Rắc rối xác nhận lý lịch sinh viên: Bộ Giáo dục cần rà soát, chấn chỉnh mẫu hồ sơ

ANTD.VN - Liên quan tới rắc rối trong xác nhận lý lịch sinh viên ở xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội mà Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, đã trao đổi với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về nội dung đề nghị địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch.

Rắc rối phát sinh với đề nghị địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch sinh viên

Bộ không chỉ đạo?

Ông Nguyễn Công Khanh cho biết, đã trao đổi với bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và đại diện Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GĐ-ĐT. Theo đó, đại diện các đơn vị trên đều khẳng định Bộ GD-ĐT không có văn bản nào chỉ đạo yêu cầu địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho rằng, có thể do các trường tự in hồ sơ và trong đó có yêu cầu như vậy. “Tôi đã đề nghị Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT chỉ đạo tất cả các trường rà soát. Nếu đúng các trường có ban hành mẫu như vậy thì đề nghị phải chấn chỉnh ngay lập tức”, ông Nguyễn Công Khanh cho hay.

Theo ông Khanh, hiện nay, hồ sơ học sinh, sinh viên được bán phổ biến, do đó để khẳng định được cơ sở nào in và phát hành là rất khó. Còn Bộ GD-ĐT đã khẳng định Bộ không ban hành văn bản nào với yêu cầu địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch của sinh viên nhập học.

Tuy nhiên, ở trường hợp e Ngô V.A., Lý lịch sinh viên do em mang ra xã xác nhận trên có tiêu đề "Bộ Giáo dục và Đào tạo" và còn có dấu treo đỏ chót của Bộ này phía trên như một cơ sở nhằm đảm bảo đây là "hàng thật". Ngô V.A. cho biết, em mua hồ sơ này ở ngoài như bao tân sinh viên khác. "Trong giấy báo nhập học có yêu cầu mua sơ yếu lý lịch và hoàn thiện. Em mua hồ sơ theo yêu cầu và ngay cả các bạn em cũng mua hồ sơ giống như mẫu của em" - Ngô V.A nói. 

Vậy nếu đúng là Bộ GD-ĐT không chỉ đạo yêu cầu địa phương xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch, thì mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên kể trên với nội dung “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương” là ở đâu ra? Giả sử là các trường tự phát hành thì tại sao lại có tiêu đề và dấu treo của Bộ GD-ĐT? Nếu không do Bộ phát hành thì có giá trị hay không?...

Đây là những câu hỏi mà Bộ GD-ĐT cần trả lời rõ ràng trước công luận bởi hiện nay đang là mùa tuyển sinh, hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước đang làm hồ sơ để nhập học.

Mẫu Lý lịch học sinh, sinh viên này không phải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì do ai chịu trách nhiệm phát hành?

Bộ Giáo dục không thể quy định cấp xã phải làm gì!

Cũng về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Khanh nhấn mạnh: “Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ. Hơn nữa cấp xã phải thực hiện theo đúng Luật Chính quyền đia phương. Các lĩnh vực chuyên ngành đều đã có văn bản quy định cả rồi. Giáo dục thì có Luật giáo dục. Nếu ngành giáo dục lại quy định cấp xã phải xác minh về cái này cái kia thì phải xem lại”.

Được biết, từ năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT yêu cầu UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.

Đại diện Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực cho rằng, đến nay tinh thần hướng dẫn trong Công văn số 1520 vẫn đúng. "Chúng tôi đã yêu cầu không xác nhận chấp hành pháp luật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật thì đã có quy định về lý lịch tư pháp" - ông Khanh nói.

Trước đó, Báo An ninh Thủ đô đã phản ánh rắc rối liên quan tới xác nhận Lý lịch học sinh, sinh viên của em Ngô V.A. ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Cụ thể, trong Lý lịch học sinh, sinh viên (bản có đóng dấu treo của Bộ GD-ĐT), ở Mục “Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú” có yêu cầu rất chi tiết: “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”.

Trong khi đó, theo công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20-3-2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp, “UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân”.

Do đó, không chỉ riêng trường hợp em Ngô V.A., nếu mẫu Lý lịch trên được bán rộng rãi trên thị trường, UBND xã phường, thị trấn sẽ bị “mắc kẹt” giữa hai Bộ? Không xác nhận “chấp hành pháp luật…” theo mẫu hồ sơ của Bộ GD-ĐT thì công dân không thể hoàn thành được hồ sơ nộp nhà trường nhưng nếu xác nhận nội dung này thì lại trái với quy định của Bộ Tư pháp!