Rắc rối xác nhận lý lịch sinh viên: Địa phương lúng túng vì không biết theo Bộ nào!

ANTD.VN - Lý lịch học sinh, sinh viên (theo mẫu của Bộ GD-ĐT) đề nghị chính quyền địa phương xác nhận nội dung “việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương” trong khi Bộ Tư pháp lại yêu cầu không được xác nhận nội dung này vào sơ yếu lý lịch.

Liên tiếp 2 sự việc liên quan tới xác nhận sơ yếu lý lịch của học sinh, sinh viên, người lao động sai quy định pháp luật vừa qua ở Hải Dương và Hà Nội đã gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội lại có điểm khác so với vụ “bút phê” ẩu vào sơ yếu lý lịch ở xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương.

Cụ thể, trong Lý lịch học sinh, sinh viên (bản có đóng dấu treo của Bộ GD-ĐT), ở Mục “Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú” có yêu cầu rất chi tiết: “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”.

Mẫu lý lịch của Bộ GD-ĐT nêu rõ yêu cầu xác nhận về "chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương"

Trong khi đó, theo công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20-3-2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp, Cục này yêu cầu Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.

“UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân” - công văn của Cục Hộ tịch quốc tịch chứng nêu rõ. Như vậy, theo văn bản này, việc các địa phương xác nhận vào Lý lịch học sinh, sinh viên của với nội dung “việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương” như yêu cầu của Bộ GD-ĐT liệu có trái với quy định của pháp luật?

Rõ ràng, trong tình huống đã nêu, các địa phương, cụ thể là UBND xã phường, thị trấn bị “mắc kẹt” giữa hai Bộ? Không xác nhận “chấp hành pháp luật…” theo mẫu hồ sơ của Bộ GD-ĐT thì công dân không thể hoàn thành được hồ sơ nộp nhà trường nhưng nếu xác nhận nội dung này thì lại trái với quy định của Bộ Tư pháp!

Trở lại với sự việc xảy ra ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, em Ngô V.A. đã tới UBND xã xin xác nhận vào Lý lịch học sinh, sinh viên để đem nộp nhà trường. Việc UBND xã ban đầu xác nhận “bản thân anh Ngô V.A. và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương” do gia đình em chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới là sai và ngay trong chiều 10-8, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Đăng Huấn đã gửi lời xin lỗi đến em V.A. và gia đình; UBND xã cũng xác nhận lại lý lịch cho em V.A. là: “Bản thân anh Ngô V.A. và gia đình luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”!

Để tân sinh viên có hồ sơ nhập học, xã Duyên Hà vẫn xác nhận nội dung "chấp hành chủ trương, chính sách..." vào lý lịch của em Ngô V.A.

Giải thích về việc xác nhận như trên, ông Nguyễn Đăng Huấn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hà cho biết: “Để tạo điều kiện cho công dân Ngô V.A. hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để nhập học, chính quyền xã nhất trí xác nhận nội dung theo mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT”.

Bản thân Ngô V.A. cũng trao đổi với lãnh đạo UBND xã rằng, đã được giải thích về việc xác nhận lý lịch cá nhân theo Nghị định 23/NĐ-CP thì xã chỉ xác nhận chữ ký của cá nhân. “Song nếu chính quyền chỉ xác nhận như vậy thì không đúng với yêu cầu của mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT (nêu ở trên - PV). Do đó, tôi đã đề nghị chính quyền xã xác nhận  có hộ khẩu thường trú tại địa phương, bản thân và gia đình luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Có như vậy tôi mới nộp được cho nhà trường…” – Ngô V.A. nói.

Về nội dung trên, ông Phạm Thanh Cao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, trong trường hợp này, xã "có thể đúng vì có lợi cho người dân". "Trong bản sơ yếu lý lịch này có yêu cầu nhận xét thì mình ghi như thế bởi đã nắm rõ thông tin gia đình người ta theo tinh thần công văn của Bộ Tư pháp. Nhưng nếu thông tin không có lợi cho cháu thì không được ghi mà chỉ xác nhận chữ ký thôi" - ông Cao nói.

Trả lời câu hỏi vậy xác nhận như thế có đúng với hướng dẫn của Bộ Tư pháp không, ông Phạm Thanh Cao nói rõ thêm: "Nếu xã biết rõ nhân thân của cháu thì được ghi thêm về thành phần gia đình theo hướng có lợi cho các cháu. Trong trường hợp lý lịch tư pháp (tức là việc xác minh về tiền án, tiền sự... thì thuộc thẩm quyền của cơ quan khác). Ghi thế có lợi cho người dân thì được...".