đã thuyết phục cơ sở H. để thu thập tài liệu quân sự tuyệt mật của Pháp thông qua tên DeMonZat; vận động gia đình ông D.L, thành viên của Hội đồng tư vấn quốc gia Pháp đi theo cách mạng... Lực lượng điệp báo nội thành đã chuyển về căn cứ Ty Công an hàng trăm báo cáo về hoạt động quân sự, chính trị, gián điệp, đảng phái phản động, trong đó có nhiều tin có giá trị về chống địch thâm nhập nội bộ, bảo vệ an toàn cho những hoạt động của quận ủy chống vây ráp, lùng bắt... 

Trung kiên đến phút cuối cùng

Chiến công nối tiếp chiến công, đồng chí Phan Khắc Trình đêm ngày thầm lặng cống hiến tâm lực, trí lực, phục vụ phong trào kháng chiến Thủ đô, kiên trì làm thất bại âm mưu phá hoại nguy hiểm của kẻ thù. Trong những thời khắc khó khăn nguy nan nhất, Ban điệp báo nội thành do đồng chí phụ trách đã góp phần quan trọng để duy trì và phát triển thắng lợi phong trào.

Vậy mà, sự hèn hạ của hai kẻ phản bội đã khiến đồng chí Trình bị rơi vào tay địch ngày 11-6-1951 khi trên đường hoạt động. Rạng sáng 12-6-1951, sau nhiều loạt đòn tra tấn điên cuồng dã man của địch, đồng chí hy sinh mà vẫn một mực không khai báo tin tức về các cơ sở nội thành của ta. 

Gương chiến đấu, hy sinh của Phan Khắc Trình đã tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô vững bước tiến trên những chặng đường lịch sử vẻ vang lập những chiến công oanh liệt góp phần đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng chí Phan Khắc Trình đã được tặng Bằng khen Tổ quốc ghi công và ngày 14-9-1952, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định truy tặng liệt sĩ Phan Khắc Trình Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

Ngày 20-7-1956, Công an thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể lễ tuyên dương công trạng với đồng chí Phan Khắc Trình. Ngày 3-8-1995, đồng chí Phan Khắc Trình được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.