Tôn vinh những người thầy tìm hướng đi mới trong giáo dục

ANTD.VN - Ngày 18-10, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên tôn vinh những tấm gương sáng tạo, đổi mới trong đội ngũ giáo viên cả nước - những người đang tìm hướng tiếp cận mới trong giáo dục.

Tôn vinh những người thầy tìm hướng đi mới trong giáo dục ảnh 1Học sinh cần được tiếp cận kiến thức môn học bằng nhiều cách thức thay vì chỉ ngồi trên lớp nghe đọc chép

Khơi dậy niềm hứng thú trong học tập

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã rất thành công khi đưa tiếng Anh vào bộ môn tưởng chừng chỉ là môn học phụ của mình. “Khi còn là học sinh, tôi đã say mê với môn Tiếng Anh và Địa lý. Trong quá trình giảng dạy ở THPT chuyên, tôi thấy Địa lý mang màu sắc của nhiều môn học, có tính cập nhật cao, những vấn đề này ở chương trình Tiếng Anh phổ thông cũng được đề cập. Tôi đã thử nghiệm soạn giảng một số tiết học Địa lý bằng tiếng Anh để biến ngoại ngữ thành ngôn ngữ chứ không phải môn học. Học sinh của tôi đã rất hứng thú và như được nhận một làn gió mới với 2 môn học của mình”, cô Nga chia sẻ.

“Đổi mới, sáng tạo là một dòng chảy không ngừng, những hành động đẹp, việc làm tốt dù có bao nhiêu cũng không thể là đủ và cần được lan tỏa sâu rộng hơn nữa và nhân lên nhiều hơn nữa. Đây sẽ là khởi đầu cho sự đổi mới, phát triển đất nước từ những thế hệ học sinh hôm nay”

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Là giáo viên trường THCS Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cô Tô Thị Bình luôn trăn trở để làm sao vận dụng các phương pháp dạy học tích cực có thể tác động tới tất cả các đối tượng học sinh trong lớp và đặc biệt chú trọng ứng dụng CNTT trong dạy học. “Tôi quan niệm, giờ dạy sẽ thành công nếu giáo viên sử dụng CNTT một cách hợp lý và triệt để”, cô Bình chia sẻ.

Trong giờ hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh năm học qua, cô Bình đã sử dụng phần mềm trắc nghiệm. Khi sử dụng phần mềm này, học sinh không chỉ biết mình được bao nhiêu điểm, sai ở câu nào mà còn biết được vị trí của mình so với các bạn trong lớp. Giáo viên sẽ có được kết quả tổng hợp nhanh chóng, bao nhiêu em đạt khá, giỏi, trung bình, học sinh sai ở câu nào nhiều nhất, để từ đó điều chỉnh phương pháp, rèn cho học sinh được tốt hơn. Nhờ sử dụng thiết bị dạy học này, cô Bình đã thực sự kích thích được sự hào hứng học tập của học sinh trong trường.

Đổi mới là dòng chảy không thể ngừng nghỉ

Không bằng lòng với việc truyền thụ kiến thức môn học đơn thuần, cô Nguyễn Thị Như Hằng, giáo viên trường THPT Trương Định, Tiền Giang cho biết, phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh.

“Khởi đầu một phương pháp mới sẽ vất vả cho thầy cô, nhưng nếu trên con đường mới mà chúng ta không chịu bước thì làm sao dẫn dắt các em đi đến đích của tri thức mới”, cô Hằng chia sẻ, “Chúng tôi đưa vấn đề thực tiễn vào chủ đề dạy học cụ thể, rõ ràng, có minh chứng bằng người thật, việc thật nên phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh, giúp học sinh rèn các kĩ năng mềm trong học tập, giao tiếp qua đó các em tích lũy kĩ năng sống phong phú hơn như khả năng giao tiếp ứng xử, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tìm và xử lý thông tin, tạo được sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các em trong hoạt động học tập…”. Với kinh nghiệm và sự say mê phương pháp dạy học tích hợp, cô Nguyễn Thị Như Hằng đã đoạt giải Nhất Cuộc thi quốc gia về dạy học tích hợp năm học vừa qua.

Có thể thấy, với sự say mê, mong muốn tìm đến những cách giảng dạy hiệu quả nhất cho học sinh, nhiều thầy cô đang miệt mài đổi mới, ứng dụng công nghệ vào từng bài giảng. Với hướng đi đầy sáng tạo này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã có một vị trí quan trọng trong mỗi nhà trường, nhận được sự hưởng ứng thiết thực và hiệu quả của mỗi thầy giáo, cô giáo, các em học sinh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, sự đổi mới, sáng tạo thể hiện trong việc xây dựng môi trường giáo dục mở, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, an toàn; đổi mới phương pháp dạy, học, thi, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hội nhập quốc tế; ứng dụng có hiệu quả thành tựu về công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý giáo dục; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp; cùng nhau xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời; xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại…