Sản xuất phần mềm miễn phí vì lợi ích cộng đồng

ANTD.VN - Một nhóm các bạn trẻ đến từ các trường đại học trên địa bàn Thủ đô đam mê công nghệ thông tin đã cùng chung tay khởi nghiệp với dự án phần mềm trên điện thoại phát hiện bệnh trên cây lúa thông qua hình ảnh để người nông dân đỡ vất vả, thu nhập cao hơn. Tất thảy họ đến với người nông dân bằng phương châm rất đơn giản: “Không viển vông mà hướng đến những lợi ích thiết thực cho cộng đồng”

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Quản lý điều hành dự án Hackanoi cho biết: “Hackanoi thành lập từ đầu 2016 - đây là một dự án tập hợp những hack-er, designer, bussines để tạo ra các sản phẩm về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Hiện Hackanoi có 2 dự án đó là CERO và EPMAP.

CERO là dự án về nông nghiệp: Phần mềm phát hiện bệnh trên lúa thông qua hình ảnh. Còn EPMAP là dự án đo chất lượng không khí tại các điểm ở Hà Nội. Cũng như các nhóm khởi nghiệp trẻ khác, Hackanoi cũng gặp những khó khăn chung như kinh phí hạn hẹp và khó nhất là tìm được những người cùng chí hướng, có kỹ năng phù hợp. Sau một thời gian, nhóm đã hình thành với các thành viên đến từ các trường ĐH Bách Khoa, Nông nghiệp, Kinh tế quốc dân...

Sản xuất phần mềm miễn phí vì lợi ích cộng đồng ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng của Hackanoi tại TechFest 2016

Phát hiện bệnh trên lúa thông qua hình ảnh

Tất cả các bạn trẻ trong Hackanoi đều là những người đam mê công nghệ nhưng điểm khác biệt tạo nên “thương hiệu” cho họ là tập trung phát triển những sản phẩm vì lợi ích của cộng đồng. “Chúng tôi có nhiều người sinh ra và lớn lên ở làng quê, bố mẹ, ông bà xuất thân đều là những người nông dân.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo luôn đứng nhất nhì thế giới nhưng ứng dụng, phần mềm phục vụ lĩnh vực này còn rất thấp… Không lẽ gì mà lại không tạo ra sản phẩm để phục vụ lợi ích cho chính người nông dân. Vì thế chúng tôi đã cùng ngồi lại với nhau thảo luận và quyết định cùng chịu gian khó để làm phần mềm phát hiện bệnh trên lúa thông qua hình ảnh”, anh Nguyễn Quang Hiếu, một thành viên của nhóm chia sẻ. 

Bắt tay vào công việc, nhóm đã nghiên cứu và tìm ra những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là trồng lúa. Một trong những vấn đề mà nhóm quan tâm là hiện nay sự kết nối giữa chuyên gia và người nông dân chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó các bệnh trên cây lúa lây lan nhanh trên diện rộng, rất khó kiểm soát và lợi nhuận của bà con nông dân từ cây lúa vẫn còn thấp do chi phí đầu vào cao. Đặc biệt, thực tế cho thấy, khi các bệnh trên cây lúa được phát hiện sớm, chi phí chữa bệnh sẽ thấp không để lan nhanh, đảm bảo sản lượng…

Từ đó dự án CERO đã ra đời như một giải pháp phần mềm để giúp bà con tối ưu hóa, giảm chi phí đầu vào. Phần mềm này được viết cho điện thoại di động. Chỉ cần có điện thoại thông minh, không cần cấu hình cao thì người nông dân đã sử dụng tốt phần mềm.

Con đường của chúng tôi là hướng đến lợi ích của cộng đồng chứ không mơ mộng những điều viển vông, xa vời”, các thành viên Hackanoi quả quyết.

Sau đó, mỗi khi đi làm đồng, không phải loay hoay ghi chép rồi đi hỏi khuyến nông như trước đây, bà con chỉ cần chụp ảnh, upload lên phần mềm. Hệ thống sẽ phân tích, nhận diện các bệnh và đưa ra giải pháp chữa bệnh. Qua phần mềm này, bà con nông dân còn có thể tương tác với các chuyên gia nhanh hơn so với việc tìm đến các trung tâm khuyến nông để xin tư vấn.

Đặc biệt, bà con nông dân sẽ sử dụng phần mềm này hoàn toàn miễn phí. Để đảm bảo chi phí cho phần mềm hoạt động, CERO còn hướng đến các đối tượng khách hàng khác. “Người trả tiền cho phần mềm sẽ là doanh nghiệp xuất khẩu gạo, doanh nghiệp giống, bảo hiểm…

Ví dụ các công ty bảo hiểm có bảo hiểm nông nghiệp cho sản xuất lúa có thể theo dõi quá trình bà con canh tác bằng phần mềm này. Muốn giảm thiểu rủi ro thì phải hỗ trợ bà con nông dân phòng chống dịch bệnh. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng thế, muốn đảm bảo sản lượng thì cũng cần theo dõi quá trình canh tác bằng phần mềm, hỗ trợ người nông dân khi cần thiết.

Tóm lại, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ nhiều nguồn qua phần mềm”, chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết. Hiện Hackanoi đang khẩn trương hoàn thiện phần mềm này để sắp tới sẽ thí điểm ở 5 điểm trồng lúa lớn trên cả nước và 1 điểm ở Philippines. Sau đó, khi các dữ liệu cơ bản được hoàn thiện, phần mềm sẽ chính thức đến tay người nông dân. 

Cảm biến đo chất lượng không khí

Xuất phát từ tình yêu với Hà Nội, các thành viên của Hackanoi cũng rất bức xúc khi thông tin về môi trường của Thủ đô có lúc bị xuyên tạc, không chính xác khiến người dân hoang mang. Hackanoi đã họp bàn và thống nhất nghiên cứu, triển khai dự án EPMAP đo chất lượng không khí tại các điểm ở Hà Nội.

Dự án này sẽ sử dụng cảm biến đặt ở nhiều điểm toàn thành phố để đo chất lượng không khí với các chỉ số API như Co2, Co, SO2… Các số liệu sẽ được phân tích bằng thuật toán với các mức tốt, không tốt, nguy hiểm cho sức khỏe và thường xuyên báo về phần mềm trên điện thoại di động của người dân. Đặc biệt, những điểm đặt cảm biến sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại Long Range có thể truyền tín hiệu liên tục ở khoảng cách xa. Vừa qua, một số doanh nghiệp đã liên hệ với Hackanoi để áp dụng Long Range vào một số lĩnh vực như theo dõi bình xăng của các ô tô đi trên đường nhờ gắn cảm biến sử dụng công nghệ này.

“Là những công dân yêu Thủ đô, chúng tôi rất bức xúc trước thông tin về ô nhiễm không khí, nước hồ khiến người dân lo lắng. Ai đo lường, bằng thiết bị nào, có chuẩn xác không? Những thông tin như thế ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Vì vậy chúng tôi muốn xây dựng mạng lưới rộng khắp những điểm cảm biến để đưa những số liệu chính xác nhất đến người dân”, anh Nguyễn Quang Hiếu nói.

Hiện nhóm đang tìm các nhà đầu tư để có vốn mua các cảm biến hiện đại để thử nghiệm, xây dựng các dữ liệu chuẩn trên các thông số khoa học mới nhất về chất lượng không khí. Sau đó, nhóm sẽ viết phần mềm cho điện thoại thông minh. Các dữ liệu từ các điểm quan trắc sau khi được phân tích sẽ được tự động thông báo về điện thoại người sử dụng vào nhiều thời điểm trong ngày. “Từ những cảnh báo đó, quan trọng nhất là người dân sẽ biết thay đổi thói quen để không gây hại cho môi trường, đó là mục đích sau cùng của dự án”, chị Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

Trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng các thành viên của Hackanoi đều quyết tâm thực hiện bằng được những dự án ý nghĩa của mình. “Chúng tôi xác định cùng chung tay, hy sinh nhiều điều để những sản phẩm này sớm đến với người dân. Con đường của chúng tôi là hướng đến lợi ích của cộng đồng chứ không mơ mộng những điều viển vông, xa vời”, các thành viên Hackanoi quả quyết.