Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo không được qua loa, đùn đẩy

ANTD.VN - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), nếu làm qua loa, chủ quan thì một vụ việc dù nhỏ có thể bùng lên thành điểm “nóng”, gây mất an ninh trật tự…

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại hội nghị

Chiều 16-10, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị, cùng dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.

3 năm, tiếp nhận giải quyết trên 90.000 đơn thư KNTC

Theo báo cáo của Thành ủy do ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội trình bày, từ năm 2014 đến nay là thời gian có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và Thủ đô diễn ra trên địa bàn thành phố. Đây cũng là thời gian mà Hà Nội tập trung thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn liên quan đến quyền và lợi ích của công dân. Do đó, tình hình khiếu kiện của công dân cũng có những diễn biến phức tạp.

Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đặc biệt, xuất hiện một số đoàn khiếu kiện đông người, thậm chí xuất hiện một số vụ việc KNTC có tính chất gay gắt, phức tạp, có hành vi vi phạm pháp luật.

“Các cấp khi tiếp công dân, giải quyết KNTC cần phải thấu tình đạt lý, phù hợp với thực tiễn, nhất là không được kỳ thị với người đi KNTC. Trên cơ sở đó, Hà Nội phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của trung ương để tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài, không để phát sinh thành điểm “nóng”. 

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã kịp thời quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35 một cách nghiêm túc, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Cụ thể, 3 năm qua, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã tiếp công dân định kỳ tại trụ sở tiếp công dân của thành phố với tổng số 1.745 lượt công dân; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp 30.385 lượt công dân.

Riêng các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp 110.615 lượt công dân đến KNTC, trong đó có 1.576 lượt đoàn đông người (từ 15 người trở lên/ đoàn)… Cũng trong thời gian này, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp nhận, xử lý theo quy định 90.068 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh.

Qua giải quyết KNTC đã thu hồi cho nhà nước 7,24 tỷ đồng và trên 90.000m2 đất, thu hồi 17 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đã trả lại cho công dân trên 14,5 tỷ đồng và gần 30.000m2 đất; điều chỉnh, bổ sung 73 phương án bồi thường, hỗ trợ; đã kiểm điểm trách nhiệm 85 tập thể và 257 cá nhân có sai phạm.

Sớm giải quyết dứt điểm các vụ KNTC tồn đọng kéo dài

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, thời gian qua Hà Nội đã triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị rất nghiêm túc. Thậm chí, thành phố đã cụ thể hóa bằng Chỉ thị 15 của Thành ủy và thành lập một Ban Chỉ đạo của Thành ủy để triển khai công tác này. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết KNTC của Hà Nội đạt rất cao, trung bình trên 90% số vụ khiếu nại và trên 80% số vụ tố cáo được giải quyết.

Dù vậy, tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của thành phố cũng không ít, số vụ KNTC còn nhiều, tình hình KNTC ở một số nơi còn diễn biến phức tạp. Trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý, trong Chỉ thị 35, Bộ Chính trị đã khẳng định quan điểm KNTC là quyền cơ bản của công dân; việc làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC là đảm bảo quyền lợi cho công dân, do đó tiếp dân và giải quyết KNTC phải được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả cấp ủy, chính quyền. 

Góp ý thêm với Hà Nội, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, các cấp khi tiếp công dân, giải quyết KNTC cần phải thấu tình đạt lý, phù hợp với thực tiễn, nhất là không được kỳ thị với người đi KNTC. Trên cơ sở đó, Hà Nội phải chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của trung ương để tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài, không để phát sinh thành điểm “nóng”.

Cùng đó, cần kiên quyết xử lý những đối tượng cố tình lợi dụng KNTC để làm phức tạp tình hình, gây rối trật tự, mất an toàn trật tự xã hội, nhất là các đối tượng cầm đầu kích động gây rối trái phép. Mặt khác, trong quá trình giải quyết KNTC cũng phải xem xét lại các chính sách đền bù, hỗ trợ GPMB, đất đai đã được thực hiện đúng chưa, đầy đủ chưa, đã thỏa đáng và phù hợp với thực tiễn hay không để vận dụng hoặc đề xuất hướng giải quyết phù hợp, tạo đồng thuận. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải một lần nữa nhấn mạnh, nhận thức của toàn hệ thống chính trị Thủ đô đã được nâng lên một bước khi triển khai Chỉ thị 35, nhờ đó công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của thành phố đã có bước chuyển biến rất tích cực.

Về một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn, Bí thư Thành ủy cho rằng, có nhiều tồn tại xuất phát “từ chính bản thân chúng ta”. Đó là, cán bộ tiếp công dân, giải quyết KNTC vẫn còn tư tưởng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một số vụ việc hay làm qua loa, coi đó không phải là việc của mình; bản thân một số người đứng đầu cũng chưa nhận thức đúng, rõ trách nhiệm cá nhân. Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước cũng còn không ít yếu kém, nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan, giữa thành phố, sở, ngành với quận, huyện, thị xã chưa tốt… 

Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo không được qua loa, đùn đẩy ảnh 2

“Cả thành phố cần thống nhất và cùng vào cuộc giải quyết; từng quận, huyện, sở, ngành phải rà soát lại xem đơn vị mình còn bao nhiêu vụ việc KNTC của công dân chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm được để có biện pháp, với mục tiêu đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho thành phố. Thời gian tới, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC phải được thực hiện một cách trách nhiệm hơn. Đặc biệt, không được chủ quan bởi có những vụ việc bức xúc rất nhỏ, những vụ KNTC tuy chưa phức tạp nhưng nếu không giải quyết kịp thời có thể bùng lên thành điểm nóng, gây mất an ninh chính trị. Các cơ quan chức năng của thành phố cần xây dựng kế hoạch, giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài, nếu vụ việc nào mà một mình thành phố không thể làm được thì phải mời các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Trung ương cùng vào cuộc để giải quyết”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải